Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

Thầy giáo tìm việc cho hàng ngàn sinh viên

09:10:47 18/10/2013
Sau buổi dạy Quản trị học tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, TS Đặng Thanh Vũ nhắn sinh viên trong lớp: “Bạn nào khó khăn, cần tìm việc làm thêm cứ nói với thầy. Giúp được thầy sẽ giúp...”.
Tối ấy điện thoại của ông Vũ rung lên. Một sinh viên nhắn tin: “Thưa thầy, nhà em khó khăn quá. Anh chị nuôi em đi học nhưng giờ không lo nổi nữa. Không tìm được việc làm chắc em nghỉ học quá...”.
Nước mắt của trò
"Khi mình giúp sinh viên có công ăn việc làm ổn định thì gia đình các em cũng ổn định và xã hội sẽ ổn định. Như vậy, mình góp một phần rất nhỏ bé vào sự ổn định của xã hội" - TS Đặng Thanh Vũ. 


    Tiến sĩ Đặng Thanh Vũ và sinh viên tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM chiều 17-10

“Nghe thế mình phải hành động ngay” - ông giáo kể lại với người viết. Hôm sau ông gọi điện cho một học trò cũ có quán cà phê gần trường: “Quán em mới mở, cần người phụ thì cho thầy gửi một bạn”. Xong xuôi, ông kêu bạn sinh viên mang hồ sơ đến căn dặn: “Thầy chỉ giúp em công việc bán thời gian lúc đầu. Sẽ cực nhọc nhưng em đừng nề hà. Mình phải bắt đầu từng bước. Em nhớ phải sống thật lòng, đừng gian dối. Đó chính là tài sản của mình”.
Công việc làm thêm ấy đã giúp cô sinh viên trang trải việc học. Đến hè, để tăng thêm thu nhập, bạn xin đi làm thêm gia sư. Mới đây gặp lại thầy Vũ, cô sinh viên khoe được phụ huynh học sinh thương như con trong nhà, giúp đỡ nhiều cho việc ăn học. “Cũng nhờ bài học về chăm chỉ, sống thật lòng, không gian dối thầy dạy em nên cô chủ nhà thương” - cô sinh viên nhắc. Ông bảo: “Em xin phép chủ nhà khi nào rảnh cho thầy đến thăm, cảm ơn vì đã giúp đỡ học trò của thầy”. Nghe thế, mắt cô sinh viên rơm rớm nước: “Nghe thầy nói em muốn khóc”. Ông thầy tiếp lời: “Cha mẹ em ở xa. Coi như thầy thay mặt cha mẹ em cảm ơn người ta...”.
Cô sinh viên tên Hoa Lư (quê Cà Mau) này là một trong hàng ngàn trường hợp được thầy Vũ tìm việc cho. Không nhớ hết, nhưng người thầy chuyên ngành du lịch ước tính từ năm 1999 đến nay, cứ mỗi năm ông tìm việc cho hơn 100 sinh viên. Riêng từ đầu năm đến nay, ông Vũ khoe đã tìm được việc cho 70 bạn. Có sinh viên ông đưa ra tận Côn Đảo, Phú Quốc để nhận việc xong ông lại quày quả quay về. “Tôi chỉ giúp các em công việc bước đầu như lễ tân, tiếp tân, phục vụ... trong các nhà hàng, khách sạn. Sau đó các em phải tự phấn đấu để vươn lên” - ông Vũ nói.
Và trong hàng ngàn học trò ông tìm việc giúp giờ có người đã làm giám đốc, phó giám đốc các khách sạn, nhà hàng, khu du lịch ở TP.HCM, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Hà Tĩnh... “Đây cũng là những nơi tôi gửi gắm học trò mình” - ông Vũ cười thật tươi kể thêm.
Thấy “tuyển nhân viên” là vào hỏi
Ông Vũ kể mình bắt đầu tìm việc cho sinh viên từ năm 1999 khi là giảng viên Trường ĐH Văn Hiến. “Niềm vui của học trò khi tìm được việc làm khiến tôi tiếp tục đồng hành cùng các em...” - ông Vũ chia sẻ.
Nguồn việc làm ông Vũ giới thiệu cho sinh viên chủ yếu từ những nhà hàng, khách sạn, khu du lịch mà ông quen biết. Họ nhờ ông giới thiệu sinh viên, cử nhân ngành du lịch mới ra trường về làm việc. Ngoài ra cũng có những “mối” là học trò được ông tìm việc trước đó đứng ra “bảo lãnh” cho đàn em khi được thầy Vũ giới thiệu. Có hôm đang đi trên đường thấy bảng “tuyển nhân viên” từ một khách sạn, ông Vũ quay xe lại vào hỏi thăm, ghi chú cẩn thận thông tin để giới thiệu cho trò.
Để giữ uy tín với nhà tuyển dụng, ông Vũ đặt ra nguyên tắc bao giờ cũng “sơ vấn” học trò trước khi giới thiệu. “Mình phải nắm trước điểm mạnh điểm yếu, sở trường, tính tình của từng em để giới thiệu công việc cho phù hợp với tiêu chuẩn. Mấy em nhờ xin việc tôi cũng phải gặp mặt, nói chuyện trước rồi mới tìm chỗ phù hợp chứ không chỉ đại được” - thầy Vũ kể.
Thế nhưng cũng có lần ông Vũ tìm việc cho trò thất bại. “Bạn này tốt nghiệp ngành du lịch. Sau nhiều lần sàng lọc, tôi giới thiệu cho em ba nơi nhưng không hiểu sao cả ba chỗ đều lắc đầu. Tôi nói em đừng nản, thầy sẽ đồng hành cùng em đến khi nào xin việc được mới thôi. Nhưng sau đó em có vẻ ngại vì nghĩ làm phiền tôi quá nên không liên lạc với tôi nữa. Tôi gọi điện hỏi thăm em cũng không được” - ông trầm ngâm.
Sau 14 năm tìm việc cho sinh viên, ông Vũ đúc kết sinh viên có mấy điểm cần cải thiện là ngoại ngữ, ít ngôn từ trong giao tiếp và kỹ năng giao tiếp chưa tốt nên dễ mất lòng người khác. Ông dẫn chứng: “Tôi nói với sinh viên rất nhiều, ngoại ngữ giỏi rất có lợi cho các em nhưng sinh viên hiện cũng rất yếu. Sinh viên cũng yếu về ngôn từ trong diễn đạt, giao tiếp. Chẳng hạn có bạn khi nói chuyện với thầy cô lại dùng từ ngụy biện thay vì biện minh... Tôi nói với sinh viên hoài, xảy ra xung đột, gây gổ cũng chỉ vì có hai từ nhiều người không chịu học. Đó là cảm ơn và xin lỗi”.
Hỏi ông được gì sau khi tìm việc cho hàng ngàn sinh viên, ông giáo cười sảng khoái: “Có được gì đâu”. Rồi như nhớ ra, ông nói thêm: “Có được, được chớ. Đó là học trò vẫn nhớ đến mình, bao nhiêu năm gặp lại học trò vẫn dạ thưa thầy, có đứa đến nhà thăm, có đứa bảo nhất định thầy phải dự đám cưới của em nữa...”.
Thầy trò cùng làm
Để tạo việc làm thêm cho sinh viên, ông Vũ “đầu tư” hơn 10 triệu đồng để cùng học trò làm dự án “Bánh mì đường phố” gần Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM. Những xe bánh mì này do sinh viên quản lý, phục vụ theo giờ để kiếm thêm tiền trang trải việc học. “Tháng đầu tổng kết lại lỗ hết 3 triệu đồng, rồi mấy quán kế bên bị mất khách lên tiếng hăm dọa nên tạm thời phải ngưng. Tôi nói các em đừng nản, sẽ có cách thôi. Sắp tới thầy trò sẽ thuê một mặt bằng phía sau trường cho các em làm. Hiện nhiều em vẫn đang xin làm nhưng chưa giải quyết hết” - ông Vũ nói thêm.
                                                                                                   HÀ BÌNH (Báo Tuổi Trẻ)

"Bánh mì đường phố" của sinh viên


07/11/2013 02:14 GMT+7

TT - Để chủ động trong việc làm thêm, một nhóm sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM đã khởi nghiệp với xe “Bánh mì đường phố” đặt ở cổng sau của trường ( gần đường D2, P.25, Q.Bình Thạnh).


Nhóm sinh viên mở bánh mì đường phố để chủ động trong công việc làm thêm của mình - 
Ảnh: H.Bình
Điều đặc biệt của xe bánh mì này là sinh viên tự quản lý, ai rảnh giờ nào làm giờ đó với thù lao 10.000 đồng/giờ. “Có ngày học sáng, có ngày học chiều nên sinh viên thường gặp khó khăn khi tìm một việc làm thêm phù hợp giờ giấc thất thường của mình để trang trải chi phí học tập” - bạn Nguyễn Phước Hậu (quê Long An, học ngành nhà hàng khách sạn) nói. Hậu đem băn khoăn này trao đổi với tiến sĩ Đặng Thanh Vũ - giảng viên của trường - và thầy trò cùng nhau bắt tay vào dự án kinh doanh.
“Có ý tưởng rồi, cả nhóm cùng mua giấy, màu... về thiết kế xe. Sau đó mua cà rốt, củ cải về làm đồ chua, tự pha chế nước mắm, pha chế nước uống tặng kèm theo mỗi ổ bánh mì để thu hút khách. Chỉ có heo quay là tụi mình phải mua, còn lại là tự làm hết” - Hậu vui vẻ nói thêm. Hiện “Bánh mì đường phố” có tám nhân viên đều là sinh viên. Có bạn làm hai giờ, có bạn làm năm giờ/ngày...tùy lịch học của hôm đó.
Tiến sĩ Đặng Thanh Vũ, “chủ đầu tư của dự án”, cho biết ông hỗ trợ nhóm sinh viên hơn 10 triệu đồng để các bạn biến ý tưởng thành hiện thực. “Tất cả đều do sinh viên quản lý - ông Vũ nói - ngoài mục đích để chủ động trong công việc làm thêm, tôi cũng mong muốn các bạn học được những kỹ năng về quản lý, bán hàng, phục vụ... hỗ trợ công việc sau này”.
“Bánh mì đường phố” được bán với giá 10.000 đồng/ổ kèm theo một phần nước uống, chủ yếu phục vụ sinh viên. “Nghe mấy bạn bảo mỗi ngày bán được 60-70 ổ, chưa biết lời lỗ thế nào nhưng cũng thấy vui vui. Tôi đang tính mở thêm nhiều xe bánh mì như thế để tạo thêm việc làm cho sinh viên. Hiện nhiều bạn đăng ký làm nhưng vẫn chưa đáp ứng hết được...” - ông Vũ dự tính.
                                                                                                                                       HÀ BÌNH

CHUYỂN GIÁ - DƯỚI GÓC NHÌN XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU

TÓM TẮT
Chuyển giá - Transfer pricing, ngày càng trở nên nóng bỏng tại Việt Nam. Có nhiều bài viết, bài nghiên cứu phản ánh, bình luận và được đưa tin ở nhiều tờ báo lớn trong nước. Cũng đã có nhiều hội nghị, hội thảo ở nhiều cấp độ và qui mô khác nhau bàn luận, mổ xẻ sâu sắc vấn đề này. Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ  xin đề cập đến một vài khía cạnh nhỏ liên quan đến chuyển giá cùng một vài nhận xét dưới góc nhìn của người tiêu dùng và việc xây dựng hình ảnh, uy tín của thương hiệu các doanh nghiệp FDI.
1. GIỚI THIỆU
Tổng cục Thuế đã có cuộc tổng rà soát kết quả kinh doanh những năm gần đây đối với 5.531 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm khoảng gần 60% số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cả nước đang hoạt động trên phạm vi cả nước. Trong 5.531 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được kiểm tra nêu trên, có tới 3.175 doanh nghiệp có số lỗ lũy kế đến thời điểm đánh giá, chiếm 57,4%. Đặc biệt, có 529 doanh nghiệp báo cáo lỗ nhưng vẫn tăng trưởng doanh thu, tập trung vào các ngành: dệt, may, da giày, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, chế biến và bảo quản nông sản, lâm sản, thủy sản...
Do nhiều doanh nghiệp báo cáo lỗ nên hiệu quả tài chính rất thấp. Lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2010 của các doanh nghiệp này chỉ đạt 10,26%, năm 2011 là 10,89%, tương đương lãi suất trái phiếu kho bạc. Cùng với việc thường xuyên kê khai thua lỗ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài này còn thường xuyên đề nghị hoàn thuế và không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, cũng hoạt động trong cùng điều kiện môi trường sản xuất kinh doanh như vậy, các doanh nghiệp độc lập khác trong nước vẫn kê khai có lãi và nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp. (Theo Thái Chuyên – www.longan.gov.vn)
2. NỖI DUNG
2.1. Đi tìm đại gia có nghi vấn chuyển giá  
1. Tiếp tục đầu tư mới dù lỗ triền miên nhiều năm liền. Tại sao không lời mà vẫn đổ tiền đầu tư? Điều này đã khiến Coca - Cola không tránh khỏi “bị nghi ngờ” chuyển giá từ các cơ quan thuế và từ chính phủ Việt Nam. Tuyên bố của vị lãnh đạo cấp cao Coca Cola vào năm 2012 là Coca sẽ đầu thêm 300 triệu USD nữa vào thị trường Việt Nam với mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu vào năm 2020, ông còn cho rằng Việt Nam là thị trường tăng trưởng quan trọng. Chính vì vậy, Coca Coca quảng cáo rầm rộ, khuyến mại khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam suốt gần 20 năm qua kể từ khi hiện diện kinh doanh tại Việt Nam. Chỉ trong năm 2010 tại thị trường Việt Nam, Coca đã báo lỗ 188 tỷ đồng, tương đương 8,98 triệu USD. Lũy kế con số thua lỗ mà Coca-Cola Việt Nam báo cáo lên tới 180 triệu USD trong vòng một thập niên qua.
Hiện tượng không bình thường đó là do né thuế hay vì lý do nào khác? Trả lời cho câu hỏi này vì đó chính là giải pháp giúp Coca-Cola tránh được việc đóng thuế cho cơ quan thuế Việt Nam. Thay vì đóng thuế cho Việt Nam thì Coca Cola sẽ thực hiện việc này tại một quốc gia khác mà họ cho là thiên đường thuế (tax havens).
2. Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố các thông tin từ báo cáo của Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho hay kể từ khi thành lập (năm 1995) đến năm 2012, Công ty Nestlé Việt Nam đang thua lỗ hơn 30,8 triệu USD, chiếm 20% vốn góp chủ sở hữu, mặc dù trong hai năm 2011, 2012 Nestlé kinh doanh có lãi. Neslé được ví như ông nhà giàu lỗ hoài mà vẫn giàu và phát triển. Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp có vốn FDI đã và đang đứng trước “nghi án” chuyển giá, câu chuyện lỗ 30,8 triệu USD của Nestlé trở nên rất đáng chú ý. Nestlé chính thức xây dựng nhà máy ở tỉnh Đồng Nai vào năm 1995. Trước đó năm 1992, tập đoàn này đã liên doanh với một công ty thương mại ở Long An để xây dựng LaVie, một công ty chuyên sản xuất nước uống tinh khiết. Các nhãn hàng mà Nestlé đang sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam bao gồm Nescafé, sữa Nestlé, Milo, Nestea… Được biết, Nestlé đang dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan ở Việt Nam và theo đánh giá của người tiêu dùng Việt Nam, thì ngôi vị của Nescafé trên thị trường cà phê hòa tan là “bất khả chiến bại”. Tháng 9 năm 2012, Nestlé công bố kế hoạch đầu tư thêm 230 triệu Franc Thụy Sỹ cho một nhà máy mới ở Đồng Nai. Ngày 9.7.2013 vừa qua, nhà máy Nescafé mới đặt tại KCN Amata (Đồng Nai) của Nestlé đã khánh thành, nâng tổng vốn đầu tư tập đoàn này tại Việt Nam lên trên 466 triệu USD (theo Báo Đầu tư).
3. Tổng cục Thuế nghi ngờ các giao dịch của Adidas Việt Nam với các bên liên quan gồm Adidas AG, Adidas Singapore, có thể là các giao dịch liên kết. Tổng cục Thuế vừa có văn bản gửi Cục thuế Tp.HCM, với nội dung đề cập đến hoạt động kinh doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn Adidas Việt Nam. Trong khi đó tại Việt Nam, Adidas vẫn đang trong quá trình mở rộng sản xuất kinh doanh. Điểm quan trọng gần đây là việc Adidas đã thuê 1.035 m2 diện tích văn phòng tại tầng 22 và 265m2 mặt bằng bán lẻ của tháp Financial Tower Bitexco tại TP HCM để làm cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm. Tại thời điểm đó, ông Ryan Hart, Giám đốc Adidas tại Việt Nam cho biết đây là cửa hàng thứ 50 và “có không gian lớn và độc đáo nhất của Adidas tại Việt Nam và tập hợp tất cả các thương hiệu của Adidas dưới một mái nhà gồm Sports Performance, Originals và Adidas Golf và Taylor Made”. Tập đoàn Adidas là một trong những doanh nghiệp toàn cầu trong ngành công nghiệp sản phẩm thể thao, cung cấp một loạt các sản phẩm với các thương hiệu cốt lõi: Adidas, Reebok, TaylorMade, Rockport và Reebok, CCM Hockey. Đặt trụ sở chính tại Herzogenaurach (Đức), tập đoàn này có hơn 46.000 nhân viên với doanh số bán hàng 12 tỷ Euro trong năm 2010.
Không riêng gì Coca Cola, Nestlé, Adidas nhiều doanh nghiệp FDI khác như; Pepsi, Metro, Unilever, BAT... cũng sẽ có hoàn cảnh tương tự nếu rơi vào nghi án chuyển giá. Dưới góc nhìn của việc xây dựng thương hiệu, điều gì sẽ xảy đến trong tương lai cho các doanh nghiệp có nghi án chuyển giá này?
2.2. Được tài chính nhưng giá trị thương hiệu sụt giảm
 “Có thực sự các doanh nghiệp FDI trốn thuế hay không, song với nghi án chuyển giá, trốn thuế và bị người tiêu dùng tẩy chay, Coca-Cola đang rơi vào một cuộc khủng hoảng về lòng tin và quan hệ công chúng tại Việt Nam” (báo Dân Trí).
Trong khi đó, Chiến dịch “Công bằng thuế” mà trọng tâm là chống chuyển giá được ActionAid international (ActionAid quốc tế - có đại diện tại Việt Nam) phát động trên phạm vi toàn cầu từ ngày 1.7.2013. Chiến dịch tập trung vào việc đấu tranh với các công ty đa quốc gia hoạt động tại các nước đang phát triển lách thuế và nhận được các ưu đãi về thuế không cần thiết, trong khi hàng triệu người nghèo không nhận được các dịch vụ chăm sóc cơ bản. Chiến dịch yêu cầu chính phủ các nước phải ngăn chặn “các thiên đường thuế”, chấm dứt các ưu đãi thuế có hại và yêu cầu các công ty đa quốc gia phải trả đủ thuế cho các nước sở tại. Tất cả những vấn đề đó chỉ là một phần nằm trong hoạt động kinh doanh tại một quốc gia. Theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ tại Hà Nội, với một quốc gia như Việt Nam, nơi an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành một mối quan tâm lớn cho người tiêu dùng, thì với sự an toàn và tính thống nhất của sản phẩm, Coca-Cola vẫn sẽ được đón nhận. Đây được coi như một lời hứa thương hiệu đối với Coca-Cola, vũ khí tốt nhất để doanh nghiệp này vượt qua được cuộc tẩy chay của người tiêu dùng Việt trong cơn giận dữ hiện tại. Cuộc khủng hoảng thương hiệu của Coca-Cola cũng chính là bài học cho tất cả những doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
2.3. Sẽ mất dần khách hàng
Cũng theo nhận định của ông Adam Sitkoff “Tại những quốc gia có khung pháp luật chặt chẽ, kín kẽ và minh bạch thì sẽ không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, Việt Nam không may là không nằm trong số đó”.
Ông Sitkoff cho rằng, Coca-Cola không phải là doanh nghiệp duy nhất tạo nên thảm họa trong quan hệ công chúng ở Việt Nam mà bên cạnh đó còn có một loạt những cái tên như Pepsi, Metro, Unilever, BAT và Adidas đều đã bị nêu tên trên mặt báo chí về điều tra chuyển giá. Gần đây, Unilever đã công bố “kế hoạch phát triển bền vững” tại Việt Nam, một phần trong chiến lược cùng tên được triển khai trên toàn cầu. Theo đó, công ty “cam kết cải thiện cuộc sống của 20 triệu người dân Việt Nam bằng cách cải thiện điều kiện vệ sinh và sức khỏe cho mọi người”. Trong nỗ lực thể hiện mình, nghi án trốn thuế vẫn là một tin không hay đối với doanh nghiệp này.
Người tiêu dùng Việt Nam sẽ nghĩ như thế nào về việc làm của các doanh nghiệp FDI có nghi án chuyển giá? Chắc chắn phần lớn trong số người biết về chuyện này sẽ tẩy chay hàng hóa của các doanh nghiệp này và đương nhiên, nó không dừng lại ở đó nếu có thêm sự tác động của các cơ quan truyền thông, các hãng thông tấn báo chí cùng cơ quan thuế và chính phủ. Có thể nói, nó sẽ tạo thành cơn lốc tẩy chay hàng ngoại bên cạnh sự cổ súy dùng hàng Việt ngày càng mạnh và lan rộng ra khắp đất nước. Cho dù các báo cáo về việc các doanh nghiệp FDI trốn thuế thật giả chưa phân thì họ vẫn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong xây dựng thương hiệu quốc tế, đó là điều không thể không thật.
2.4. Mất uy tín với quốc gia địa phương
Trong khi vẫn chưa có kết quả thanh tra chính thức và các cơ quan quản lý còn khá thận trọng với vấn đề chuyển giá, nhưng đã có một số doanh nghiệp FDI bị chỉ trích là “lách luật” và “trốn thuế”. Điều này vô hình trung tạo ra tâm lý thiếu thiện cảm của người dân Việt Nam đối với các doanh nghiệp FDI trong việc tiêu dùng sản phẩm của họ. Mặt khác, nó còn gây lo ngại và bất an trong cộng đồng doanh nghiệp FDI khác đang hoạt động tại Việt Nam, hoặc đang nghiên cứu tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, đã có đề án về chống chuyển giá nhưng phải có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan chức năng. Việc điều tra chuyển giá sẽ chỉ áp dụng với một số doanh nghiệp, không áp dụng đồng loạt tránh ảnh hưởng xấu tới hình ảnh môi trường đầu tư ở Việt Nam. 
Chính phủ cần tăng cường gây sức ép trên phạm vi toàn cầu đến các tổ chức quốc tế để ngăn chặn “thiên đường thuế” đồng thời, yêu cầu các công ty phải công khai các tài khoản tiền tại mọi quốc gia mà công ty đó đang hoạt động. Chính phủ cũng cần cung cấp tiền viện trợ để các nước đang phát triển tăng cường năng lực cho các cơ quan thuế và cán bộ thuế của họ đảm bảo có đủ trình độ thanh tra, kiểm tra, đấu tranh chống các hành vi chuyển giá. 
2.5. Làm gì để kiểm soát chuyển giá?  
Thực tế chứng minh, muốn chống thất thu thuế đạt hiệu quả cao cần có sự phối hợp, tham gia tích cực của các ngành, các cấp. Do vậy, cần thực hiện tốt các quy chế phối hợp giữa các ngành công an, hải quan, kế hoạch - đầu tư, kho bạc, thuế và các ngành có liên quan để tổ chức giám sát chặt chẽ.
“Họ tìm cách chuyển giá tức là quay lưng lại với đất nước Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam. Như vậy, mọi người có nên dùng sản phẩm của họ không? Doanh nghiệp như vậy có phải là đáng trân trọng?” (Theo báo GDVN).
“Đơn vị nào tìm cách không nộp thuế hay trốn tránh thuế, tôi nghĩ là họ dại. Bởi những người yêu nước, họ sẽ không làm vậy”. (Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco).
Chính vì lẽ đó, để kiểm soát việc chuyển giá của một số công ty đa quốc gia thì giới truyền thông cần phải tuyên truyền rộng rãi việc họ làm thế là không hay, không tôn trọng người Việt Nam, không tôn trọng pháp luật Việt Nam. Tăng cường vai trò truyền thông của báo chí – tích cực tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, góp phần chống chuyển giá. Mọi người tiêu dùng Việt Nam, hãy xem đây được xem là phương án gián tiếp chủ lực.
Phát huy tinh thần dân tộc của người tiêu dùng VN trong việc góp phần tham gia kiểm soát chuyển giá.  
Người dân tại nước Anh, khi phát hiện hãng cà phê Starbucks nổi tiếng dính nghi án né thuế, người dân đã kêu gọi tẩy chay, các cơ quan chức năng cùng giới truyền thông Anh quốc đã phát huy sứ mệnh của mình làm cho người dân biết: Starbucks không đáng yêu.
Còn với cộng đồng Việt Nam, chúng ta phải làm gì để nắm bắt cơ hội và tạo ra những sự thay đổi cho người dân ở ta. Đồng thời, trang bị thông tin, tích cực hành động và tham gia chiến dịch để xóa bỏ những kẽ hở trong chính sách thuế.
Dương Trung Quốc - Nhà sử học trong buổi hội thảo “Cạnh tranh lành mạnh để bảo vệ thương hiệu và doanh nghiệp Việt” diễn ra vào sáng ngày 14.5.2013, đã không giấu nổi sự bức xúc cũng bày tỏ: “Tôi đọc câu trả lời của nhà quản lý Coca Cola như nói với trẻ con, không thể chấp nhận được. Họ nói rằng: thị trường Việt Nam là nơi có tiềm năng, triển vọng to lớn nên lỗ mấy, họ cũng đeo bám lấy thị trường này. Tôi thấy rất khó hiểu”. Sự “lỗ lã” của Coca Cola có thể coi là ô nhiễm môi trường đầu tư không?  
3. KẾT LUẬN
Có được thương hiệu đẳng cấp và uy tín trên toàn thế giới, hẳn các doanh nghiệp FDI đã tốn rất nhiều thời gian, tiền của, công sức của nhiều thế hệ công nhân với hàng trăm năm lao động. Thương hiệu của họ cũng đã tạo dựng được niềm tin tưởng lớn và ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng người tiêu dùng khắp các miền thế giới. Chẳng lẽ, chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà họ lách luật, né thuế thực hiện việc chuyển giá và bị dư luận búa rìu và người tiêu dùng tẩy chay? Người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng quay lưng lại với các sản phẩm tiêu dùng “xấu” đó; hàng triệu người sẽ mất niềm tin và chê bai họ vì một hình ảnh không đẹp đó. Còn đối với các cơ quan truyền thông báo chí Việt Nam, sẽ không mấy thiện cảm về họ và lâu dài nếu không thay đổi, họ sẽ mất dần chỗ đứng và sự hâm mộ của người Việt Nam ngay vị trí mà hàng chục năm qua họ đã dày công vun xới.
 Hơn ai hết, các doanh nghiệp FDI cần có cái nhìn khác về vấn đề chuyển giá tại thị trường Việt Nam. Tích cực hơn trong việc xây dựng hình ảnh tươi đẹp mà cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam đã dành cho họ nhiều năm qua. Chẳng lẽ, chỉ có một vài đại gia mà "làm xấu mặt" 14.500 doanh nghiệp FDI ở Việt Nam? Mong rằng các doanh nghiệp FDI sẽ có kế sách lâu dài, đừng để “tham thì thâm” để rồi sẽ hối tiếc trong muộn màng về sau. 
Bài đăng trong Nội san Khoa QTKD – trường Đại học Công Nghệ Tp.HCM (hutech)

4. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá: Thực trạng và giải pháp, Nguyễn Quang Tiến (Bài đăng Tạp chí Tài chính số 3/2012).
2. Chống chuyển giá ở Việt Nam: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và các điều kiện thực hiện, TS. Lê Xuân Trường – Học viện Tài chính.
3. Chống chuyển giá: Những bài học từ Trung Quốc, Ths. Hà Hương Lan - Trường BDCB Bộ Tài chính
4. Chống chuyển giá: Kỳ vọng từ phương thức APA, Hồng Nhung.
5. Nghi chuyển giá, Coca-Cola bị tẩy chay? Bích Diệp, Báo Dân Trí.
6. Chống chuyển giá trên toàn cầu - Khuyến nghị của ActionAid International, Theo TCT online.
7. Chống chuyển giá: Khi Tổng cục Thuế công bố danh tính các "ông lớn"... theo VnEconomy
8. Nghi án Coca-Cola trốn thuế: Truyền thông phải "vạch mặt kẻ gian lận"! Hân Ni, báo Giáo dục VN.
9. "Làm xấu mặt" 14.500 doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, Bích Diệp, báo Dân trí.
10. http://www.longan.gov.vn/chinhquyen/soct/Pages/Lo-dien-hang-tram-doanh-nghiep-co-von-dau-tu-nuoc-ngoai-chuyen-gia.aspx

PHÁT TRIỂN LOẠI HÌNH DU LỊCH TRẢI NGHIỆM THÔNG QUA KHAI THÁC GIÁ TRỊ ẨN TÀNG CỦA VĂN HÓA LÀNG, BIỂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU


TÓM TẮT
Bài báo giới thiệu những giá trị ẩn tàng và tiềm năng phong phú của văn hóa làng, biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT). Thông qua việc khai thác các giá trị ẩn tàng của văn hóa làng, biển ở địa phương. Có thể khẳng định rằng, hiệu quả mang lại từ tiềm năng còn ẩn tàng của tỉnh BR-VT để phát triển du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm là to lớn. Phát triển và khai thác đúng hướng các giá trị văn hóa ẩn tàng tạo động lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương BR-VT một cách hợp lý, đồng bộ và bền vững.
ABSTRACT
The article introduces the hidden value and potential richness of the local culture of the village, sea Ba Ria Vung Tau province. Through the exploitation of the hidden value of the cultural village, local sea can confirm that the result gained from the potential of the BR-VT to develop sea tourism, cultural tourism, tourists experience was great. Develop and exploit the right direction would be the driving force for economic development, culture, local society BR-VT logically, synchronized and sustained.
Keywords: du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, văn hóa làng biển, khai thác giá trị lễ hội, du lịch lễ hội.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Lịch sử Việt Nam gắn liền với các thôn xóm và làng nghề. Thôn xóm và làng nghề chính là cầu nối cho sự phát triển kinh tế của đất nước qua các thời kỳ, cầu nối giữa nông nghiệp, thương nghiệp và công nghiệp, giữa nông thôn và thành thị, giữa truyền thống và hiện đại, là bước tiến quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Qua bao năm tháng, các thôn xóm và làng nghề đã góp phần đáng kể cho sự tồn vong, sự phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết được công ăn việc làm và nâng cao mức sống cho nông dân làng nghề. Quá trình phát triển thôn xóm và làng nghề ở Việt Nam trải qua không ít những thăng trầm. Có thôn xóm và làng tồn tại và phát triển khá mạnh, có thôn xóm và làng đã và đang bị mai một dần và các giá trị ẩn tang cũng có khả năng biến mất nếu không được quan tâm chăm sóc, bảo tồn hợp lý. Trong khó khăn đó, phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch biển, đặc biệt là du lịch trải nghiệm như là một cứu cánh giúp các thôn xóm nói chung và các làng nghề nói riêng có những biến chuyển khích lệ, trở thành một trong những lĩnh vực đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.    
Bà Rịa-Vũng Tàu là một tỉnh ven biển có chiều dài bờ biển khoảng 100 km nên thôn xóm ở BR-VT chịu ảnh hưởng rất lớn từ biển. BR-VT còn có những thế mạnh lớn về tự nhiên, kinh tế, xã hội, tài nguyên du lịch, bề dày giá trị nhân văn và là khu vực sinh thái đặc sắc đa dạng, trong sự giao thoa giữa các dòng người trong quá trình di chuyển, định cư và phát triển tỉnh BR-VT. Do nhiều lý do, tỉnh BR-VT vẫn còn chưa tận dụng hết khối tài nguyên to lớn, đặc sắc, đặc biệt là khai thác các giá trị ẩn tàng, các tài nguyên nhân văn mà điển hình là nét văn hóa các thôn xóm và làng nghề ven biển. Sự kết hợp điều kiện địa lý tự nhiên với các giá trị nhân văn để phát triển du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn bên cạnh các ngành dầu khí và logistic cho tỉnh BR-VT là một chuyện cần thiết phải quan tâm sâu sắc.   
2. GIỚI THIỆU GIÁ TRỊ ẨN TÀNG VÀ TIỀM NĂNG VĂN HÓA LÀNG, BIỂN TỈNH BR-VT
Từ rất lâu, địa phương BR-VT có đời sống văn hóa, phong tục tập quán, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng phong phú và đa dạng. Trong sự phong phú và đa dạng đó, BR-VT có những yếu tố văn hóa riêng đang còn tiềm ẩn mà các địa phương láng giềng có khi có khi không nhưng không tiêu biểu, rõ nét nhất đó là yếu tố văn hóa làng xã bản địa và yếu tố văn hóa làng biển.
2.1. Yếu tố ẩn tàng trong văn hóa bản địa
Văn hóa làng xã bản địa là phong thổ của địa phương, là những đặc điểm và ưu thế riêng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên có tác động trực tiếp đồng thời để lại dấu ấn trong đời sống văn hóa của cư dân. Văn hóa của cư dân BR-VT chứa đựng những dấu ấn phong thổ (Đinh Văn Hạnh, 2013) không phải chỉ vì sự gắn bó lâu dài của cư dân với vùng đất, mà còn vì ngay từ buổi đầu đến định cư và khai hoang mở đất, những đặc điểm địa lý riêng của vùng đất đã có những tác động nhất định đến cuộc sống của người di dân.  
Là vùng đất có những cửa biển kín gió thuận lợi về giao thông, BR-VT là nơi các di dân người Việt từ miền Trung vào sớm nhất và được khai phá sớm nhất ở Nam Bộ vào khoảng thế kỷ XVII. Từ đó cho đến giữa thế kỷ XIX, bộ mặt của vùng đất BR-VT đã có những biến đổi sâu sắc. Từ một nơi hoang vu, trước mặt là biển cả, ven biển chỉ có những bãi bồi và rừng ngập mặn, sau lưng là đồi núi, rừng rậm đã trở thành ruộng đồng, làng mạc trù phú. Tài nguyên của đất, của biển, của rừng được dày công khai thác để phục vụ cuộc sống ngày càng sung túc hơn cho con người.
Người dân Việt từ miền Trung vào là chủ thể làm nên những biến đổi to lớn ấy tại BR-VT. Họ rời miền Trung vì những lý do khác nhau, từ nhiều địa phương khác nhau, nhưng trên vùng đất mới đến họ đều chung một ý chí, một ước vọng là tạo dựng một cuộc sống no ấm, công bằng và tốt đẹp hơn. Hậu duệ của những người đi mở đất tiếp tục đoàn kết, đùm bọc nhau chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Chính tinh thần đoàn kết cộng đồng, cần cù, sáng tạo để vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách của buổi đầu mở đất, xây dựng cuộc sống mới đã hun đúc nên truyền thống tốt đẹp của nhân dân BR-VT sau này.
Do BR-VT là nơi đặt chân và khai phá sớm nhất ở Nam Bộ, vì vậy nơi đây đã trở thành cửa ngõ để tiếp nhận và là bàn đạp để các lớp dân đi sau đó tiến sâu vào đất liền và tiếp tục tiến về phương Nam. Lc ấy BR-VT là trạm dừng chân, là bước trung chuyển của các đoàn đi dân (Đinh Văn Hạnh, 2013). Chính vai trò gánh vác nhiệm vụ đó trong buổi đầu khai phá và xây dựng đã tạo cho con người BR-VT một tính cách cộng đồng, bao dung, mến khách, thương người. Truyền thống này được thể hiện rất rõ trong những thời điểm lịch sử quan trọng trong quá trình chuyển mình của BR-VT. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, BR-VT luôn là “cửa ngõ đón nhận, trung chuyển khách”. Quá trình trung chuyển dân cư cũng chính là quá trình trung chuyển các yếu tố văn hóa của các vùng miền để rồi không ít yếu tố văn hóa đã ngưng đọng, chuyển hóa và trở thành nét riêng trong sự tổng hòa văn hóa trên vùng đất BR-VT.
2.2. Yếu tố ẩn tàng trong văn hóa làng, biển
Trong quá trình lao động, khai phá vùng đất BR-VT, cư dân ở đây đã ra sức tận dụng tiềm năng, khai thác lợi thế phát triển nhiều ngành nghề, đặc biệt là đánh bắt, chế biến hải sản, làm muối…Đất đai nông nghiệp của BR-VT không nhiều và quá trình khai phá không nhanh như nhiều địa phương khác trong vùng hoặc ở miền Tây Nam Bộ.
Trong buổi đầu khai phá (thế kỷ XVII), phần lớn đất đai BR-VT bị núi rừng che phủ, vùng đồng bằng có nhiều cỏ dại mọc. Những di dân người Việt đầu tiên đến sinh sống trên vùng đất BR-VT đã khai thác tài nguyên thiên nhiên của rừng và biển vốn rất dồi dào để khai phá đất đai, xây dựng xóm làng. Phần lớn cư dân kết hợp nghề nông với khai thác lâm thổ sản, hoặc kết hợp nghề nông với việc đánh bắt thủy hải sản. Họ sinh sống chủ yếu ở ven biển phía Đông và phía Nam vùng đất BR-VT.  
Theo thời gian, cư dân đông đúc lên, ruộng đồng ngày càng phì nhiêu, ngành nghề phát triển và có sự phân công lao động theo nghề nghiệp. Có những nhóm dân cư sống chủ yếu bằng nghề nông, nghề đánh bắt thủy hải sản, nghề làm muối, nghề thủ công (đúc đồng, dệt vải, làm giấy, đan lát, làm bún, làm bánh), buôn bán… Trong đó, bộ phận dân cư sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản chiếm một tỷ lệ khá cao. Trong các thế kỷ XVIII, XIX, những làng cá ở BR-VT là những làng nổi tiếng trù phú và đông dân cư nhất trong tỉnh.
Hầu hết, những người làm nghề đánh bắt thủy hải sản đến BR-VT có nguồn gốc từ vùng “Ngũ Quảng” và chủ yếu là từ Nam Trung Bộ, vốn có truyền thống đi biển, những yếu tố văn hóa biển đặc trưng của người Chăm như tục thờ cúng cá Ông, tục thờ Bà…và khi vào định cư tại BR-VT thì đã có ít nhiều thay đổi, nét văn hóa không còn nguyên trạng với các tỉnh miền Trung nữa.
Về nghi thức, đối tượng thờ cúng, đặc điểm kiến trúc của các cơ sở tín ngưỡng dân gian ở BR-VT thể hiện sự hỗn dung tín ngưỡng hết sức rõ nét và trở thành một đặc điểm nổi bật rất đáng lưu ý. Đối tượng thờ cúng trong lễ hội của ngư dân BR-VT khá đa dạng. Sự đa dạng đó thể hiện ở số lượng đối tượng tín ngưỡng trong sinh hoạt lễ hội nói chung, ở số lượng đối tượng được phối tự trong mỗi đình, đền, miếu, lăng (dinh) Ông cá voi cụ thể và quan niệm phức hợp, nhiều quyền năng hội tụ trong một đối tượng thờ cúng trường hợp Bà Cô trong lễ hội Nghinh Cô Long Hải. Sự phối tự mang tính đặc trưng nghề nghiệp đánh bắt hải sản cá ông, Bà Cô (Nữ thần) là đối tượng thờ cúng quan trọng nhất nhưng luôn có sự phối tự kết hợp. Bên cạnh cá ông, Bà Cô (Nữ thần) là các thần khác (thần của những người làm nghề nông, thần của thương nhân, của những người làm nghề buôn bán), cả thần của nhiều dân tộc và nhiều vùng miền khác nhau...
Sự hỗn dung tín ngưỡng còn thể hiện rõ trong nghi thức cúng lễ. Có thể dễ dàng nhận thấy những chi tiết, nghi thức của cúng đình, cúng miếu ít nhiều được lặp lại trong nghi thức cúng ông cá voi, cúng bà (Ngũ Hành, Bà Cô-Long Hải). Cầu mưa, cầu an vốn là lễ nghi nông nghiệp cũng được tiến hành trong cúng lễ Nghinh Ông. Cũng dễ dàng nhận thấy sự pha trộn của nghi thức Nghinh Ông, Nghinh Bà trong các bước cúng đình. Đặc biệt, nghi thức Nghinh Cô (lễ đón cô vốn là một thiếu nữ bị chết đuối) được thực hiện tương tự nghi thức Nghinh Ông cá voi.
Các bước tiến hành và cách thức cúng lễ của ngư dân BR-VT cũng không hoàn toàn giống nghi thức trong các loại hình lễ hội tương tự ở miền Trung và Nam Bộ. Trong sinh hoạt lễ hội thì hội là phần vui chơi, giải trí. Hội của ngư dân BR-VT thể hiện sự kết hợp khá nhiều hoạt động vui chơi, giải trí của cư dân duyên hải Trung Bộ và Nam Bộ, như hát hò khoan, chèo cạn, trò múa bông mâm ngũ sắc, mâm vàng, mâm bạc và đua ghe (của vùng Bình-Trị-Thiên); đua ghe, đua thuyền thúng, hát bả trạo, tức chèo thuyền và hát bội (của vùng Nam Trung Bộ) và hát bội, xây chầu, đua ghe, đua thuyền thúng, múa lân, múa rồng, đấu vật (của vùng Nam Bộ). Hát bả trạo là một nội dung quan trọng và thu hút nhiều người thưởng thức trong hội lễ của ngư dân BR-VT trong khi đó các địa phương khác ở Nam Bộ không có loại hình này.
Có thể giải thích sự đa dạng trong phối tự, nghi thức thờ cúng, trong các trò diễn dân gian của cư dân ven biển BR-VT từ chính nguồn gốc của họ. Chính cộng đồng đa nguồn gốc đã góp phần làm phong phú và tạo diện mạo đặc trưng của các yếu tố văn hóa biển BR-VT (Đinh Văn Hạnh, 2013).  
3. PHÁT TRIỂN LOẠI HÌNH DU LỊCH TRẢI NGHIỆM THÔNG QUA VIỆC KHAI THÁC GIÁ TRỊ ẨN TÀNG CỦA VĂN HÓA LÀNG, BIỂN TỈNH BR-VT
Lồng trong không gian văn hóa du lịch ở Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung, BR-VT là địa phương có lợi thế tiềm năng rất lớn được biết đến khá sớm so với nhiều địa phương khác. Lợi thế tiềm năng du lịch tự nhiên với bãi biển, đảo, cảnh quan khí hậu, hệ động thực vật đã được khai thác có hiệu quả và đầy ấn tượng từ khi người Pháp cho xây dựng các cơ sở dịch vụ du lịch. Có thể coi BR-VT là nơi để phát triển các điểm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch trải nghiệm lý tưởng cho khách du lịch trong ngoài nước.
BR-VT còn là địa phương có tiềm năng du lịch nhân văn lớn mà chủ yếu là các giá trị văn hóa ẩn tàng. Các giá trị văn hóa ẩn tàng của BR-VT rất phong phú, đặc sắc, độc đáo trong cách nhìn đa chiều và đa diện, trong sự đối sánh với văn hóa Nam Bộ, được coi là những tiềm năng du lịch to lớn cần được khai thác có hiệu quả và lâu dài cho sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung và cho phát triển du lịch trải nghiệm nói riêng ở BR-VT.
Trong rất nhiều giá trị văn hóa của BR-VT, hệ thống di tích lịch sử văn hóa được biết đến nhiều và có sức lan tỏa nhiều nơi. Những di tích ấy có thể khai thác với các mức độ khác nhau cho hoạt động du lịch, làm cho du lịch BR-VT có sức hấp dẫn hơn, đa dạng hơn và cũng chứng tỏ sức sống từ chính các di tích ấy, góp phần vào sự phát triển đời sống kinh tế, xã hội hôm nay của BR-VT. Các di tích lịch sử, văn hóa đem đến cho khách du lịch những hiểu biết về lịch sử và văn hóa của vùng đất, đồng thời kéo dài được thời gian du lịch một cách hợp lý, thú vị, chưa kể đến những dịch vụ tại chỗ ở các di tích cũng mang lại nguồn thu nhập cho cơ sở và thu nhập cho dân cư địa phương.
Sự kết hợp chặt chẽ giữa nghỉ dưỡng biển và trải nghiệm các mảng lịch sử, văn hóa, tâm linh sẽ tạo ra những dòng khách lớn cả quốc tế lẫn nội địa. Việc khai thác các giá trị ẩn tàng của văn hóa bản địa, văn hóa làng biển nơi đây sẽ làm cho loại hình du lịch trải nghiệm tỉnh BR-VT có thể thành công lớn.
