Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

CỘNG ĐỒNG ASEAN NĂM 2015 – THÁCH THỨC, CƠ HỘI VÀ GIẢI PHÁP TRONG GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO NHÂN LỰC DU LỊCH VIỆT NAM

TÓM TẮT
Việt Nam luôn phải cạnh tranh với các điểm đến hàng đầu của các nước trong khối ASEAN trong việc thu hút khách du lịch. Các điểm đến du lịch ở Malaysia, Thái Lan, Singapore được đầu tư nhiều kinh phí, người lao động có tay nghề lao động với trình độ chuyên môn cao, các doanh nghiệp luôn đổi mới về sản phẩm và nâng cao thương hiệu du lịch. Thách thức lớn nhất là bối cảnh các nước Asean sẽ gia nhập cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức do sự không đồng đều về chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ, năng lực kinh doanh. Nếu Việt Nam không chuẩn bị tốt, khai thác tốt thì các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ mất thị trường khách du lịch trong khu vực mà thị trường khách nội địa cũng khó giữ vững.                          
Toàn khối ASEAN năm 2015 sẽ tiến tới một cộng đồng “thống nhất trong đa dạng”, tiếp tục là tổ chức hợp tác khu vực mở và có vai trò quan trọng ở Châu Á-Thái Bình Dương. Do vậy, liên kết ASEAN sâu rộng hơn trong ba lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội là những tính toán chiến lược quan trọng. Việc xem xét lợi ích của quốc gia nói chung và lợi ích ngành du lịch nói riêng phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể, xuyên suốt, trong đó không thể xem nhẹ việc giáo dục đào tạo tay nghề chuyên nghiệp của con người làm du lịch Việt Nam.
Key word: Cộng đồng ASEAN, AEC, ba trụ cột, giáo dục đào tạo nhân lực du lịch, thách thức, cơ hội
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có những bước chuyển mạnh mẽ nhằm tăng cường liên kết khu vực, tận dụng những cơ hội mới đang mở ra cũng như ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức mới ngay từ những ngày đầu thế kỷ 21. Việt Nam đã đóng vai trò tích cực cùng các nước ASEAN xây dựng và thông qua Tuyên bố hòa hợp ASEAN II tại Bali, Indonesia (10/2003), đề ra những định hướng chiến lược cho sự phát triển của ASEAN, hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN năng động, tự cường và gắn kết vào năm 2015, với ba trụ cột chính là Cộng đồng an ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC) - ASCC là sáng kiến của Việt Nam; các Kế hoạch hành động nhằm triển khai thực hiện Tuyên bố hòa hợp ASEAN II (11/2004 tại Vientiane), bao gồm: Kế hoạch hành động của ASC, Kế hoạch hành động của ASCC, Hiệp định khung ASEAN về 11 lĩnh vực ưu tiên hội nhập và Chương trình Hành động Vientiane (VAP). Trong bối cảnh đó, ngành du lịch Việt Nam và việc giáo dục đào tạo nhân lực du lịch sẽ phải làm gì để đón đầu hội nhập và cạnh tranh trong khối ASEAN nói riêng và cạnh tranh quốc tế nói chung. 
2. NỘI DUNG
2.1 Tìm hiểu cộng đồng ASEAN năm 2015
2.1.1 Giới thiệu Cộng đồng ASEAN năm 2015
Lãnh đạo các nước ASEAN đã ký Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (hay còn gọi là Tuyên bố Bali II) vào tháng 10/2003, toàn khối đã nhất trí đề ra mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với ba trụ cột chính: Cộng đồng An ninh (ASC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội (ASCC); đồng thời khẳng định ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác cùng có lợi ở khu vực.
Để triển khai và kế tục Chương trình Hành động Hà Nội (HPA), ASEAN đã đề ra Chương trình Hành động Vientiane (VAP) cho giai đoạn 2004-2010 và các Kế hoạch hành động  để xây dựng ba trụ cột Cộng đồng về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, trong đó có hợp phần quan trọng là thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) nhằm giúp thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN với kế hoạch hành động và các dự án.
