Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

CHUYỂN GIÁ - DƯỚI GÓC NHÌN XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU

TÓM TẮT
Chuyển giá - Transfer pricing, ngày càng trở nên nóng bỏng tại Việt Nam. Có nhiều bài viết, bài nghiên cứu phản ánh, bình luận và được đưa tin ở nhiều tờ báo lớn trong nước. Cũng đã có nhiều hội nghị, hội thảo ở nhiều cấp độ và qui mô khác nhau bàn luận, mổ xẻ sâu sắc vấn đề này. Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ  xin đề cập đến một vài khía cạnh nhỏ liên quan đến chuyển giá cùng một vài nhận xét dưới góc nhìn của người tiêu dùng và việc xây dựng hình ảnh, uy tín của thương hiệu các doanh nghiệp FDI.
1. GIỚI THIỆU
Tổng cục Thuế đã có cuộc tổng rà soát kết quả kinh doanh những năm gần đây đối với 5.531 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm khoảng gần 60% số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cả nước đang hoạt động trên phạm vi cả nước. Trong 5.531 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được kiểm tra nêu trên, có tới 3.175 doanh nghiệp có số lỗ lũy kế đến thời điểm đánh giá, chiếm 57,4%. Đặc biệt, có 529 doanh nghiệp báo cáo lỗ nhưng vẫn tăng trưởng doanh thu, tập trung vào các ngành: dệt, may, da giày, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, chế biến và bảo quản nông sản, lâm sản, thủy sản...
Do nhiều doanh nghiệp báo cáo lỗ nên hiệu quả tài chính rất thấp. Lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2010 của các doanh nghiệp này chỉ đạt 10,26%, năm 2011 là 10,89%, tương đương lãi suất trái phiếu kho bạc. Cùng với việc thường xuyên kê khai thua lỗ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài này còn thường xuyên đề nghị hoàn thuế và không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, cũng hoạt động trong cùng điều kiện môi trường sản xuất kinh doanh như vậy, các doanh nghiệp độc lập khác trong nước vẫn kê khai có lãi và nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp. (Theo Thái Chuyên – www.longan.gov.vn)
2. NỖI DUNG
2.1. Đi tìm đại gia có nghi vấn chuyển giá  
1. Tiếp tục đầu tư mới dù lỗ triền miên nhiều năm liền. Tại sao không lời mà vẫn đổ tiền đầu tư? Điều này đã khiến Coca - Cola không tránh khỏi “bị nghi ngờ” chuyển giá từ các cơ quan thuế và từ chính phủ Việt Nam. Tuyên bố của vị lãnh đạo cấp cao Coca Cola vào năm 2012 là Coca sẽ đầu thêm 300 triệu USD nữa vào thị trường Việt Nam với mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu vào năm 2020, ông còn cho rằng Việt Nam là thị trường tăng trưởng quan trọng. Chính vì vậy, Coca Coca quảng cáo rầm rộ, khuyến mại khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam suốt gần 20 năm qua kể từ khi hiện diện kinh doanh tại Việt Nam. Chỉ trong năm 2010 tại thị trường Việt Nam, Coca đã báo lỗ 188 tỷ đồng, tương đương 8,98 triệu USD. Lũy kế con số thua lỗ mà Coca-Cola Việt Nam báo cáo lên tới 180 triệu USD trong vòng một thập niên qua.
Hiện tượng không bình thường đó là do né thuế hay vì lý do nào khác? Trả lời cho câu hỏi này vì đó chính là giải pháp giúp Coca-Cola tránh được việc đóng thuế cho cơ quan thuế Việt Nam. Thay vì đóng thuế cho Việt Nam thì Coca Cola sẽ thực hiện việc này tại một quốc gia khác mà họ cho là thiên đường thuế (tax havens).
2. Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố các thông tin từ báo cáo của Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho hay kể từ khi thành lập (năm 1995) đến năm 2012, Công ty Nestlé Việt Nam đang thua lỗ hơn 30,8 triệu USD, chiếm 20% vốn góp chủ sở hữu, mặc dù trong hai năm 2011, 2012 Nestlé kinh doanh có lãi. Neslé được ví như ông nhà giàu lỗ hoài mà vẫn giàu và phát triển. Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp có vốn FDI đã và đang đứng trước “nghi án” chuyển giá, câu chuyện lỗ 30,8 triệu USD của Nestlé trở nên rất đáng chú ý. Nestlé chính thức xây dựng nhà máy ở tỉnh Đồng Nai vào năm 1995. Trước đó năm 1992, tập đoàn này đã liên doanh với một công ty thương mại ở Long An để xây dựng LaVie, một công ty chuyên sản xuất nước uống tinh khiết. Các nhãn hàng mà Nestlé đang sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam bao gồm Nescafé, sữa Nestlé, Milo, Nestea… Được biết, Nestlé đang dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan ở Việt Nam và theo đánh giá của người tiêu dùng Việt Nam, thì ngôi vị của Nescafé trên thị trường cà phê hòa tan là “bất khả chiến bại”. Tháng 9 năm 2012, Nestlé công bố kế hoạch đầu tư thêm 230 triệu Franc Thụy Sỹ cho một nhà máy mới ở Đồng Nai. Ngày 9.7.2013 vừa qua, nhà máy Nescafé mới đặt tại KCN Amata (Đồng Nai) của Nestlé đã khánh thành, nâng tổng vốn đầu tư tập đoàn này tại Việt Nam lên trên 466 triệu USD (theo Báo Đầu tư).
3. Tổng cục Thuế nghi ngờ các giao dịch của Adidas Việt Nam với các bên liên quan gồm Adidas AG, Adidas Singapore, có thể là các giao dịch liên kết. Tổng cục Thuế vừa có văn bản gửi Cục thuế Tp.HCM, với nội dung đề cập đến hoạt động kinh doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn Adidas Việt Nam. Trong khi đó tại Việt Nam, Adidas vẫn đang trong quá trình mở rộng sản xuất kinh doanh. Điểm quan trọng gần đây là việc Adidas đã thuê 1.035 m2 diện tích văn phòng tại tầng 22 và 265m2 mặt bằng bán lẻ của tháp Financial Tower Bitexco tại TP HCM để làm cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm. Tại thời điểm đó, ông Ryan Hart, Giám đốc Adidas tại Việt Nam cho biết đây là cửa hàng thứ 50 và “có không gian lớn và độc đáo nhất của Adidas tại Việt Nam và tập hợp tất cả các thương hiệu của Adidas dưới một mái nhà gồm Sports Performance, Originals và Adidas Golf và Taylor Made”. Tập đoàn Adidas là một trong những doanh nghiệp toàn cầu trong ngành công nghiệp sản phẩm thể thao, cung cấp một loạt các sản phẩm với các thương hiệu cốt lõi: Adidas, Reebok, TaylorMade, Rockport và Reebok, CCM Hockey. Đặt trụ sở chính tại Herzogenaurach (Đức), tập đoàn này có hơn 46.000 nhân viên với doanh số bán hàng 12 tỷ Euro trong năm 2010.
Không riêng gì Coca Cola, Nestlé, Adidas nhiều doanh nghiệp FDI khác như; Pepsi, Metro, Unilever, BAT... cũng sẽ có hoàn cảnh tương tự nếu rơi vào nghi án chuyển giá. Dưới góc nhìn của việc xây dựng thương hiệu, điều gì sẽ xảy đến trong tương lai cho các doanh nghiệp có nghi án chuyển giá này?
2.2. Được tài chính nhưng giá trị thương hiệu sụt giảm
 “Có thực sự các doanh nghiệp FDI trốn thuế hay không, song với nghi án chuyển giá, trốn thuế và bị người tiêu dùng tẩy chay, Coca-Cola đang rơi vào một cuộc khủng hoảng về lòng tin và quan hệ công chúng tại Việt Nam” (báo Dân Trí).
