Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

Đời có buồn không

Tôi vốn người Mỹ Tho, khăn gói lên Sài Gòn tạo dựng sự nghiệp. Nhiều lần đã bị đuổi ra khỏi nhà trọ lúc nửa đêm chỉ vì thân thể ốm nhom, gầy gò, nghèo khó. Sự nghèo khó cộng với mặc cảm tự ti đã làm tôi muốn chùn bước ở thời gian đầu. Nhưng với bản chất chân thật vốn có của những con người miền Tây và lòng tự trọng khát khao học hỏi đã giúp tôi vượt qua tất cả.

Gia đình hạnh phúc

Tôi lên Sài Gòn lập nghiệp chỉ mang theo hai lời dạy bên người: một lời của má và một lời của thầy. Má tôi dạy rằng “Đừng tham lam của người nghen con, cũng đừng giả dối mà hại đến thân, sống thì phải trung thực, chân tình thì mới tồn tại lâu bền”. Thầy tôi thì dạy: “Em sống xa nhà thì phải biết làm công tác quần chúng tốt. Làm công tác quần chúng tốt là phải trung thực hết mình, chân thành với mọi người. Trung thực và chân thành là lối sống khôn ngoan và thông minh nhất đó”. Những ngày đầu không có tiền, tôi đạp xe mòn mỏi khắp Sài Gòn tìm việc. Từng cơn mưa hạ quất xối xả lên thân thể gầy nhom của tôi. Không áo mưa che thân, bùn đất văng lên làm chiếc áo trắng duy nhất của tôi đen thui, đen thủi. Nhiều người đi đường tỏ vẻ ái ngại và thương hại cho thân phận của tôi. Gió mưa vần vũ mà thân thể tôi thì gầy nhom lại còn ướt như chuột lội. 

Đường đã lên đèn rồi mà tôi chẳng biết phải về đâu? Cơn mưa chưa tạnh, tôi núp dưới mái hiên một nhà bên đường mà không biết cuộc đời này rồi sẽ ra sao? Đầu óc tôi miên man suy nghĩ với trăm mối tơ vò. Nhà nghèo, anh em đông, thất nghiệp, không đất canh tác. Gia đình suốt đời nghèo khổ, sống khốn khó bằng những công việc làm thuê vất vả. Đồng tiền kiếm được chẳng bao nhiêu nhưng kiếm được đồng nào thì lại để dành mua gạo hết đồng nấy. Cơm canh đạm bạc chỉ có rau luộc, nước mắm mặn mà thôi. Miếng thịt tươi đối với tôi là cả một bầu trời xa xỉ. Ba má tôi cùng tám anh chị em của tôi sống những chuỗi ngày lây lất như vậy. Thân tôi nay bơ vơ, lạc lõng không việc làm, không đồng xu dính túi. Làm gì để cải thiện cuộc sống đây? Câu hỏi đó luôn lởn vởn trong đầu óc của tôi.

Có những lúc, tôi đứng nhìn dòng người, xe hối hả trên các con đường một chiều mà suy nghĩ: có phải “luật sống” của Sài Gòn là đó ư?. Dòng người sao cứ hối hả, mải miết, ào ào và tuôn chảy mãi? Sao không đổ chiều ngược lại mà cứ lại xuôi dòng?

Ah! Đúng rồi, đấy là “luật sống” của Sài Gòn đó! Mình phải làm sao hòa theo dòng chảy ấy thì mới tồn tại còn nếu không sẽ bị loại khỏi đường đua. Bất chợt tôi muốn reo lên, tôi đã “ngộ” ra được một điều mà trước giờ không nghĩ đến. Tôi như mở cờ trong bụng, tôi hân hoan nhìn mọi người. Tôi thấy ai trên đường sao cũng thân thiết và đáng yêu hết mực. Thế là từ đó tôi học cách ăn, cách ở, cách làm việc của người Sài Gòn. Sài Gòn thật sôi nổi, thật mạnh mẽ mà cũng thật bao dung. Sài Gòn sẵn sàng chở che cho những người có tâm, có trí và chí thú làm ăn nhưng cũng sẵn sàng đào thải những ai hèn nhát, chây lười, không hiểu luật của nó. Tôi lao vào công việc dù đó là công việc gì? Bước đầu tôi tìm được nhiều việc nhưng chỉ là những công việc không tên tuổi. Công việc tôi tìm được dù có bé nhỏ nhưng tôi vẫn làm với lòng say mê tột cùng. Ao ước của tôi là làm sao hội nhập được vào Sài Gòn!

Có cố gắng rồi sẽ được đền bù phải không bạn? Thắm thoát đó mà tôi đã lăn lóc ở Sài Gòn gần hai mươi năm. Tính thật thà, trung thực mà má và thầy đã dạy cho tôi cùng với khát khao vươn lên đã giúp tôi đứng dậy. Ánh dương của thành tựu đã đến với tôi.

Tôi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm Toán, đại học Ngữ văn Anh, đại học QTKD Du lịch Khách sạn Nhà hàng. Tôi đã học thạc sĩ và tôi đang làm luận án tiến sĩ. Tôi lấy vợ. Tôi có hai con: trai gái đề huề. Tôi xây nhà cho ba má tôi ở Mỹ Tho. Tôi cất nhà cho mẹ vợ tôi ở Đồng Nai. Tôi mua nhà ở Sài Gòn cho vợ con tôi. Tôi vừa đi làm, vừa đi dạy đại học. Tôi được thăng tiến tới chức vụ phó giám đốc một du khu lịch lớn ở Đồng Nai. Tôi đã nhiều lần nghỉ việc nhưng vị chủ tịch hội đồng quản trị vẫn ưu ái chừa ghế ấy cho tôi. Bà nói: “Em là người kinh doanh mà có tính trung thực đặc biệt, khắp Sài Gòn khó tìm được người như em”. 

Các bạn ạ! Tôi kể ra những điều này không phải là tôi khoe. Tôi muốn khẳng định một điều rằng: sự trung thực và chân thành vẫn có chỗ đứng. Tinh thần ấy đã kết tinh thành tinh hoa của dân tộc Việt Nam chúng ta. Tinh hoa ấy vẫn đang phát triển, đang thắm sắc trên cánh đồng hạnh phúc. Thưa các bạn, những gì tôi có được ngày hôm nay là do tôi luôn tâm niệm lời dạy của những người đi trước. Tôi luôn tin tưởng rằng sự trung thật và lòng chân thành luôn luôn chiến thắng.


Xin mượn câu nói của thầy tôi thay cho lời kết của bức thư này: “Trung thực và chân thành là cách sống khôn ngoan và thông minh nhất”

 ______________________________________________________
Ghi chú:

Dân dã - Đồi Sứ resort

Cách Thành phố Hồ Chí Minh 175 km về phía Đông trên Quốc lộ 1A và thêm 18 km cách Quốc lộ 1A về hướng biển là đến Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đồi Sứ. Tọa lạc tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận nằm cách Thành phố Phan Thiết 23 km về hướng Nam, Đồi Sứ có 320 mét bờ biển với bãi cát dài trắng muốt, nước xanh trong màu ngọc bích thật đẹp nổi tiếng từ lâu, nơi đây là điểm đến thật sự ấn tượng cho những ai yêu biển và yêu cái không gian yên ả, thanh bình của thiên đường du lịch Việt Nam.

Nguồn gốc của tên Đồi Sứ bắt nguồn từ một di tích kiến trúc độc đáo ở Bình Thuận đó là Hải đăng Kê Gà được xây trên đỉnh đảo Kê Gà. Đảo Kê Gà có diện tích 5 ha ở vùng biển xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam cách Thành phố Phan Thiết 30 km về phía Đông nam. Ngọn hải đăng này là biểu tượng uy nghi của tỉnh Bình Thuận do một kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng để hướng dẫn tàu thuyền qua lại. Được khởi công từ tháng 2 năm 1897, đến cuối năm 1898 thì khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động năm 1900. Dưới chân và xung quanh hải đăng, người ta trồng rất nhiều cây sứ dọc theo lối đi, những gốc sứ này đã hiện diện tại đảo Kê Gà từ cuối thế kỷ 19 cho đến nay vẫn còn nguyên. Du khách sẽ thật sự bất ngờ khi đến đấy bởi dáng vóc của những gốc sứ này, chúng không là những “nàng” sứ mảnh mai tỏa mùi thơm sang trọng, dịu mát mà là những “cụ” sứ cổ thụ tàng lá xum xuê che phủ cả một vùng. Càng ngạc nhiên hơn khi du khách sẽ là người chinh phục đỉnh hải đăng, một cảm xúc thật lạ khó diễn đạt bằng lời một khi du khách leo lên đến đỉnh.  Lời khuyên cho du khách là khi du lịch đến Phan Thiết thì đừng bỏ qua và hãy thể hiện mình vào cảm giác kỳ thú đó. Hiện nay, đảo kê Gà và hải đăng Kê Gà đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách. Với ông Nguyễn Hồng Sơn, người chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái Đồi Sứ vì yêu loài hoa sứ  và cũng vì yêu mảnh đất nơi này mà ông đã đặt tên cho Khu du lịch của mình cái tên dân dã, mộc mạc nhưng hết sức quyến rũ đó.

Tổng diện tích của Khu du lịch Đồi Sứ rộng xấp xỉ 15 ha, chia làm hai phần: Phần trước biển sử dụng cho việc xây dựng phòng nghỉ các loại, hai nhà hàng, hồ bơi, sân chơi trẻ em, phần còn lại là rừng phi lao nguyên sinh cùng những đồi cát. Một biệt thự khách sạn nằm xen lẫn vào rừng dương. Một con đường bằng xi măng được xây nối liền các đồi cát với tên gọi Tiểu Vạn Lý Trường Thành, được nối thông với lầu Vọng nguyệt vừa làm hệ thống giao thông nội bộ vừa làm cảnh quang phục vụ du khách. Trên đó, du khách có thể tập thể dục với hình thức chạy bộ, bằng xe đạp leo núi hoặc bằng ngựa và ngắm toàn bộ vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ của vùng biển Thuận Quý mỗi sáng hoặc chiều về. Khu du lịch còn có Vườn bảo tồn với diện tích 3000 m2, nơi nuôi dưỡng các loài hươu sao, nhiều loài chim, gà tây, ngỗng, … cùng nhiều cây ăn trái như xoài, chuối, nhãn được trồng lấy bóng mát cho vườn. Vườn bảo tồn là một ốc đảo xanh nằm lọt thỏm giữa một bán hoang mạc khô cằn của Thuận Quý.

Không như những khu nghỉ dưỡng khác, đến Đồi Sứ du khách còn có thể dạo bước ngắm nhìn, tìm hiểu hoặc sưu tầm hàng chục loài phong lan. Thăm Vườn ươm để thử tìm loài hoa nào sẽ sống và tồn tại ở vùng nắng cháy này. Một điều cũng thật lạ là nơi khô cằn của vùng bán sa mạc này rất khó cho các loài cây sinh trưởng thế nhưng đến Đồi Sứ bạn vẫn thấy muôn loài hoa rực rỡ khoe sắc cả một góc trời ngay những lúc khô hạn nhất.

Thiên nhiên còn ưu đãi cho Đồi Sứ một rừng phi lao xanh ngắt, tới đây du khách có thể chọn cho mình một vị trí, một chiếc võng mắc giữa hai hàng phi lao, để rồi bạn có thể hòa mình vào với thiên nhiên một cách trọn vẹn giúp bạn tách biệt hẳn sự ồn ào của chợ đời. Khu rừng đó sẽ không một tiếng động của sự inh ỏi, không choáng ngợp bởi sự đông đúc của xe cộ hoặc con người, không khói bụi của nhà máy hay công trường mà tất cả chỉ là sự tĩnh lặng của không gian. Dưới bóng phi lao, du khách chỉ nghe tiếng vi vu, tiếng xào xạc của hàng thông, hàng cây, tiếng véo von của chim chóc, tiếng rỉ rả của côn trùng, tiếng sóng vỗ rì rầm của biển cả hay là tiếng ì ầm bất tận của núi đồi…

Chán chê, du khách có thể đắm mình trong làn nước biển trong mát hoặc ngụp lặn trong bể bơi có phục vụ massage ngoài trời. Bạn cũng có thể đăng ký đi thăm một làng chài, thăm ngọn hải đăng bằng thuyền đánh cá. Đồi Sứ còn có phòng tập thể dục thể hình, phòng chơi bóng bàn, bida, bi sắt hoặc tìm cảm giác mạnh hơn như lướt ván, mô tô nước cho những ai thích thể thao.

Khu Du lịch Đồi Sứ, nơi cái hương ấm nồng của những cây hoa sứ nở trắng bông như quyện với lời ca của sóng biển, nơi tiếng vĩ cầm của gió dạo qua rừng dương để dựng lên một không gian đầy thơ và nhạc. Nằm giữa vùng dân cư và phong cảnh còn nhiều nét hoang sơ, dân dã Đồi Sứ là khuôn viên sinh thái tuyêt vời cho những ngày nghỉ cuối tuần của mỗi chúng ta.

Đặng Thanh Vũ

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Phú Quốc - Thiên đường du lịch mới

Hồ tiêu và nước mắm Phú Quốc


Có thể nói, Phú Quốc là hòn đảo nổi tiếng của Việt Nam. Phú Quốc nổi tiếng vì nơi đây trồng nhiều hồ tiêu. Tiêu Phú quốc chắc hạt, ngon và cay nồng, góp phần làm nên một Việt Nam – cường quốc xuất khẩu tiêu trên thế giới. Phú quốc còn nổi tiếng với nước mắm. Nước mắm - một thứ nước chấm không thể thiếu trong các bữa cơm gia đình của người Việt. Nước mắm Phú quốc đã làm cho bao lớp người xao xuyến vì hương vị của nó, điều đó càng quan trọng hơn đối với những người Việt nam xa xứ lâu ngày, tâm hồn họ như  lắng đọng khi nghe mùi vị thơm nồng và khi được nếm hương vị đậm đà của nước mắm. Từ hương vị đặc trưng khó quên ấy mà tình yêu quê hương, yêu đất nước như trỗi dậy và được hun đúc lên nhiều. Không chỉ là sản phẩm riêng của người Việt, thứ nước mắm nổi tiếng với thương hiệu Phú Quốc này cũng đã thuyết phục không ít ông tây, bà đầm phải chậc lưỡi và gật gù đắc ý mỗi khi thưởng thức chúng. Mang ít nhiều hồ tiêu, nước mắm về làm quà từ một chuyến du lịch ở Phú Quốc sẽ ý nghĩa hơn nhiều khi mua những sản vật khác.

 

Phú Quốc thiên đường mới

 

Sự nổi tiếng của Phú Quốc không chỉ dừng lại ở đấy mà còn có sự tham gia của biển. Biển của Phú quốc đã góp phần làm cho du lịch ở hòn đảo này thêm khởi sắc. Sự đổ xô của nhiều người từ đất liền ra đảo để được chiêm ngưỡng vẻ hoang dã của biển, để được đắm mình nghe biển hát, để được làm bạn với ngư dân và câu mực đêm trên biển đã làm cho Phú Quốc thêm hấp dẫn. Người ta nói rằng: “Phú Quốc là thiên đường du lịch vừa tìm thấy” có lẽ lời nói ấy không ngoa bởi vì rất nhiều bãi biển đẹp đang đợi con người đến khai thác, thưởng thức. Cảnh biển đẹp đến nao lòng, nước thật trong và xanh, màu ngọc bích của nước, của mây trời, của tấm lòng người dân biển chân chất   đã làm nên một sự toàn bích hoàn hảo. 

Hãy thưởng thức sự diệu kỳ này bằng cách làm một chuyến du lịch đến Phú Quốc. Nằm sưởi nắng trên bãi cát vàng, nhìn ngắm những con sóng biển bạc đầu, từ xa tít tắp chạy nhanh vào bờ và vội vã vỡ oà tan biến thì không gì lý thú bằng. Bạn cũng sẽ có những phút giây thật riêng tư để vui vẻ cùng bạn bè, để thư giãn, để lắng đọng hoặc để hoài niệm về một thời nào mà không sợ ai có thể làm phiền. Nơi chỉ có trời, có biển và có riêng mình thì đúng là thiên đường đáng khám phá.