Để kịp thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực cũng như trên cơ sở những thành tựu của ASEAN trong 40 năm qua nhất là kết quả thực hiện Chương trình Hành động Vientiane (VAP), Lãnh đạo các nước ASEAN tháng 01/2007 đã quyết tâm đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, nhất trí mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 thay vì vào năm 2020 như thỏa thuận trước đây.
ASEAN khẩn trương xúc tiến xây dựng các Kế hoạch tổng thể để xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội (ASCC), đề ra mục tiêu và thời hạn hoàn thành đối với từng biện pháp, hoạt động cụ thể.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 13 (11/2007), Lãnh đạo các nước đã ký Hiến chương ASEAN nhằm tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho gia tăng liên kết khu vực, trước mắt là hỗ trợ mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Hiến chương ASEAN đã chính thức có hiệu lực ngày 15/12/2008.
Hội nghị Cấp cao ASEAN-14 (tháng 2/2009) đã thông qua lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN kèm theo 3 Kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch công tác về IAI giai đoạn 2 (2008-2015). Đây là một văn kiện quan trọng như một chương trình hành động tổng thể đề ra khuôn khổ và các bước triển khai cụ thể, để ASEAN tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, kế tục Chương trình Hành động Vientiane (VAP).
2.1.2 Mục tiêu của Cộng đồng ASEAN năm 2015
Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN; nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài.
Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng như mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN (nhất là: IAI - Sáng kiến Liên kết ASEAN) được lồng ghép vào nội dung của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN.
2.1.3 Triển vọng của Cộng đồng ASEAN năm 2015
Trên cơ sở phân tích các nhân tố tác động đến triển vọng của ASEAN trong 10-15 năm tới, dự báo khả năng hiện thực nhất là ASEAN sẽ chuyển hóa dần từ một Hiệp hội khá lỏng lẻo thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ có mức độ ràng buộc pháp lý cao hơn và liên kết sâu rộng hơn, nhưng không trở thành một tổ chức siêu quốc gia; sẽ trở thành một thực thể chính trị, kinh tế gắn kết hơn, một cộng đồng “thống nhất trong đa dạng”; tiếp tục là tổ chức hợp tác khu vực mở và có vai trò quan trọng ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Liên kết ASEAN sâu rộng hơn nhưng mức độ liên kết sẽ không đồng đều trong ba lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, do sự đa dạng khá lớn giữa các nước thành viên, nhất là về khoảng cách phát triển, chế độ chính trị, xã hội cũng như những tính toán chiến lược và lợi ích quốc gia.
2.2 Thách thức, cơ hội và giải pháp của giáo dục, đào tạo nhân lực du lỊch Việt Nam trước thềm ASEAN 2015
2.2.1 Những thách thức
2.2.1.1 Đối mặt với khó khăn do sự không đồng đều chất lượng
Dưới góc độ du lịch của khối ASEAN, Việt Nam luôn phải vất vả cạnh tranh với các điểm đến hàng đầu của các nước này trong việc thu hút du khách. Các điểm đến du lịch ở Malaysia, Thái Lan, Singapore được đầu tư nhiều kinh phí, có tay nghề lao động với trình độ chuyên môn cao, luôn đổi mới về sản phẩm và thương hiệu du lịch. Thách thức số một là bối cảnh các nước ASEAN sẽ gia nhập cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do sự không đồng đều về chất lượng như nguồn nhân lực du lịch, chất lượng dịch vụ, năng lực kinh doanh du lịch, “Nếu không chuẩn bị tốt, khai thác tốt thì doanh nghiệp Việt Nam không chỉ mất thị trường khách du lịch trong khu vực mà thị trường khách nội địa cũng khó giữ vững”.                           