Trong khi đó, Chiến dịch “Công bằng thuế” mà trọng tâm là chống chuyển giá được ActionAid international (ActionAid quốc tế - có đại diện tại Việt Nam) phát động trên phạm vi toàn cầu từ ngày 1.7.2013. Chiến dịch tập trung vào việc đấu tranh với các công ty đa quốc gia hoạt động tại các nước đang phát triển lách thuế và nhận được các ưu đãi về thuế không cần thiết, trong khi hàng triệu người nghèo không nhận được các dịch vụ chăm sóc cơ bản. Chiến dịch yêu cầu chính phủ các nước phải ngăn chặn “các thiên đường thuế”, chấm dứt các ưu đãi thuế có hại và yêu cầu các công ty đa quốc gia phải trả đủ thuế cho các nước sở tại. Tất cả những vấn đề đó chỉ là một phần nằm trong hoạt động kinh doanh tại một quốc gia. Theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ tại Hà Nội, với một quốc gia như Việt Nam, nơi an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành một mối quan tâm lớn cho người tiêu dùng, thì với sự an toàn và tính thống nhất của sản phẩm, Coca-Cola vẫn sẽ được đón nhận. Đây được coi như một lời hứa thương hiệu đối với Coca-Cola, vũ khí tốt nhất để doanh nghiệp này vượt qua được cuộc tẩy chay của người tiêu dùng Việt trong cơn giận dữ hiện tại. Cuộc khủng hoảng thương hiệu của Coca-Cola cũng chính là bài học cho tất cả những doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
2.3. Sẽ mất dần khách hàng
Cũng theo nhận định của ông Adam Sitkoff “Tại những quốc gia có khung pháp luật chặt chẽ, kín kẽ và minh bạch thì sẽ không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, Việt Nam không may là không nằm trong số đó”.
Ông Sitkoff cho rằng, Coca-Cola không phải là doanh nghiệp duy nhất tạo nên thảm họa trong quan hệ công chúng ở Việt Nam mà bên cạnh đó còn có một loạt những cái tên như Pepsi, Metro, Unilever, BAT và Adidas đều đã bị nêu tên trên mặt báo chí về điều tra chuyển giá. Gần đây, Unilever đã công bố “kế hoạch phát triển bền vững” tại Việt Nam, một phần trong chiến lược cùng tên được triển khai trên toàn cầu. Theo đó, công ty “cam kết cải thiện cuộc sống của 20 triệu người dân Việt Nam bằng cách cải thiện điều kiện vệ sinh và sức khỏe cho mọi người”. Trong nỗ lực thể hiện mình, nghi án trốn thuế vẫn là một tin không hay đối với doanh nghiệp này.
Người tiêu dùng Việt Nam sẽ nghĩ như thế nào về việc làm của các doanh nghiệp FDI có nghi án chuyển giá? Chắc chắn phần lớn trong số người biết về chuyện này sẽ tẩy chay hàng hóa của các doanh nghiệp này và đương nhiên, nó không dừng lại ở đó nếu có thêm sự tác động của các cơ quan truyền thông, các hãng thông tấn báo chí cùng cơ quan thuế và chính phủ. Có thể nói, nó sẽ tạo thành cơn lốc tẩy chay hàng ngoại bên cạnh sự cổ súy dùng hàng Việt ngày càng mạnh và lan rộng ra khắp đất nước. Cho dù các báo cáo về việc các doanh nghiệp FDI trốn thuế thật giả chưa phân thì họ vẫn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong xây dựng thương hiệu quốc tế, đó là điều không thể không thật.