HỘI AN – vùng cổ tích riêng cho người du lịch

Phố cổ Hội an, di sản thế giới

Tháng 12 năm 1999, Tổ chức Văn hóa, khoa học, giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận khu phố cổ ở Thị Xã Hội An là di sản văn hóa của thế giới và Hội An trở thành một trong bốn di sản thế giới tại Việt Nnam.
Di sản thế giới Phố cổ Hội An có 1360 di tích, danh thắng được phân thành 11 loại hình gồm: nhà cổ, mộ cổ, miếu thờ, giếng nước … riêng khu vực đô thị Hội An có hơn 1100 di tích trên tổng số đó. Ngoài giá trị văn hóa đồ sộ to lớn, Hội An còn lưu giữ một di sản phi vật thể phong phú vàcực kỳ đa dạng, biểu hiện qua các lễ hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian cùng với các làng nghề truyền thống khác.

Nhà cổ trong … phố cổ

Phố cổ Hội An nổi tiếng nhờ những … nhà cổ.

Cho đến nay, ở Hội An là nơi có nhiều nhà còn lợp ngói âm dương, một loại ngói mang phong cách rất đặc trưng, có hình dáng cong cong, chắc chắn và chịu lực tốt. Nhà cổ càng thêm … cổ do bao năm tháng nhuốm bụi thời gian, mái ngói trên nhà bị những mảng rêu phong xanh rì bám chặt, giá trị càng được gia tăng lên nhờ những mảng rêu phong ấy và chúng cũng chính là chứng nhân lịch sử qua bao cuộc thăng trầm của thế sự. Giá trị về chất xưa cổ của Hội An càng dày lên nhờ những lớp bụi thời gian ấy.

Các ngôi nhà cổ ở Hội An thường có dạng nhà ống rất hẹp và người ta còn có thể gọi dưới một cái tên khác là nhà ruột ngựa. Gọi là nhà ruột ngựa bởi vì nhà có bề ngang rất hẹp, bình thường chỉ khoảng từ 3m đến 4m trong khi đó chiều dài lại rất dài từ 30m đến 40m. Do nhà quá dài nên đoạn giữa của chiều dài căn nhà người Hội An thường “khoét” một giếng trời để thông khí và lấy ánh sáng và do có nhiều ánh sáng lại thoáng khí nên người ta trồng nhiều loại hoa kiểng ở những nơi này, giúp không gian sống ở nơi đây thêm nhiều ý nghĩa, gần gũi với thiên nhiên, với cái tĩnh tại của vô vi.

Nhà là nơi che chở, nhà là mái ấm của con người, nhà là tình thương nuôi dưỡng con người khôn lớn và trưởng thành. Người Hội An quan niệm rằng, nhà cũng giống như con người, mang hơi thở của con người, hiểu biết và cảm nhận mọi vật một cách chân tình, nhà cũng có cái khí, cái thần riêng của nó nên trước cửa của mỗi nhà người Hội An thường gắn một vật có hình khối tròn tượng trưng cho “con mắt cửa”. “Con mắt cửa” này thường có hình thái của Lưỡng nghi hoặc Bát quái đồ hình trong Dịch học.

Đêm rằm phố cổ – Đêm hồn phố

Có lưu lại phố cổ vào những đêm rằm du khách mới thấy hết, mới cảm nhận được hết cái tinh tế của Hội An. Là nơi hội tụ, hòa quyện nhiều nền văn hóa: Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa, các nước Phương tây,… các dấu tích ở Hội An đã góp phần dần hình thành nên “một hồn phố”. Cái hồn phố này đã chất chứa qua bao thế kỷ giờ mới được khám phá và được khai thác. Phố cổ vào những đêm rằm như sáng hơn, lung linh hơn, trăng như tròn hơn soi bóng xuống dòng sông Thu Bồn thơ mộng. Chất cổ như được nhân lên nhiều lần bởi hàng trăm đèn lồng đủ màu sắc đang lung linh trong gió trước hiên nhà. Đến Hội An để được đắm mình trong bầu không khí ấm cúng đó, được nghe những làn điệu du dương của các khúc dân ca, được dạo bước trên góc phố xưa trong cảnh thanh bình sẽ đưa du khách về một vùng cổ tích rất riêng và chỉ riêng Hội an mới có.