2.2.1.2 Năng suất lao động thấp và tay nghề kém [2]
Trong tình hình hiện nay chất lượng lao động là yếu tố hàng đầu quyết định sự thành bại trong cạnh tranh quốc tế nói chung và cạnh tranh du lịch nói riêng. Trong những năm qua, Việt Nam gặp rất nhiều bất lợi trong cạnh tranh du lịch, yếu tố then chốt của sự hạn chế này là Việt Nam có một lực lượng lao động du lịch có chất lượng thấp, đây chính là thách thức thứ hai. Vì vậy, việc nâng cao tay nghề lao động du lịch nước ta đang là một đòi hỏi cấp thiết. Chất lượng lao động chỉ có thể được nâng cao thông qua qua chương trình giáo dục đào tạo có chủ trương đúng đắn, trong đó đào tạo nghề du lịch là một cấu thành quan trọng, yêu cầu này đòi hỏi công tác dạy nghề phải phát triển nhanh cả về qui mô lẫn chất lượng.  
2.2.1.3 Mất khách do hạn chế tầm nhìn quản lý du lịch
Những hạn chế tầm nhìn và yếu kém về công tác quản lý du lịch dẫn đến việc triển khai chưa đồng bộ, chưa hiệu quả là thách thức thứ ba của ngành. Tình trạng mất vệ sinh, an ninh, trật tự tại các điểm du lịch vẫn thường xuyên xảy ra. Tình trạng taxi dù, hiện tượng chèo kéo, bán hàng rong, lừa đảo, ép khách du lịch vẫn có ở nhiều địa phương nhất là mùa cao điểm. Tình trạng ô nhiễm, quá tải, hoặc thiếu quản lý do khai thác quá mức tài nguyên du lịch hoặc bị sử dụng sai mục đích, bị tàn phá dẫn đến tác động tiêu cực đến phát triển du lịch ở một số địa phương. Môi trường du lịch ở nhiều nơi bị ô nhiềm hoặc bị hủy hoại nghiêm trọng. Công tác quản lý môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại nhiều điểm du lịch còn rất yếu kém và chưa được coi trọng. Hiện tượng xây dựng tràn lan thủy điện tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở khu du lịch Sapa, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung đã hủy hoại tài nguyên và môi trường điểm đến tác động xấu đến phát triển du lịch.
Tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá cũng chưa nâng cao. Sản phẩm du lịch Việt Nam vẫn chậm đổi mới, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo và còn trùng lặp giữa các vùng miền, giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm du lịch thấp, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm. Kinh phí nhà nước đầu tư còn hạn chế cho nên chưa tạo được hiệu ứng kích cầu đi du lịch Việt Nam tại các thị trường mục tiêu.
2.2.1.4 Thách thức của việc toàn cầu hóa và yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế
Thách thức thứ tư là vấn đề cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực đang diễn ra ngày càng quyết liệt hơn, nhất là việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia. Vấn đề nhân lực du lịch không còn lợi thế chỉ ở số lượng mà cần tăng giá trị gia tăng của mỗi công đoạn sản xuất, tăng năng suất lao động. Điều đó đúng vì năng lực cạnh tranh Việt Nam liên tục bị tụt hạng trong vài năm gần đây, năng suất lao động nước ta còn rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Điều đó đã làm cho nền kinh tế Việt Nam không tận dụng được lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. [1]
2.2.1.5 Tự do di chuyển lao động – thế cạnh tranh mới trong ASEAN 2015 
Tự do di chuyển lao động trong khối ASEAN là thách thức thứ năm.
Đối với các chính phủ, tự do di chuyển lao động, bảo đảm sự cam kết và thỏa thuận về thương mại quốc tế, khuyến khích trao đổi điển hình tốt và chia sẻ thông tin giữa các đối tác. Điều này có thể dẫn tới:
- Chi phí giảm;
- Sức cạnh tranh gia tăng;
- Khả năng xâm nhập thị trường cao; và dòng chảy thương mại tự do hơn.
Tất cả nhằm giải quyết sự mất cân bằng cung và cầu về việc làm du lịch trong khu vực ASEAN và thiết lập cơ chế cho sự tự do dịch chuyển lao động du lịch lành nghề, được chứng nhận trong toàn khu vực ASEAN.
2.2.2 Những cơ hội
Bên cạnh những thách thức thì cũng không ít cơ hội cho giáo dục và đào tạo du lịch của Việt Nam khi Cộng đồng ASEAN hình thành.
2.2.2.1 Tiềm năng, cơ hội việc làm nhiều hơn[4]
Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), ngành du lịch thế giới cung cấp hơn 235 triệu việc làm (trực tiếp và gián tiếp) năm 2010 (chiếm 8% tổng số việc làm hay cứ 12,3 việc làm có một việc làm trong ngành du lịch). Kinh tế toàn cầu của ngành du lịch dự kiến sẽ cung cấp 296 triệu việc làm vào năm 2019.
Theo Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định chỉ tiêu khách du lịch, tổng thu từ du lịch, tỷ trọng GDP và nguồn nhân lực cho du lịch:  
                                                                                                                                      Đvt: lượt
Các chỉ tiêu
2010
2015
2020
2025
2030
Khách quốc tế
5.049.855
7.500.000
10.500.000
14.000.000
18.000.000
Khách nội địa
28.000.000
37.000.000
45.500.000
58.000.000
71.000.000
Tổng thu từ du lịch (tỷ USD)
4,8
10,3
18,5
26,6
35,2
Tỷ trọng tổng thu du lịch trong tổng GDP toàn quốc %
5,8
6,0
7,0
7,3
7,5
Lao động trực tiếp trong ngành du lịch  
478.065
620.000
870.000
1.050.000
1.400.000
Tổng lao động du lịch và liên quan (trực tiếp và gián tiếp)
1.625.421
2.108.000
2.958.000
3.570.000
4.760.000
             Bảng: Dự báo chỉ tiêu phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 -2030 [5] 
(Nguồn: Viện NCPT Du lịch)
2.2.2.2 Bằng cấp được công nhận trong Cộng đồng ASEAN 15?
Hiện nay trong lĩnh vực văn hóa giáo dục thì ASEAN đã thành lập mạng lưới các trường đại học với 26 trường tham gia. Việt Nam có Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Cần Thơ tham gia mạng lưới này. Tương lai, hợp tác giáo dục đào tạo là lĩnh vực sẽ còn nhiều trao đổi, cải thiện vì trình độ giáo dục đại học trong các nước ASEAN còn khác nhau và việc công nhận tín chỉ giữa các trường đại học có thể được xem xét công nhận lẫn nhau.
Trong Cộng đồng ASEAN, việc thực hiện công nhận tay nghề cũng là một lĩnh vực được đặt ra. Để có thể công nhận những chứng chỉ về hành nghề hay tay nghề trong những lĩnh vực cụ thể như trong y tế, du lịch và một số hành nghề tạo điều kiện cho công dân của các nước ASEAN tìm được việc làm, không chỉ ở nước mình mà ở các nước khác trong khu vực ASEAN với mức lương hợp lý hơn, hấp dẫn hơn.
2.2.2.3 Hội nhập sâu rộng về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng
 Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu như sinh viên thiếu và yếu các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp sẽ khó khăn trong quá trình hội nhập ASEAN. TS. Lê Thị Thanh Mai, trưởng Ban Công tác Sinh viên ĐHQG-HCM, phát biểu: “Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa là xu thế tất yếu. Xu thế này sẽ tạo ra thị trường lao động toàn cầu, công dân toàn cầu và thanh niên toàn cầu. Để thanh niên tự tin hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ từ nhà trường, từng cá nhân sinh viên phải không ngừng tự học, rèn luyện, tự tu dưỡng, tự chịu trách nhiệm để trang bị cho mình kỹ năng, kỷ luật, có tác phong của lao động chất lượng cao” [6].