2.4. Mất uy tín với quốc gia địa phương
Trong khi vẫn chưa có kết quả thanh tra chính thức và các cơ quan quản lý còn khá thận trọng với vấn đề chuyển giá, nhưng đã có một số doanh nghiệp FDI bị chỉ trích là “lách luật” và “trốn thuế”. Điều này vô hình trung tạo ra tâm lý thiếu thiện cảm của người dân Việt Nam đối với các doanh nghiệp FDI trong việc tiêu dùng sản phẩm của họ. Mặt khác, nó còn gây lo ngại và bất an trong cộng đồng doanh nghiệp FDI khác đang hoạt động tại Việt Nam, hoặc đang nghiên cứu tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, đã có đề án về chống chuyển giá nhưng phải có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan chức năng. Việc điều tra chuyển giá sẽ chỉ áp dụng với một số doanh nghiệp, không áp dụng đồng loạt tránh ảnh hưởng xấu tới hình ảnh môi trường đầu tư ở Việt Nam. 
Chính phủ cần tăng cường gây sức ép trên phạm vi toàn cầu đến các tổ chức quốc tế để ngăn chặn “thiên đường thuế” đồng thời, yêu cầu các công ty phải công khai các tài khoản tiền tại mọi quốc gia mà công ty đó đang hoạt động. Chính phủ cũng cần cung cấp tiền viện trợ để các nước đang phát triển tăng cường năng lực cho các cơ quan thuế và cán bộ thuế của họ đảm bảo có đủ trình độ thanh tra, kiểm tra, đấu tranh chống các hành vi chuyển giá. 
2.5. Làm gì để kiểm soát chuyển giá?  
Thực tế chứng minh, muốn chống thất thu thuế đạt hiệu quả cao cần có sự phối hợp, tham gia tích cực của các ngành, các cấp. Do vậy, cần thực hiện tốt các quy chế phối hợp giữa các ngành công an, hải quan, kế hoạch - đầu tư, kho bạc, thuế và các ngành có liên quan để tổ chức giám sát chặt chẽ.
“Họ tìm cách chuyển giá tức là quay lưng lại với đất nước Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam. Như vậy, mọi người có nên dùng sản phẩm của họ không? Doanh nghiệp như vậy có phải là đáng trân trọng?” (Theo báo GDVN).
“Đơn vị nào tìm cách không nộp thuế hay trốn tránh thuế, tôi nghĩ là họ dại. Bởi những người yêu nước, họ sẽ không làm vậy”. (Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco).
Chính vì lẽ đó, để kiểm soát việc chuyển giá của một số công ty đa quốc gia thì giới truyền thông cần phải tuyên truyền rộng rãi việc họ làm thế là không hay, không tôn trọng người Việt Nam, không tôn trọng pháp luật Việt Nam. Tăng cường vai trò truyền thông của báo chí – tích cực tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, góp phần chống chuyển giá. Mọi người tiêu dùng Việt Nam, hãy xem đây được xem là phương án gián tiếp chủ lực.
Phát huy tinh thần dân tộc của người tiêu dùng VN trong việc góp phần tham gia kiểm soát chuyển giá.  
Người dân tại nước Anh, khi phát hiện hãng cà phê Starbucks nổi tiếng dính nghi án né thuế, người dân đã kêu gọi tẩy chay, các cơ quan chức năng cùng giới truyền thông Anh quốc đã phát huy sứ mệnh của mình làm cho người dân biết: Starbucks không đáng yêu.
Còn với cộng đồng Việt Nam, chúng ta phải làm gì để nắm bắt cơ hội và tạo ra những sự thay đổi cho người dân ở ta. Đồng thời, trang bị thông tin, tích cực hành động và tham gia chiến dịch để xóa bỏ những kẽ hở trong chính sách thuế.
Dương Trung Quốc - Nhà sử học trong buổi hội thảo “Cạnh tranh lành mạnh để bảo vệ thương hiệu và doanh nghiệp Việt” diễn ra vào sáng ngày 14.5.2013, đã không giấu nổi sự bức xúc cũng bày tỏ: “Tôi đọc câu trả lời của nhà quản lý Coca Cola như nói với trẻ con, không thể chấp nhận được. Họ nói rằng: thị trường Việt Nam là nơi có tiềm năng, triển vọng to lớn nên lỗ mấy, họ cũng đeo bám lấy thị trường này. Tôi thấy rất khó hiểu”. Sự “lỗ lã” của Coca Cola có thể coi là ô nhiễm môi trường đầu tư không?  
3. KẾT LUẬN
Có được thương hiệu đẳng cấp và uy tín trên toàn thế giới, hẳn các doanh nghiệp FDI đã tốn rất nhiều thời gian, tiền của, công sức của nhiều thế hệ công nhân với hàng trăm năm lao động. Thương hiệu của họ cũng đã tạo dựng được niềm tin tưởng lớn và ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng người tiêu dùng khắp các miền thế giới. Chẳng lẽ, chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà họ lách luật, né thuế thực hiện việc chuyển giá và bị dư luận búa rìu và người tiêu dùng tẩy chay? Người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng quay lưng lại với các sản phẩm tiêu dùng “xấu” đó; hàng triệu người sẽ mất niềm tin và chê bai họ vì một hình ảnh không đẹp đó. Còn đối với các cơ quan truyền thông báo chí Việt Nam, sẽ không mấy thiện cảm về họ và lâu dài nếu không thay đổi, họ sẽ mất dần chỗ đứng và sự hâm mộ của người Việt Nam ngay vị trí mà hàng chục năm qua họ đã dày công vun xới.
 Hơn ai hết, các doanh nghiệp FDI cần có cái nhìn khác về vấn đề chuyển giá tại thị trường Việt Nam. Tích cực hơn trong việc xây dựng hình ảnh tươi đẹp mà cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam đã dành cho họ nhiều năm qua. Chẳng lẽ, chỉ có một vài đại gia mà "làm xấu mặt" 14.500 doanh nghiệp FDI ở Việt Nam? Mong rằng các doanh nghiệp FDI sẽ có kế sách lâu dài, đừng để “tham thì thâm” để rồi sẽ hối tiếc trong muộn màng về sau. 
Bài đăng trong Nội san Khoa QTKD – trường Đại học Công Nghệ Tp.HCM (hutech)

4. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá: Thực trạng và giải pháp, Nguyễn Quang Tiến (Bài đăng Tạp chí Tài chính số 3/2012).
2. Chống chuyển giá ở Việt Nam: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và các điều kiện thực hiện, TS. Lê Xuân Trường – Học viện Tài chính.
3. Chống chuyển giá: Những bài học từ Trung Quốc, Ths. Hà Hương Lan - Trường BDCB Bộ Tài chính
4. Chống chuyển giá: Kỳ vọng từ phương thức APA, Hồng Nhung.
5. Nghi chuyển giá, Coca-Cola bị tẩy chay? Bích Diệp, Báo Dân Trí.
6. Chống chuyển giá trên toàn cầu - Khuyến nghị của ActionAid International, Theo TCT online.
7. Chống chuyển giá: Khi Tổng cục Thuế công bố danh tính các "ông lớn"... theo VnEconomy
8. Nghi án Coca-Cola trốn thuế: Truyền thông phải "vạch mặt kẻ gian lận"! Hân Ni, báo Giáo dục VN.
9. "Làm xấu mặt" 14.500 doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, Bích Diệp, báo Dân trí.
10. http://www.longan.gov.vn/chinhquyen/soct/Pages/Lo-dien-hang-tram-doanh-nghiep-co-von-dau-tu-nuoc-ngoai-chuyen-gia.aspx

2 nhận xét:

  1. Xin cám ơn Thầy! Bài viết rất thời sự và sâu sắc. Đây thực sự là tài liệu quý giá để tham khảo trong quá trình em làm luận văn.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn hung tran đã đọc quan tâm!

    Trả lờiXóa