Các giá trị văn hóa tinh thần, văn hóa phi vật thể của BR-VT cũng khá phong phú, đa dạng, song các lễ hội truyền thống và hiện đại thường có sức hấp dẫn lớn hơn với khách du lịch. Các lễ hội này thường gắn việc tôn vinh các giá trị truyền thống của cộng đồng địa phương, là sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các thời điểm hung thịnh. BR-VT có tới hàng chục lễ hội có sức thu hút khách du lịch, trong đó có các lễ hội gắn với biển. Những lễ hội gắn với các hoạt động tâm linh-tôn giáo nơi đây cũng thường gắn với biển. Lễ hội Dinh Cô-Long Hải, lễ hội đình Thắng Tam, lễ hội Nghinh Ông… có lợi thế hấp dẫn khách và thường được tổ chức ở gần biển, có hoạt động xúc tiến du lịch thường xuyên. Ngoài ra, các lễ hội tại làng nghề truyền thống, các đình, đền thờ anh hùng như lễ hội Đức Thánh Trần, Giỗ tổ Hùng Vương, các ông tổ nghề, tổ nghiệp… cũng tạo các giá trị văn hóa to lớn, là những tiềm năng du lịch nhân văn cần được tổ chức khai thác để phát huy các giá trị ấy.
Lễ hội và du lịch trải nghiệm các lễ hội sẽ là hướng phát triển bền vững và có hiệu quả ở Việt Nam nói chung và ở BR-VT nói riêng. Một thực tế nữa ở BR-VT là hoạt động của làng nghề thủ công, nơi thể hiện các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị hiện đại qua bàn tay lao động của nghệ nhân và các sản phẩm thủ công. Sản phẩm làng nghề vừa có giá trị kinh tế vừa mang giá trị văn hóa, chúng như những thông điệp được đưa tới người sử dụng, người mua. 
Cùng với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, làng nghề thủ công, BR-VT còn có một hệ thống bảo tàng, nhà trưng bày, nhà lưu niệm vừa phong phú vừa đặc sắc nằm rải rác ở Vũng Tàu, Côn Đảo, các huyện, thị. Đây là những nơi quy tụ hiện vật có giá trị, chứng tích lịch sử nhân văn vô giá của BR-VT, nơi có thể thu hút khách tham quan, khách du lịch. Những bảo tàng, nhà lưu niệm này không hề thua kém giá trị so với các nơi khác trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nếu đội ngũ làm du lịch, hướng dẫn viên thiếu chiều sâu về các giá trị văn hóa, văn hóa ẩn tàng, thiếu hiểu biết về hệ thống bảo tàng thì khách du lịch khó có điều kiện trải nghiệm, tìm hiểu đầy đủ những điều thú vị. Sự liên kết trong hoạt động giữa các cơ sở điều hành tour, hướng dẫn viên du lịch với các bảo tàng chưa thật sự chặt chẽ, chưa xem nhau những đối tác quan trọng, cùng vì mục tiêu chung là giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa bản địa của địa phương, đem lại sự hấp dẫn cho khách du lịch. (Đinh Trung Kiên, 2013)
4. HIỆU QUẢ MANG LẠI TỪ VIỆC PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH TRẢI NGHIỆM THÔNG QUA KHAI THÁC GIÁ TRỊ ẨN TÀNG CỦA VĂN HÓA LÀNG, BIỂN TỈNH BR-VT
4.1 Lợi ích thiết thực về giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội
Các giá trị văn hóa ẩn tàng, văn hóa làng, biển của địa phương được đánh thức và khai mở để làm giàu cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, nghiên cứu thực trạng cho thấy du lịch trải nghiệm mang đậm nét văn hóa làng biển ở BR-VT vẫn còn là loại hình chưa được chú ý, chưa được đầu tư và chưa trở thành một trong hai loại hình du lịch quan trọng nhất đã xác định phát triển lâu dài là du lịch sinh thái biển và du lịch trải nghiệm các giá trị văn hóa ẩn tàng.
Từ thực trạng đó, để khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa làng biển của BR-VT, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của BR-VT cần có chiến lược thống nhất, khoa học với tầm nhìn và sứ mệnh được xác định rõ ràng, thực tế và cụ thể với giải pháp khả thi ở hiện tại và trong tương lai.
4.2. Nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị nhân văn
Còn khá nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, những giá trị góp phần tạo nên bản sắc của vùng đất vươn mình ra biển, hội tụ nhiều tiềm năng du lịch nhân văn to lớn bên cạnh tiềm năng du lịch tự nhiên lợi thế. Những lợi thế hiển nhiên đó tạo cho BR-VT có sự phát triển ổn định, lâu dài và bền vững. Song cũng từ lợi thế đó, các giá trị ẩn tàng của văn hóa làng, biển BR-VT dường như còn bị lãng quên. Đúng hơn, các giá trị văn hóa phong phú, đặc sắc ở BR-VT chưa được chú ý đúng mức, chưa được đầu tư khai thác có hiệu quả như tiềm năng vốn có.
4.3. Tăng cường mối quan hệ, giao lưu văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc
Thông qua việc thiết kế, sáng tạo các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái biển và sản phẩm khác góp phần tô đậm phong thái tình đất, tình người của người dân xứ biển và làm đậm nét biểu trưng cho BR-VT. Trí tuệ và nhiệt tình cùng với sự kết hợp chặt chẽ giữa Văn hóa, Thông tin và Du lịch ở BR-VT nhất định sẽ cho ra đời những sản phẩm văn hóa trải nghiệm làm vừa lòng khách du lịch. Bảo tàng phải là nơi giới thiệu một cách súc tích nhất lịch sử, văn hóa của địa phương và các sản phẩm độc đáo, đặc sắc, có hàm lượng văn hóa cao, thu hút khách du lịch trải nghiệm gần xa nhằm tăng cường giao lưu văn hóa và kết dính các mối quan hệ giữa cộng đồng các dân tộc trong và ngoài tỉnh BR-VT.
4.4. Tạo động lực học tập, nâng cao trình độ dân trí của địa phương
Phát triển đúng hướng sẽ tạo động lực học tập, nâng cao trình độ dân trí của địa phương, quan trọng là làm sao để người dân “ngộ” ra được vấn đề (Đặng Thanh Vũ, 2014). Trước mắt, cần đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên có năng lực, có hiểu biết sâu sắc về các giá trị văn hóa còn ẩn tàng của BR-VT, có khả năng đảm nhiệm tốt vai trò người giới thiệu, sứ giả du lịch thay mặt BR-VT đón tiếp và phục vụ khách tại các di tích, danh thắng, các bảo tàng, các lễ hội, các làng nghề thủ công. Con người là nguồn lực của mọi nguồn lực, do vậy chỉ có con người mới có thể làm sống lại các giá trị văn hóa còn ẩn tàng của BR-VT giúp chúng được khai thác hữu hiệu đồng thời mang lại cho du khách những chương trình du lịch trải nghiệm văn hóa đầy ấn tượng và hứng khởi. (TS. Đinh Trung Kiên, 2013)
4.5. Đa dạng hóa nguồn lực lao động có khả năng chuyên môn đáp ứng nhu cầu càng cao và đa dạng của công nghệ du lịch trong giai đoạn hội nhập.
Hiện nay tại các lễ hội, các làng nghề, các đền, chùa, đình miếu ở BR-VT có tình trạng hướng dẫn viên theo đoàn không có khả năng thuyết minh, thay vào đó là những người dân địa phương, những người trông giữ di tích không có nghiệp vụ, chuyên môn. Điều này đã làm giảm sức hấp dẫn của di tích, nản lòng khách du lịch trải nghiệm mà lẽ ra họ phải háo hức cùng với sự thuyết minh đầy hứng khởi của hướng dẫn viên.
Do vậy, cần đầu tư cơ bản cho việc thẩm định, chọn lọc các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể để đầu tư tiền của và công sức, trí tuệ cho việc tu bổ, tôn tạo nhằm bảo quản và phát huy các giá trị đó trong hoạt động du lịch. Ngoài các giá trị nổi bật và độc đáo đã được đầu tư, được khai thác như hệ thống trại tù Côn Đảo với các chuồng Cọp, Cầu Tàu, Nghĩa trang Hàng Dương, Thích Ca Phật Đài, Niết Bàn Tịnh Xá, núi tượng chúa Kitô…, cần tôn tạo lại các di tích lịch sử văn hóa khác. Trận địa pháo cổ Cầu Đá ở phía Bắc núi Lớn và phía Nam núi Nhỏ hướng về mũi Nghinh Phong là những di tích đặc biệt có giá trị không chỉ về mặt quân sự một thời (được coi là hiện đại nhất thế giới vào cuối thế kỷ XIX). Kiểu dáng, kích cỡ, vị trí của các khẩu pháo, các cụm pháo đó cần phải được coi là di sản của BR-VT, phải được tu bổ với hệ thống mái che, đường đi thuận lợi cho khách, có hướng dẫn tham quan một cách sinh động. Cho đến nay, những vũ khí này còn rất ít trong các bảo tàng chiến tranh của thế giới. Di tích này là một ví dụ cụ thể về sự cần thiết đầu tư, tôn tạo và đưa vào khai thác có hiệu quả. Thực tế là khá đông du khách trải nghiệm dù ở Vũng Tàu vài ba ngày nhưng không có may mắn được tai nghe mắt thấy, tay sờ vào các di vật lịch sử có từ hơn 100 năm trước, rất đặc sắc và độc đáo như thế. Bởi lẽ, sự hoang tàn dù là tương đối của các trận địa pháo này là sự thật. Đường đi cũng không dễ dàng và quan trọng hơn là sự thiếu hiểu biết của hướng dẫn viên du lịch để tổ chức cho khách trải nghiệm. Đây đó trên Núi Lớn cũng còn những khẩu pháo của người Pháp trước kia tạo dựng trận địa, nay hoen rỉ và cỏ hoang bao quanh. Cần phải tôn tạo cho đúng mức để vừa bảo quản lâu dài (sơn, sửa chữa để có thể quay…), lợp mái vừa để du khách tham quan. Đó chỉ là một ví dụ khẳng định sự cần thiết phải đầu tư trí tuệ, công sức, tiền của với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, với các giá trị văn hóa khác của BR-VT.
Cần xây dựng chương trình lễ hội văn hóa du lịch biển định kỳ hàng năm ở Vũng Tàu hoặc Long Hải. Có thể coi đây là một dạng Festival du lịch của BR-VT. Tổ chức lễ hội này nhằm giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống và cả hiện đại của các cộng đồng người địa phương, gắn liền với đời sống kinh tế-xã hội ven biển, đảo. Các tập quán thờ cá Ông, rước tế thần biển (Đức ông Nam Hải), các đồ tế lễ, các món ăn, trang phục, nghi lễ… được thể hiện trong lễ hội vừa để khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, vừa nhằm thỏa mãn tâm lý trải nghiệm của du khách. Tổ chức được các lễ hội định kỳ này, BR-VT sẽ quảng bá, khuếch trương các hoạt động văn hóa và du lịch một cách tốt nhất. Khách du lịch trải nghiệm sẽ có dịp tham gia vào loại hình du lịch văn hóa và rất nhiều giá trị văn hóa được khai thác đúng hướng, có hiệu quả và lâu dài.
Các bảo tàng, nhà lưu niệm, nhà trưng bày cùng với các làng nghề thủ công phải hợp lực để tạo ra những sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch. Hàng năm có thể bổ sung các thông tin về chợ, về lễ hội, về dịch vụ du lịch và các sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch khác cùng với bản đồ gấp để chỉ dẫn cho du khách trải nghiệm.
5. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRẢI NGHIỆM THÔNG QUA VIỆC KHAI THÁC GIÁ TRỊ ẨN TÀNG CỦA VĂN HÓA LÀNG, BIỂN TỈNH BR-VT
Du lịch trải nghiệm là một bước phát triển của ngành công nghiệp không khói và là xu hướng du lịch chính của thế giới ở hiện tại và trong vài thập niên tới. Do vậy, tỉnh BR-VT cần phải khẳng định và định vị các loại hình sản phẩm trọng tâm của địa phương. Du lịch sinh thái biển và du lịch trải nghiệm tìm hiểu giá trị văn hóa làng, biển là hai loại hình cần được đầu tư xây dựng nhằm phát triển thương hiệu du lịch địa phương. Để đạt hiệu quả, cần chú ý đầu tư các nội dung:
- Khai thác giá trị nhân văn còn ẩn tàng và biến chúng thành tri thức minh nhiên phục vụ cho phát triển nền kinh tế, xã hội địa phương.
- Phát triển có chiều sâu và thổi hồn và các sản phẩm từ làng nghề truyền thống ven biển.
- Thiết kế mới các sản phẩm du lịch văn hóa làng chài ven biển và các sản phẩm du lịch sinh thái ven bờ.
- Xây dựng các sản phẩm du lịch mới từ việc khai thác các giá trị văn hóa làng biển đặc sắc (tour ngắn ngày, dài ngày.../ đối tượng khách tiềm năng).
- Xác định khả năng hội nhập văn hóa cộng đồng cho du khách tham gia.
- Đầu tư cảnh quan, cơ sở lưu trú và khôi phục các giá trị văn hóa làng nghề ven biển.
- Xây dựng đội ngũ lao động chuyên biệt hóa trong hoạt động du lịch cộng đồng.
- Điều kiện đón tiếp và hội nhập văn hóa nhân văn cho du khách.
- Khả năng huấn luyện, mô hình và phương pháp hướng dẫn cho du khách hội nhập và tham gia sinh hoạt với cư dân địa phương, cùng làm ra các sản phẩm ngành nghề truyền thống đặc trưng vùng ven biển.
- Chính sách ưu đãi cho các nghệ nhân tham gia vào quá trình hoạt động du lịch cộng đồng, hướng dẫn cho du khách cùng thực hiện trong việc làm ra các sản phẩm truyền thống.
- Xây dựng các giải pháp giới thiệu và quảng bá hình ảnh du lịch văn hóa cộng đồng độc đáo cho du khách.
- Xây dựng kế hoạch và phương pháp lưu giữ các giá trị tri thức của cộng đồng.
Với tiềm năng của đất đai, rừng, núi, biển, đảo, dầu khí… nhìn ra biển Đông, đứng ngay cửa ngõ của TP.HCM và Nam Bộ, tỉnh BR–VT có vị thế chiến lược, xung yếu đối với đất nước; có đủ các thế mạnh về lịch sử, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế, văn hóa, nhiều di tích, danh thắng… Đó là những điều kiện tối ưu, lý tưởng đảm bảo cho sự phát triển thịnh vượng và bền vững về kinh tế, văn hóa, phát triển du lịch trong cuộc sống hiện đại của đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề nghiên cứu, tổ chức, khai thác những thế mạnh đó để biến tiềm năng thành hiện thực còn đòi hỏi phải có tri thức, vốn và năng lực tổ chức hoạt động, kinh doanh. (GS.TS. Phan Khanh, 2013)
6. KẾT LUẬN
 Là một trong 28 tỉnh, thành có biển, BR-VT có bờ biển hàng trăm km kéo dài từ thềm lục địa tiếp giáp với quần đảo Trường Sa đến các tỉnh thuộc trung tâm du lịch vùng Nam bộ và Nam Trung bộ. Nơi đây chứa đựng hai loại tài nguyên cực kỳ quan trọng là dầu mỏ và hải sản với những nguyên liệu, sản vật từ biển hình thành nên yếu tố làng nghề ven biển với những nghề thuyền thống đặc trưng vốn có.
Khai thác văn hóa làng biển của tỉnh BR-VT nhằm hướng tới mục đích khơi dậy tiềm năng và bảo tồn giá trị nhân văn trong hoạt động phát triển du lịch cộng đồng địa phương. Trong đó, khẳng định tiềm năng du lịch biển, du lịch trải nghiệm tạo động lực phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội.

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Bùi Văn Vượng (1997), Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc.
[2]. Dương Bá Phượng (2001), Bảo tồn và phát triển các làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa, NXB Khoa học xã hội.
[3]. Hoàng Văn Châu – Phan Thị Hồng Yến – Lê Thị Thu Hà (2007), Làng nghề du lịch Việt Nam, NXB Thống kê.
[4]. Tôn Nữ Quỳnh Trân (2002), Làng nghề thủ công truyền thống tại thành phố Hồ Chí Minh, NXB Trẻ.
[6]. Đinh Trung Kiên (2013), Khai thác các giá trị văn hóa phong phú, đặc sắc của BR-VT cho hoạt động du lịch, Bảo tàng Dân tộc học tỉnh BR-VT.
[7]. Đinh Văn Hạnh (2013), Một vài yếu tố văn hóa đặc trưng của vùng đất BR-VT có thể khai thác phục vụ du lịch và tổ chức lễ hội, Bảo tàng Dân tộc học tỉnh BR-VT.
[8]. Phan Khanh (2013), Bàn về một chương trình nghiên cứu khoa học góp phần phát triển du lịch văn hóa tỉnh BR-VT, Bảo tàng Dân tộc học tỉnh BR-VT.
[9]. Đặng Thanh Vũ (2014), Tổ chức lễ hội và quản trị sự kiện, trường ĐH Công nghệ Tp.HCM.
  

DU LỊCH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG - NÔNG DÂN CŨNG PHẢI THAM GIA LÀM DU LỊCH

1. VÀI NÉT TỔNG QUAN VỀ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Ðồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất trù phú, là vựa lúa phì nhiêu, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực và cây ăn quả nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. ĐBSCL là vùng đất quan trọng của cả nước trong việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, du lịch, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Có địa hình là một bán đảo với 3 mặt Đông, Nam và Tây Nam giáp biển, phía Tây giáp Campuchia, phía Bắc giáp vùng kinh tế Đông Nam Bộ. ĐBSCL có địa hình tương đối bằng phẳng, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc thuận lợi cho giao thông thủy bộ. Diện tích tự nhiên toàn vùng xấp xỉ 40.000 km2; trong đó khoảng 65% diện tích đất được dùng để sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.
ĐBSCL có 13 đơn vị hành chính bao gồm: thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh gồm Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang. Với khoảng 18 triệu người dân sinh sống, chiếm hơn 20% dân số cả nước, cư dân vùng ĐBSCL có độ tuổi dưới 40 chiếm tới hơn 80%, trong đó nữ chiếm hơn 52%. Thành phần dân cư chủ yếu của vùng ĐBSCL là dân tộc Việt, người Kinh chiếm 86% còn lại là dân tộc khác chiếm tỉ lệ 14% dân số toàn vùng như Hoa, Khmer, Chăm… Trong đó, người Khmer có số lượng đông nhất (10,5%) phân bổ chủ yếu ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. (Nguồn: Nxb Thống Kê 2009).
ĐBSCL có bờ biển dài trên 700 km chiếm khoảng 360.000 km2 vùng kinh tế đặc quyền, giáp biển Đông và vịnh Thái Lan, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. ĐBSCL nằm giữa một khu vực kinh tế năng động và phát triển, liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vùng phát triển năng động nhất Việt Nam. ĐBSCL nằm trong khu vực có đường giao thông hàng hải và hàng không cực kỳ quan trọng cho giao lưu quốc tế. Với vị trí địa lý, tài nguyên nhân văn và tài nguyên tự nhiên phong phú, ĐBSCL rất có tiềm năng trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, nông nghiệp, du lịch. Chiến lược tốt, đồng bộ thì có thể biến ĐBSCL trở thành một địa chỉ lớn cho du lịch của Đông Nam Á và thế giới.
2.  THỰC TRẠNG NHÂN LỰC LÀM DU LỊCH VÙNG ĐBSCL
Đầu ra nhân lực cho ĐBSCL liên quan đến giáo dục mà nền tảng là giáo dục cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề này cho thấy thực trạng về kết quả giáo dục đào tạo hiện nay rất đáng buồn: 45% người dân nông thôn chưa hoàn tất cấp học nào, tỉ lệ bỏ học của cấp học THPT lên đến 14 - 15%. ĐBSCL đã tụt hậu ít nhất năm năm so với mặt bằng chung cả nước và ít nhất 10 năm so với đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ. Chất lượng giáo dục phổ thông ở ÐBSCL còn bất cập, quy mô và hiệu quả chưa đồng đều, nhiều địa phương vẫn còn chạy theo thành tích. Công tác đào tạo giáo viên thiếu khoa học, chưa thật sự lựa chọn được người giỏi, tâm huyết cho ngành. Từ cơ sở đó, hai vấn đề cấp bách cần giải quyết để vực dậy giáo dục - đào tạo ÐBSCL là tập trung nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và thay đổi quy trình đào tạo giáo viên. (theo GS.TS. Võ Tòng Xuân).
Một cách khách quan nhìn nhận rằng, việc đào tạo nhân lực cho ngành du lịch 13 tỉnh, thành ĐBSCL rất hạn chế. Phần lớn lao động có tay nghề của ngành du lịch ĐBSCL là tự tìm đến thành phố Hồ Chí Minh học tập (Tp.HCM trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, giao thương, văn hóa, giáo dục, du lịch của cả nước. Tp.HCM có mức sống và trình độ dân trí khá, có kinh nghiệm và chuyên môn cao trong việc đào tạo nhân lực cho ngành cũng như kinh nghiệm phát triển du lịch). Sau khi học xong, người học trở về quê hương làm việc. Dù được đào tạo khá bài bản ở các khoa, trường du lịch tại Tp.HCM nhưng khi trở về địa phương thì điều kiện lao động thiếu thốn, môi trường làm việc nhiều hạn chế nên những người này chưa thật sự phát huy tiềm năng sẵn có. Việc huy động sức của lực lượng này không đáng kể, nên họ không đóng góp nhiều cho sự phát triển chung của ngành và du lịch ĐBSCL vẫn chưa bức phá được. Tại các tỉnh thành khác thuộc ĐBSCL như thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang cũng đào tạo các bậc học đáp ứng nhân lực du lịch. Tuy nhiên, số lượng đào tạo không nhiều bên cạnh chất lượng đầu ra cũng chưa cao. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy chưa đạt chuẩn, ít người có trình độ cao nhưng nếu có thì lại thiếu kỹ năng nghiệp vụ vì chưa từng kinh qua thực tiễn công việc.
Nói đến việc đào tạo nghề cho nhân lực ngành du lịch thì quả còn nhiều điều đáng suy nghĩ. ĐBSCL này lúc nào cũng đong đầy hạt lúa, lương thực dồi dào, cá tôm chất đống nhưng hình ảnh ngược lại là nhiều nhà người dân vùng nông thôn vẫn còn mái lá liêu xiêu, vách phên trống hoác, con trẻ mặt mũi lúc nào cũng tèm nhem. Bức tranh tương phản đó phản ánh thực trạng không tốt đẹp lắm cho ngành giáo dục đào tạo vùng ĐBSCL nói chung và nhân lực ngành du lịch nói riêng. Ðể có đội ngũ nhân lực tốt, giúp du lịch ĐBSCL phát huy và phát triển bền vững thì giáo dục ÐBSCL phải cất cánh trước, tiến bước cùng các vùng khác trong cả nước. Chính phủ Việt Nam, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cùng các ngành, các cấp của 13 tỉnh thành phải vào cuộc để có những giải pháp quyết liệt đối với người dân ĐBSCL. Đưa đồng bào vượt khỏi đói nghèo, giải quyết căn cơ việc học hành của người dân đồng thời cũng là giải quyết nhân lực lao động cho ngành du lịch trong chiến lược phát triển toàn diện ĐDSCL. Theo dự báo, vào năm 2020 nhân lực du lịch cần đáp ứng cho 13 địa phương vùng ĐBSCL là 207.900 người, trong đó có 75.400 lao động trực tiếp, gần 2/3 còn lại là lao động gián tiếp. (Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch - Tổng cục Du lịch VN).
Yếu tố con người quyết định đối với mọi lĩnh vực, trong du lịch thì càng đặc biệt hơn bởi lẽ con người là sản phẩm chủ lực nhất của ngành. Con người đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra sản phẩm có chất lượng cao cho ngành du lịch. Do vậy, đào tạo nhân lực du lịch ĐBSCL cần phải ưu tiên hàng đầu, đặc biệt đối với các hộ nông dân. Có thế, thì du lịch ĐBSCL mới vững bước và phát triển bền vững trong tương lai.
3. CÁC GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT
Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày một diễn ra nhanh, thì việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch phải đạt tiêu chuẩn chung của quốc gia, được thừa nhận trong khu vực và trên thế giới. ĐBSCL cần tập trung đầu tư, tăng cường năng lực các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch từ trung tâm đào tạo nghề đến đại học. Huy động và tập trung mọi năng lực dạy nghề từ tư thục đến công lập, từ ngắn hạn đến tập trung dài hạn. Chú trọng mọi kỹ năng của tất cả đối tượng khi tham gia đào tạo nghiệp vụ du lịch. Tăng cường đội ngũ cán bộ làm du lịch từ trực tiếp đến gián tiếp, từ quản lý các doanh nghiệp du lịch đến các cán bộ quản lý của các sở, ban ngành. Cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với người làm công tác du lịch trẻ, với đội ngũ lao động trực tiếp nhưng ở vùng sâu, vùng xa. Ban hành chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đào tạo và tái đào tạo thường xuyên, được phép mở trường đào tạo nghiệp vụ du lịch lữ hành và khách sạn nhà hàng. Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng bộ tiêu chuẩn nghiệp vụ của Tổng cục Du lịch Việt Nam (VTOS) đã ban hành. Có chính sách miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp du lịch, khách sạn có tham gia đào tạo và tái đào tạo nhân lực tốt cho ngành du lịch ĐBSCL. Để đáp ứng nhu cầu đó, 13 tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL cần tập trung và đẩy mạnh tăng tốc vào các vấn đề sau:
3.1. Đối với lao động cần trình độ cao thì nhân lực cho ngành cần chú trọng đến mảng du lịch- lữ hành, khách sạn – nhà hàng có tay nghề, đủ vốn ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu phục vụ khách cao cấp.
Thời gian qua, ĐBSCL chỉ chú trọng đào tạo nhân lực cho ngành du lịch thông qua ngành Việt Nam học mà Việt Nam học thì khác xa ngành Du lịch học và càng khác xa với ngành Quản trị Du lịch, khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Các ngành Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng & Dịch vụ ăn uống hầu như bỏ trống. Nếu có, cũng chỉ là đào tạo các bậc học thấp, sơ sài chưa đủ tầm để người học phát huy sở trường và đóng góp của họ. ĐBSCL cần chú trọng đồng đều hơn nữa giữa các ngành thuộc lĩnh vực du lịch khi qui hoạch đào tạo.
Về chất lượng, lao động du lịch cho ĐBSCL phải được trang bị đúng và đủ kiến thức, kỹ năng, quy trình kỹ thuật nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, tinh thần, thái độ phục vụ; có năng lực ngoại ngữ, đảm bảo yêu cầu của từng nghiệp vụ cụ thể.
Về cơ cấu lao động du lịch của mỗi địa phương trong vùng phải đảm bảo hợp lý giữa trình độ đào tạo cũng như giữa các chuyên ngành của mỗi lĩnh vực. Cân bằng giữa học lý thuyết và thời gian thực hành, Giữa số lượng và chất lượng các ngành nghề. (Trong đào tạo nghề này, ĐBSCL nên tham khảo mô hình đào tạo tương đối chuẩn của Trường Du lịch Khách sạn Saigontourist Tp.HCM)
3.2. Một trường Đại học chuyên ngành du lịch thiên về ứng dụng có qui mô cấp vùng cho ĐBSCL.
Cần thiết phải xây dựng một trường đại học chuyên ngành du lịch, đào tạo đa hệ mang tính ứng dụng nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu học tập của người dân ĐBSCL. Việc mở trường đại học chuyên ngành du lịch ở ĐBSCL được xem như là sự đầu tư có chiều sâu, với chương trình đào tạo xây dựng đa dạng, phong phú đáp ứng đầy đủ các thành phần và các bậc học, đảm bảo ai muốn học cũng đều có thể tham gia học tập. Đây là hướng đầu tư hiệu quả góp phần phát triển kinh tế xã hội cho toàn vùng ĐBSCL đồng thời mở ra cơ hội học tập và học tập suốt đời, cho lao động trực tiếp lẫn gián tiếp của ngành du lịch.
Cùng quan điểm trên, có 44,6% ý kiến cho rằng cần thiết phải có một trường đại học chuyên ngành du lịch cho ĐBSCL (Kết quả nghiên cứu đề tài “Sản phẩm du lịch nào cho đồng bằng sông Cửu Long?”).
Hiện nay, công tác đào tạo mới nguồn nhân lực du lịch cho ĐBSCL mới chỉ có các cơ sở đào tạo du lịch ở một vài khoa nhưng không phải là khoa du lịch (ĐH An Giang, ĐH Tiền Giang). Một số trường có thành lập khoa Du lịch (ĐH Cần Thơ, ĐH Cửu Long). Một số khóa đào tạo ngắn hạn về du lịch nhưng chỉ tập trung đào tạo kỹ năng phục vụ, ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức các loại hình dịch vụ phù hợp với các đặc điểm sản xuất của cư dân ở các địa phương.  
Nhìn chung, chưa thể nói lên điều gì đáng kể về việc hoạch định nhân lực cho ngành du lịch ĐBSCL. Phát triển nguồn nhân lực du lịch ĐBSCL cần huy động mọi nguồn lực, ưu tiên tạo ra sự phát triển vượt bậc cả về chất và lượng trong thời gian tới. Trên cơ sở đó,  Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cùng chính quyền của 13 địa phương trong vùng có trách nhiệm quản lý, đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo.
3.3 Ngành Du lịch ĐBSCL cần tìm ra tiếng nói chung trong sự liên kết doanh nghiệp, liên kết địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước để du lịch ĐBSCL trở thành một địa chỉ du lịch trên bản đồ du lịch Đông Nam Á và thế giới.  
Những nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của ngành du lịch ĐBSCL từ lâu đã được các đơn vị quản lý nhà nước Việt Nam, các doanh nghiệp khai thác du lịch nhận thấy. Đã có nhiều hội thảo, hội nghị về du lịch qui mô khu vực được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp đồng bộ và hiệu quả để khai thác tiềm năng du lịch của ĐBSCL một cách xứng tầm. Trong đó, vấn đề liên kết để khắc phục những yếu kém, đưa ngành du lịch ngày càng phát triển, luôn được đặt ra nhưng đến nay vẫn mãi loay hoay và thật sự chưa có cú hích nào cụ thể. Trong bối cảnh của ĐBSCL hiện nay, thường xuyên quan tâm phối hợp liên kết dưới dạng các hoạt động như sau:
- Lập qui hoạch định hướng phát triển du lịch dài hạn và ngắn hạn cho cả vùng.
- Liên kết để xây dựng và qui hoạch phát triển du lịch cho từng địa phương trực thuộc ĐBSCL.
- Liên kết xây dựng sản phẩm đặc trưng cho từng địa phương ĐBSCL.
- Liên kết hợp tác xúc tiến quảng bá tiếp thị và định vị sản phẩm du lịch ĐBSCL.
- Liên kết hợp tác đào tạo nhân lực cho ĐBSCL
- Liên kết hợp tác xây dựng các sự kiện mang tầm khu vực, quốc gia và quốc tế.
- Hợp tác – liên kết để cùng phát triển. 
4. KIẾN NGHỊ
4.1. Đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long  
Quy hoạch du lịch tổng thể toàn vùng đã có, tuy nhiên việc chọn lọc và đưa ra các mô hình tốt đối với các loại hình du lịch phù hợp của địa phương và của vùng phải được thường xuyên quan tâm và đầu tư bài bản. Chú trọng khai thác hợp lý, bền vững có hiệu quả, bảo vệ và phát huy các giá trị tài nguyên môi trường du lịch một cách tích cực. Kiểm kê và đánh giá tích cực các tài nguyên du lịch để có kế hoạch khai thác sử dụng trước mắt và lâu dài.
Từng địa phương ĐBSCL cần có những hướng phân vùng chức năng, quản lý tốt các điểm du lịch, các danh lam thắng cảnh, di tích của địa phương mình. Ưu tiên phát triển du lịch, quy hoạch các đô thị có chức năng du lịch, khôi phục và phát triển các phố nghề, làng nghề truyền thống để tạo điểm du lịch thu hút khách và tiêu thụ sản phẩm địa phương.
Xây dựng và thực hiện tốt quy chế bảo vệ môi trường du lịch ở những khu vực nhạy cảm như ở các vườn quốc gia, sân chim, vùng biển, hải đảo và các đô thị lớn. Hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư thực hiện sát những tư tưởng phát triển chung của toàn vùng. Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trên lãnh thổ vùng, cần có sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong việc khai thác tiềm năng tài nguyên để phát triển du lịch.
Có chiến lược phát triển du lịch và định hướng kinh doanh hiện đại, phù hợp với từng thời kỳ. Cán bộ làm tiếp thị, truyền thông cần được tập huấn, bồi dưỡng và nâng cao trình độ thường xuyên để có đủ tầm “thổi hồn” vào sản phẩm du lịch của từng địa phương mình.
4.2. Đối với cộng đồng dân cư ĐBSCL
Người dân ĐBSCL có tính cách hiền hòa, nhân hậu, cởi mở, thân thiện đặc biệt là hay cười đó là các yếu tố cơ bản của người làm công tác du lịch. Nhiều quốc gia xung quanh Việt Nam như Singapore, Philippin, Thailan, Malaysia đã có những kế hoạch phát triển du lịch cho đất nước của họ bằng chiến lược thông qua những nụ cười. Trong quá khứ và ngay cả hiện tại, trên các kênh truyền thông nước ngoài các chương trình quảng bá tương tự vẫn còn nguyên giá trị.
ĐBSCL của Việt Nam cũng thế, muốn phát triển du lịch và làm thức tỉnh vùng đất giàu tiềm năng này thì cần có những chiến lược cụ thể về con người. Bên cạnh những đức tính và truyền thống cần cù sẵn có của người nông dân, thì việc xây dựng được nhận thức cho người dân toàn vùng với một tinh thần cộng đồng, tinh thần phục vụ du khách là việc không thể không làm. Trên cơ sở đó, cần triển khai hai việc đối với bà con nông dân ĐBSCL như sau:
4.2.1 Nâng cao nhận thức và tinh thần phục vụ du lịch
Nâng cao nhận thức về tinh thần phục vụ du khách cho cộng đồng dân cư là việc làm không phải chỉ trong một sớm một chiều là thành công. Cần quán triệt người dân ĐBSCL hiểu và biết được rằng du lịch sẽ là nguồn thu chính cho mọi gia đình trong tương lai. Có thể so sánh, cứ một người khách quốc tế mua tour Việt Nam từ bốn đến năm ngày, chi tiêu bình quân theo cách chi của dân du lịch, thì ngoại tệ thu về tương đương xuất khẩu một tấn gạo ra nước ngoài. Làm tốt việc nâng cao nhận thức và tinh thần phục vụ du lịch cho người dân ĐBSCL còn giúp họ hiểu và biết quan tâm tới môi trường khi khai thác du lịch. Biết đầu tư và phát triển du lịch một cách bền vững, biết xây dựng nếp sống xanh, sống sạch, sống đẹp trong cộng đồng. Ý thức du lịch được nâng cao sẽ góp phần cải thiện cuộc sống cộng đồng đáng kể hơn.
4.2.2 Nông dân cùng làm du lịch, nhà nhà làm du lịch
Phát động chiến dịch “Nông dân cùng làm du lịch, nhà nhà làm du lịch” với các khẩu hiệu “ĐBSCL - Mọi người dân cùng học cùng làm du lịch” hay “Hãy nở nụ cười vì sự phát triển của du lịch ĐBSCL” một cách sâu rộng trên phạm vi toàn vùng và trên đất nước Việt Nam. Điều này sẽ từng bước giúp nâng cao nhận thức của người dân qua các hoạt động du lịch tại các địa phương. Góp phần nâng cao những giá trị mà du lịch mang lại cho cộng đồng.
Tại các địa phương, chính quyền sở tại sẽ có các trung tâm đào tạo cộng đồng làm công tác giáo dục và hỗ trợ kiến thức kinh doanh dịch vụ du lịch cho người dân khi có nhu cầu. Một khi, cộng đồng hiểu được hết các giá trị của hoạt động du lịch thì tin chắc du lịch sẽ khởi sắc và cất cánh.
Người dân Việt Nam có truyền thống “yêu nước thương nòi”, thường tự hào về đất nước ‘Bốn nghìn năm văn hiến” và truyền thống chống ngoại xâm với tinh thần bất khuất của mình. Lịch sử đã để lại, dân tộc Việt Nam nhiều phen đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập và quyền tự chủ đất nước. Người Việt cho rằng, tấc đất cha ông là tấc vàng. Do vậy, bằng mọi cách phải gìn giữ những gì mà cha ông để lại. Và để giá trị đó mãi bền vững thì “Một tấc không đi, một li không rời”, cách tốt nhất để gìn giữ là gắn chặt đời mình với đất, làm cho giá trị của đất mãi tăng lên theo thời gian.
 5. KẾT LUẬN
Thúc đẩy cho du lịch ĐBSCL phát triển thì không thể tách rời đời sống người dân của ĐBSCL ra khỏi các vùng miền khác của Việt Nam: khu vực Đông Nam bộ, các tỉnh Trung bộ, khu vực Tây Nguyên và châu thổ Bắc bộ, trong đó trọng điểm chính là Tp.HCM. Thông qua hoạt động du lịch, sẽ tăng cường giao lưu của người dân các vùng miền, tăng cường hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau khi du lịch, góp phần nâng cao dân trí và văn minh cộng đồng. Việc san sẻ và cân bằng văn hóa giữa các vùng miền với nhau, còn góp phần không nhỏ trong việc nâng cao mức sống người dân thông qua việc tái phân chia thu nhập.
Động lực chính để kích thích sự tăng trưởng du lịch ĐBSCL là làm sao khơi dậy tinh thần du lịch của người dân Tp.HCM hướng về ĐBSCL. Chỉ cần sự hưởng ứng, hợp tác, giúp đỡ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền Tp.HCM là có thể đánh thức một tiềm năng to lớn ĐBSCL còn “say ngủ”. Mỗi ngày, tại khu phố tây Phạm Ngũ Lão có khoảng 4.000 khách du lịch tỏa đi các nơi, số về ĐBSCL chiếm khoảng 50% (Nguồn: Du lịch Sinh Balô). Nhiều công ty du lịch nội địa khác ở Tp.HCM, miền Trung và cả miền Bắc có nhiều chuyến du lịch thẳng tiến về ĐBSCL mỗi ngày. Sự hợp tác để cùng phát triển là không thể thiếu đối cho sự phát triển bền vững của du lịch ĐBSCL hôm nay và mai sau.

6. TÀI LIỆU THAM KHẢO
TIẾNG VIỆT:
  1. Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch (2009), Kỷ yếu hội thảo Phát triển du lịch bền vững vùng ĐBSCL.
  2. SGU (2009), Hội thảo khoa học toàn quốc “Đào tạo nguồn nhân lực ngành văn hóa - du lịch trong xu thế hội nhập và phát triển”
  3. VNAT (2007), Nâng cao Nhận thức về du lịch.
  4. VNAT (2007), Giải pháp tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam, Hội nghị chuyên đề tổ chức tại Tp.HCM.
  5. Dự án phát triển Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam (VATC), tài liệu Hội thảo “Nâng cao nhận thức về du lịch”, Tp.HCM, 2007.
  6. Hồng Vân, Đường vào nghề du lịch, Nxb Trẻ 2006
 TIẾNG ANH:
  1. Carole Nicolaides (2001), Customer Satisfaction Equals Business Success
  2. Anvin Chan (2004), Customer Targeted Marketing.
  3. Cummings and Worley (1997), "Organization Development and Change", Sixth Edition, South-Western Publishing, p.2.
  4. Adele Ladkin and Julie Spiller (2000), The meetings, Incentives, Conferences and Exhibitions Industry, Travel & Tourism Intelligence 48 Bedford Square London WC18 3DP UK.
  5. Amrit Tiwana (2007), The Knowledge Management Toolkit,
CÁC WEBSITE:
  1. www.mdec.vn
  2. www.gso.gov.vn
  3. www.bentre.gov.vn
  4. www.tiengiang.gov.vn
  5. www.angiang.gov.vn
  6. www.kiengiang.gov.vn
  7. www.camau.gov.vn
  8. www.vinhlong.gov.vn
  9. www.dongthap.gov.vn