2.2.3 Các giải pháp 
2.2.3.1 Cần một định hướng giáo dục đào tạo nhân lực du lịch Việt Nam tầm vĩ mô
Như đã biết, Cộng đồng Kinh tế (AEC) một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, là mô hình liên kết kinh tế khu vực dựa trên và nâng cao những cơ chế liên kết kinh tế hiện có của ASEAN có bổ sung thêm hai nội dung mới là tự do di chuyển lao động và di chuyển vốn tự do hơn.
Khi Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành năm 2015, thì ngành du lịch Việt Nam sẽ phải đối đầu như thế nào dưới góc độ tự do di chuyển lao động trong đó có di chuyển lao động du lịch?
Hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020” và “Chiến lược phát triển giáo dục dạy nghề 2011 – 2020” với mục tiêu tổng quát đến năm 2020, nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục và dạy nghề được nâng cao một cách toàn diện. (chinhphu.vn)
2.2.3.2 Xây dựng tiêu chuẩn lao động du lịch phù hợp và được công nhận lẫn nhau giữa các nước ASEAN [3]
Mười tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam được xây dựng bằng tiếng Anh, dịch ra tiếng Việt và được đệ trình lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo thứ tự: Lễ tân, Buồng, Nhà hàng, Quản lý du lịch, Hướng dẫn viên du lịch, Nấu ăn chuyên nghiệp, Quản lý khách sạn, Thuyết minh viên du lịch, Phục vụ trên tàu du lịch, Vận hành doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mục tiêu của Dự án EU (Dự án Chương trình phát triển Năng lực du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội – do Liên minh Châu Âu tài trợ) là nhằm củng cố năng lực thực hiện Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN, được các bộ trưởng ngành du lịch ký kết vào năm 2009. Thỏa thuận này hướng tới tăng cường chất lượng và tiêu chuẩn hóa nguồn nhân lực, đồng thời tạo điều kiện cho việc dịch chuyển lao động du lịch được đào tạo và được công nhận ở tất cả các cấp độ trong khu vực.
Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam mới được cập nhật và mở rộng cũng bao gồm các chủ đề du lịch có trách nhiệm và được xây dựng phù hợp với các yêu cầu của thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN, cần thiết phải phổ biến rộng rãi thông tin về việc đã có tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam mới đối với ngành du lịch, các trường và cơ quan quản lý nhà nước ở các tỉnh và cộng đồng.
2.2.3.3 Đầu tư cơ sở đào tạo du lịch chất lượng ngang tầm ASEAN và quốc tế
Theo Bộ LĐTB&XH, trường nghề đạt chuẩn chất lượng ngang tầm ASEAN và quốc tế ngoài việc đạt các tiêu chí kiểm định chất lượng còn phải có ít nhất 5 nghề trọng điểm để đào tạo, trong đó tối thiểu 3 nghề cấp độ ASEAN và quốc tế. Quy mô đào tạo tối thiểu 1.000 học sinh, sinh viên; tuyển sinh tối thiểu 50 học sinh, sinh viên vào các nghề trọng điểm/năm. Ngoài ra, phải có hệ thống bảo đảm chất lượng do tổ chức City & Guilds (Anh Quốc) công nhận; ít nhất 90% học sinh, sinh viên có việc làm trong 3 tháng kể từ khi tốt nghiệp; mức lương khởi điểm bình quân sau khi tốt nghiệp ít nhất bằng 2 lần lương tối thiểu mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động.
2.2.3.4 Chương trình cho giáo viên đào tạo nhân lực du lịch theo chuẩn quốc tế 
Từ năm 2011, Bộ LĐTB&XH đã triển khai đề án đào tạo nghề cho giáo viên theo chuẩn quốc tế. Riêng đội ngũ giáo viên dạy nghề đủ tiêu chuẩn cũng đã được gửi tới một số nước để học tập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong nước. Cụ thể trong năm 2014, Tổng cục Dạy nghề sẽ lựa chọn khoảng 600 giáo viên được sang Úc đào tạo 4 tháng (3 tháng đào tạo nghề, 1 tháng học sư phạm). Đây là một trong những bước tiến đổi mới trong công tác dạy nghề và dạy nghề du lịch trong thời gian tới.
2.2.3.5 Xem doanh nghiệp du lịch là nòng cốt, là động lực phát triển của du lịch VN
Cần xem các doanh nghiệp du lịch là nòng cốt, động lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam ở cấp độ vĩ mô. Ngoài ra, để có thể tận dụng cơ hội của hội nhập và vượt qua thách thức, Chính phủ tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch hơn nữa, đồng thời bản thân các doanh nghiệp du lịch cũng phải nỗ lực chủ động triển khai các biện pháp nhằm đối phó với khó khăn và tận dụng thời cơ mà hội nhập đem lại như: nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng sản phẩm du lịch; xây dựng uy tín, thương hiệu; chú trọng nghiên cứu thị trường, khảo sát và đầu tư những sản phẩm du lịch mới, có chất lượng; tham gia các sự kiện du lịch trong nước và quốc tế; duy trì ổn định giá cả dịch vụ...[7]
3. KẾT LUẬN
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế quốc gia nói riêng và kinh tế ASEAN nói chung. Ở góc độ thế giới, du lịch chiếm vị trí hàng đầu trong thương mại toàn cầu, được coi là ngành xuất khẩu và tạo việc làm lớn nhất thế giới. Theo Tổ chức Du lịch thế giới, trong thế kỷ XXI, du lịch trở thành hoạt động kinh tế quan trọng nhất trên phạm vi toàn cầu. Với vai trò ngày càng tăng của ngành Du lịch, ngày càng nhiều quốc gia coi trọng phát triển du lịch, coi du lịch là động lực chính để phát triển kinh tế-xã hội.  
Toàn khối ASEAN năm 2015 sẽ tiến tới một cộng đồng “thống nhất trong đa dạng”, tiếp tục là tổ chức hợp tác khu vực mở và có vai trò quan trọng ở Châu Á-Thái Bình Dương. Do vậy, liên kết ASEAN sâu rộng hơn trong ba lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội là những tính toán chiến lược quan trọng. Việc xem xét lợi ích của quốc gia nói chung và lợi ích ngành du lịch nói riêng phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể, xuyên suốt, trong đó không thể xem nhẹ việc giáo dục đào tạo tay nghề chuyên nghiệp của con người làm du lịch Việt Nam.

Bài được đăng trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Toàn cầu hóa du lịch, địa phương hóa du lịch”. Trường Cao đẳng Văn hóa, nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn ngày 6,713/2015

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Báo Hải Quan (2014), Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội và thách thức cho DN.
[2]. Báo Nông Nghiệp Việt Nam (2014), Năm 2014 năm “khởi sắc” của đào tạo nghề,  số ra ngày 24/02/2014
[3]. Dự án EU (do Liên minh Châu Âu tài trợ), Đề xuất chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2020 & Kế hoạch hành động: 2013-2015.  
[4]. Tổ chức lao động quốc tế (ILO) (2010), Phát triển và thách thức trong ngành khách sạn và du lịch, Bài trình bày tại Diễn đàn đối thoại toàn cầu về Ngành khách sạn, ăn uống và du lịch, Giơ-ne-vơ 23-24/11/2010.  
[5]. Tổng cục du lịch (2013), Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Nxb Lao động Xã hội, Hà Nội. tr 104,129.
[6]. Hội thảo “Giải pháp phát triển nghề nghiệp hướng đến ASEAN 2015”, tổ chức ngày 16/11/2013, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM).
[7]. Thu Thủy (2013), Doanh nghiệp du lịch là nòng cốt, động lực phát triển của ngành du lịch, Báo QĐND. Thứ tư, 04/12/2013 | 15:47 GMT+7
CÁC WEBSITE
[01]. www.tvet-vietnam.org  
[02]. www.chinhphu.vn
[03]. www.vtcb.org.vn
[04]. www.huongnghiep24h.net
[05].www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét