Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Xây dựng thương hiệu khách sạn


Bạn làm thế nào để phân biệt hai khách sạn có cùng tiêu chuẩn sao?

Vị trí địa lí, qui mô xây dựng, tiện nghi vật chất, chất lượng dịch vụ hay trình độ tay nghề của nhân viên? Nếu xét về khía cạnh vật chất, hai khách sạn cũng cùng tiêu chuẩn sao thì cũng có trang thiết bị như nhau. Xét về qui mô, khách sạn có số phòng nhiều chưa chắc đã tốt hơn khách sạn có ít phòng hơn. Xét về con người hai khách sạn cùng đẳng cấp thì nhân viên cũng cùng trình độ và năng lực ngang nhau… Có thể nói, điều phân biệt rõ nhất giữa hai khách sạn cùng đẳng cấp chính là thương hiệu của mỗi khách sạn.

Trong kinh doanh khách sạn, thương hiệu không thể sờ thấy được, giá trị thương hiệu khó định giá được cho nên việc định vị thương hiệu là một việc cực kỳ quan trọng của hoạt động marketing trong khách sạn. Điều đó còn thể hiện rằng, hoạt động marketing chính là quá trình xây dựng thương hiệu, thương hiệu hiện diện trong tâm trí người tiêu dùng là mục đích cuối cùng của hoạt động marketing.

Trong cuộc chạy đua nhằm đưa thương hiệu của mình vào tâm trí khách hàng, nhiều khch sạn đã tìm kiếm cho mình một phong cch riêng để đưa “cái tên” ấy vào tâm thức khách hàng một cách ấn tượng nhất. Thực tế cho thấy không ít khách sạn đã tạo dựng được thương hiệu của mình ở trong nước và quốc tế bằng nhiều cách khác nhau.

Giới kinh doanh cho rằng, khi một nguyên thủ, danh nhân, người nổi tiếng … đến lưu trú tại một khách sạn thì uy tín của khách sạn tăng lên gấp nhiều lần. Nắm bắt tâm lý này, nhiều khách sạn đã ghi lại những bút tích của những người nổi tiếng trong thời gian họ lưu lại đây.
Khách sạn Tân Sơn Nhất, nơi tiếp đón nhiều đoàn khách quân sự cao cấp các nước, Khách sạn Continental đã là nơi trú ngụ trong một thời gian dài của tác giả tiểu thuyết lừng danh “Người Mỹ trầm lặng”, Khách sạn New World đã từng đón Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Khách sạn Sheraton đón Vua Thụy Điển Cart Gustaf và Hoàng hâu Silvia … Nhờ sự viếng thăm của các VIP này mà các khách sạn trên được nhiều người biết đến, qua đó lượng khách lưu trú tăng lên và tất nhiên thương hiệu của những khách sạn này cũng thêm phần giá trị.

Một số khách sạn khác thì lại xây dựng thương hiệu khách sạn cho riêng mình bằng việc đánh vào yếu tố văn hóa. Khách sạn Majestic năm sao mang đậm phong cách thanh lịch của văn hóa Pháp, từ kiến trúc trong xây dựng cho đến cách bày trí món ăn nên từ lâu đã thu hút được đông đảo khách du lịch yêu mến phong cách này. Cũng chính vì vậy mà Tổng thống Francois Mitterrand đã chọn Majestic làm nơi dừng chân trong cuộc viếng thăm Việt Nam.

Với khách sạn Rex thì lại phát triển thương hiệu của mình theo hướng văn hóa cung đình và văn hóa dân tộc Việt Nam. Vì thế mà rất nhiều du khách tìm đến thương hiệu Rex tìm hiểu văn hóa, ẩm thực và con người Việt Nam.

Bà Mạc Phương Minh, từng là giám đốc khách sạn Tân Sơn Nhất nói: “Với Tân Sơn Nhất, mỗi vị khách là một VIP cho dù bạn là ai và từ đâu đến!” Vì vậy, việc làm hài lòng khách và cung cấp cho khách một dịch vụ hòan hảo là điều gần như bắt buộc mà khách sạn phải thực hiện.

Phát triển thương hiệu mạnh còn cần nhiều yếu tố vì không phải cứ tạo ra thương hiệu rồi đem quảng bá nó là sẽ có chỗ đứng. Một trong những yếu tố quan trọng làm khách sạn mạnh lên chính là con người, “Con người làm nên linh hồn cho khách sạn nếu không có con người khách sạn chỉ là khối kiến trúc lạnh lùng”. Suy cho cùng, thương hiệu không chỉ là “cái tên” mà đó chính là linh hồn của khách sạn. Để thương hiệu có thể tồn tại và phát triển thì tất cả các bộ phận của khách sạn đều phải cùng nhau “giữ hơi ấm” cho thương hiệu của khách sạn mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét