Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

MÔ HÌNH XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU DU LỊCH ĐỊA PHƯƠNG


TÓM TẮT
Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch cho một địa phương tức là thúc đẩy các tính năng của địa phương đó nhằm đưa ra những cam kết phù hợp và hấp dẫn cho các đối tượng mục tiêu. Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch cho một địa phương không phải là một chiến dịch quảng cáo hay một khẩu hiệu, thay vào đó là một tầm nhìn được chia sẻ sâu sắc, cảm xúc hơn gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi hoạt động, từ hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch, thương mại đến các chính sách quản lý đô thị và hấp dẫn dân nhập cư. Mô hình xây dựng thương hiệu du lịch địa phương được đề xuất gồm năm trụ cột: Định hình khai thác tài nguyên du lịch phong phú, có tính đặc thù; Khai thác và phát triển nền ẩm thực đặc trưng mang màu sắc độc đáo; Quà tặng đặc trưng mang sắc thái địa phương , có giá trị riêng biệt; Ý thức cộng đồng và sự sẵn sàng đón tiếp khách du lịch của địa phương; Sự hưởng ứng và trách nhiệm của du khách khi tham gia du lịch.
ABSTRACT
Building up and brand development for a local tourism promotion local features in order to offer appropriate commitments and appealing to the target audience. Building up and brand development for a local tourism is not an advertising campaign or a slogan, instead of a shared vision deeply, emotionally more powerful influence on all activities, from investment promotion, tourism promotion, trade policy to manage intriguing urban and immigrants. Model building local tourism brand is proposed five pillars: Shaping exploiting rich tourism resources, has a peculiarity; Exploitation and development of the characteristic culinary unique colors of the local separate; Gifts featured local nuances unique, distinctive value; The sense of community and welcomes the readiness of local tourism; The responses and the responsibilities of participating travelers traveling.
Keywords: mô hình năm trụ cột; thương hiệu du lịch địa phương; thương hiệu địa phương, mô hình du lịch thành công;  
1. Giới thiệu
Nhiều nước trên thế giới, thương hiệu địa phương (state branding, city branding, place branding, destination branding) đang dần phổ biến, mang lại lợi thế cạnh tranh, sự vượt trội, phát triển bền vững hơn so với địa phương, quốc gia còn thụ động khác. Các nhà quản lý cho rằng chính quyền là của người dân, phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp và xem địa phương là một thực thể nên phải có một thương hiệu. Dưới góc độ du lịch, thương hiệu du lịch địa phương không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho chính quyền, mà còn tạo ra những hiệu ứng tốt về hiệu quả đầu tư, thị trường bên ngoài, kích thích nội lực bên trong, làm thăng hoa các giá trị bản sắc dân tộc, mang lại lợi ích lâu bền trong chiến lược phát triển của địa phương. Một địa phương có thương hiệu du lịch sẽ hấp dẫn, độc đáo hơn, là nền tảng để biến một địa phương trở thành nơi thu hút đầu tư, điểm đến du lịch và là một nơi sống lý tưởng. Trong một thế giới cạnh tranh quyết liệt nhằm thu hút các nguồn lực kinh tế, vốn đầu tư, con người, tài nguyên cho các địa phương, các thành phố, phần thắng sẽ nghiêng về những địa phương xây dựng được một hình ảnh hấp dẫn, được định vị rõ ràng và có niềm tin tưởng lớn. Có được điều này không chỉ bằng các chính sách công mà còn cần một chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch địa phương hiệu quả, có trách nhiệm và lâu dài.  
 2. Thực trạng xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch các địa phương Việt Nam trong thời gian qua
Tính đến nay chưa có một dự án xây dựng thương hiệu du lịch địa phương nào thực sự thành công. Chúng ta từng đề cập đến các vấn đề mang tầm vóc chiến lược như thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương, thương hiệu thành phố ở Việt Nam nhưng trên thực tế thì các khái niệm xây dựng thương hiệu địa phương, thương hiệu địa phương du lịch nói trên vẫn còn nhiều người hiểu một cách khá mơ hồ.
Một số địa phương đã có ý thức xây dựng thương hiệu, như Tp.HCM, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Lạt… nhưng hầu như chỉ mới ở giai đoạn tạo ra nhận thức, bằng các chuỗi sự kiện thường niên như Tp.HCM có đường hoa Nguyễn Huệ, Đà Nẵng có liên hoan pháo hoa quốc tế, Huế có Huế festival, Nha Trang có các cuộc thi sắc đẹp hoàn vũ, Đà Lạt có lễ hội hoa… từng đó là chưa đủ để xây dựng một thương hiệu đã định vị mang tính chiến lược lâu dài cho các địa phương này. Các giá trị mà các thành phố này hứa hẹn mang đến cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước hoặc thu hút du lịch thường xuyên, vẫn chưa đủ mạnh và xác thực rõ ràng.
Chiến lược thương hiệu địa phương du lịch là chìa khóa thu hút nguồn nhân lực, vốn đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, du lịch, văn hóa, xã hội. Có chính sách đúng đắn, quy hoạch tổng thể khoa học, nhưng không có một chiến lược thương hiệu du lịch mạnh, thì mọi nỗ lực của chính quyền địa phương khó có thể được biết đến một cách rộng rãi, quan trọng hơn khó có thể là điểm đến thực sự đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách du lịch.
Hầu hết chúng ta đều quan niệm rằng, xây dựng thương hiệu quốc gia và địa phương là xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm, dịch vụ cụ thể. Trong khi đó, phần lớn thương hiệu địa phương hay thương hiệu quốc gia không mang những ý nghĩa đặc trưng lý tính, mà dựa vào các giá trị cảm xúc.
Ví dụ Biểu tượng “Swiss Made” mang ý nghĩa giá trị hoàn hảo tinh tế của mọi sản phẩm sản xuất tại Thụy Sĩ, còn biểu tượng “Made in Japan” là đặc trưng cho chất lượng vượt trội của các sản phẩm Nhật Bản. Thành phố Canne được định vị như điểm đến của mọi sự kiện văn hóa và hội nghị quốc tế. Las Vegas là thành phố giải trí dành cho người lớn… Việt Nam và các địa phương của Việt Nam vẫn chưa có một chính sách rõ ràng và nhất quán, để xây dựng lên các giá trị vô hình như vậy.
Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương đã từng có một chương trình gọi là “Vietnam Value”, xác nhận chất lượng cho các sản phẩm đạt được một loạt các tiêu chí nhất định là một nỗ lực lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, danh hiệu này lại không có được một vị trí xác lập giá trị đối với người tiêu dung, các nhà đầu tư cũng như du khách bởi nó, chưa gắn kết với các giá trị định vị quốc gia. Các thành phố, tỉnh thành của Việt Nam muốn cạnh tranh hiệu quả trong chiến lược thu hút nguồn lực, thu hút đầu tư cũng như du khách từ các thị trường khác trong khu vực, bắt buộc họ phải có một chiến lược thương hiệu địa phương ngay từ bây giờ.
Qua phân tích trên, có thể khẳng định vấn đề thương hiệu địa phương nói chung và thương hiệu du lịch địa phương nói riêng ngày càng quan trọng. Không bao giờ là muộn khi việc xây dựng thương hiệu du lịch địa phương là yếu tố quyết định, góp phần mang lại sự thành công của mỗi quốc gia trên nhiều lĩnh vực. Tiềm năng du lịch Việt Nam to lớn nên việc đổi mới cách tiếp cận, phương thức xây dựng thương hiệu là cần thiết và hữu ích. Quan tâm, đầu tư, có hướng đi đúng trong công tác xây dựng thương hiệu, chắc chắn hình ảnh du lịch Việt Nam ngày càng được củng cố và sẽ khẳng định vị trí vững chắc trên bản đồ du lịch thế giới. [1]
3. Những hạn chế trong xây dựng thương hiệu du lịch địa phương tại Việt Nam
Nhiều nguyên nhân hạn chế việc phát triển thương hiệu du lịch địa phương đã được tổng kết và phát biểu tại các hội nghị trong nước, đại loại như:
- Chưa có các chính sách ưu đãi về vốn, về thuế đối với các hoạt động du lịch nên chưa có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
- Chưa có đầu tư thích đáng của nhà nước cho việc phát triển cơ sở hạ tầng ở các điểm du lịch, nên đã hạn chế rất lớn đến sự phát triển của ngành du lịch địa phương.
- Chưa tạo ra được các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, đặc sắc và khác biệt, có tính hấp dẫn khách cao.
- Giá cả của sản phẩm du lịch còn cao, chất lượng còn thấp nên chưa cạnh tranh được với các sản phẩm du lịch cùng loại của các địa phương khác, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách.
 - Ở các điểm du lịch còn ít các dịch vụ và các sản phẩm có chất lượng cao, hấp dẫn khách du lịch.
- Chất lượng của đội ngũ nhân viên phục vụ trong các cơ sở du lịch mặc dù đã được đầu tư đào tạo, song vẫn còn hạn chế về trình độ nghiệp vụ, khả năng giao tiếp chưa cao (nhất là khả năng giao tiếp tiếng Anh) nên ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và chất lượng các sản phẩm du lịch.
- Các cơ sở vui chơi giải trí, thể thao còn rất nghèo nàn và hầu như chưa có gì nên không giữ được khách lưu trú dài ngày.
 - Công tác tổ chức tiếp thị, tuyên truyền quảng cáo còn hạn chế.
- Việc tổ chức kết nối tour đưa đón khách chưa tốt.
Xây dựng thương hiệu du lịch địa phương với điều kiện cần phải có là tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm du lịch. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở việc tổ chức xây dựng, xúc tiến quảng bá và quản lý chất lượng các sản phẩm du lịch. Sản phẩm du lịch đặc trưng phải có tính cạnh tranh với các dịch vụ có chất lượng tương xứng, gắn với việc phát triển thương hiệu du lịch đồng thời mỗi nguời dân sống trong vùng du lịch phải thật sự trở thành những đại sứ thiện chí, quảng bá cho thuơng hiệu du lịch của địa phương đó.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, ngay từ bây giờ các địa phương du lịch phải hoạch định chiến lược phát triển du lịch tổng thể về sản phẩm, thị trường; xây dựng thương hiệu và xúc tiến quảng bá; bồi dưỡng nguồn nhân lực; tăng cường cơ chế phối hợp, đề cao môi trường, áp lực gia tăng dân số ở những khu vực nhạy cảm. Hơn thế nữa, cần một chiến lược phát triển du lịch hết sức có trách nhiệm, lâu bền thể hiện trong việc sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên du lịch, tôn trọng các giá trị văn hóa, đảm bảo các hoạt động kinh tế, xã hội lâu dài và điều quan trọng nhất là làm sao cho người dân thấy được rằng mỗi người dân tại địa phương đều được hưởng lợi từ thành quả đó.[2]  
4. Một vài mô hình du lịch địa phương thành công trên thế giới và tại Việt Nam  
4.1. Singapore
 Du lịch Singapore là một trong những ngành quan trọng của kinh tế đảo quốc Singapore. Du lịch Singapore phát triển nhờ vào yếu tố đa dạng văn hóa do Singapore là nơi sinh sống của các cộng đồng dân cư người Hoa, người Mã Lai, người Ấn Độ và người Ả Rập. Ngành du lịch quốc gia này cũng phát triển dựa vào môi trường xanh và sạch. Người Singapore tổng kết rằng, năm yếu tố tạo thành công cho du lịch Singapore bắt nguồn từ năm chữ  A trong tiếng Anh là: điểm thắng cảnh (Attractions), phương tiện giao thông (Accessibility), cơ sở tiện nghi (Amenities), các dịch vụ hổ trợ (Ancillary services) và sự điều chỉnh phù hợp về chính sách (Adjustment).[3]



                    H.1 Lý Quang Diệu – người đặt nền móng cho thương hiệu Singapore
Ảnh: báo Tuổi Trẻ
4.2. Thành phố Regina (Canada)
Để có thể phát triển một thương hiệu địa phương mạnh, chính quyền thành phố Regina (Canada) đã nhìn nhận một cách trung thực ấn tượng tiêu cực về nơi này và từ đó đã xây dựng được một hình ảnh thương hiệu phản ánh những cơ hội tiềm năng, phong phú của thành phố. Bằng cách lắng nghe người dân và những thành viên là các đối tượng thính giả khác nhau ở các thành phố khác nhau trên cả nước, thành phố này đã có thể khám phá và nêu bật được bản sắc của mình cũng như những phản đối của người dân đối với thành phố. Đó cũng là nguyên nhân đã biến thành phố vốn mang tiếng là “đồng cỏ vô vị” này trở thành một “chân trời bất tận” với những cơ hội ngày đang trải rộng.
4.3. Quảng Ninh đi đầu trong xây dựng thương hiệu địa phương ở Việt Nam [4]
Tại Việt Nam, Quảng Ninh được xem là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng thương hiệu du lịch địa phương (place tourism branding). Xây dựng thương hiệu du lịch là tiến trình tiếp sau giai đoạn quy hoạch và xúc tiến đầu tư, nhằm truyền thông hình ảnh nhất quán của địa phương đến các khu vực thị trường mục tiêu; cạnh tranh hiệu quả trên thị trường nội địa và quốc tế, thu hút nhà đầu tư, kinh doanh, du lịch và nhân lực cho địa phương; tăng niềm tin, thiện cảm, tình yêu của đối tác, khách du lịch và người dân với tỉnh Quảng Ninh. Để đeo đuổi chiến lược, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên thành lập Hội đồng thương hiệu Quảng Ninh (Quang Ninh Branding Council) có sự tham gia cố vấn của đội ngũ chuyên gia thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước nhằm xây dựng, triển khai thương hiệu địa phương.   
Để quá trình xây dựng du lịch địa phương thành công, không thể phủ nhận vai trò của truyền thông trong việc tuyên truyền chủ trương chính sách, phản biện xã hội và cung cấp thông tin quan trọng, hữu ích cho công chúng. Một vai trò khác, thể hiện rõ ràng hơn của báo chí là hỗ trợ xây dựng hình ảnh của các doanh nghiệp, thương hiệu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, làm giàu cho xã hội. Sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa chính quyền địa phương và các cơ quan truyền thông trong việc khai thác các thế mạnh của địa phương, quảng bá các hoạt động tích cực, những chuyển biến đáng kể trong chính sách thu hút đầu tư, thu hút nhân tài, hỗ trợ cho tỉnh trong chiến lược xây dựng thương hiệu địa phương là những điều không bao giờ được quên.
5. Ảnh hưởng tích cực của một thương hiệu du lịch địa phương thành công
Xây dựng thương hiệu du lịch địa phương là một quá trình mang tính chiến lược để phát triển một tầm nhìn dài hạn cho một địa phương. Với mục tiêu gắn kết và hấp dẫn các đối tượng liên quan nên nó chi phối và định hình nhận thức tích cực về một địa phương đó.
Mục tiêu mong muốn của một thương hiệu du lịch địa phương thành công thường là:
- Thu hút dân cư mới, doanh nghiệp, thu hút đầu tư và sự kiện lớn, giữ vai trò cạnh tranh với các địa phương khác.
- Thay đổi nhận thức về hình ảnh yếu kém của địa phương đối với các thành phần đối tượng bên ngoài và nội bộ.
- Tạo ra một viễn cảnh chung cho tương lai của cộng đồng và tiềm năng của địa phương đó.
- Xây dựng một hình ảnh nhất quán về địa phương;
- Tăng cường, nâng cao nhận thức về định vị của địa phương trong khu vực, cấp quốc gia và phạm vi toàn cầu.
- Gỡ bỏ các quan niệm cố hữu bất lợi liên quan đến địa phương và làm cho nó thêm hấp dẫn.
Điều quan trọng nhất trong xây dựng thương hiệu địa phương là sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương. Bởi điều kiện tiên quyết để đạt đến thành công là nhận thức của lãnh đạo và sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng. Lê Nghiêm (2014).
6. Đề xuất Mô hình “Xây dựng thương hiệu du lịch địa phương”  
Theo tác giả, xây dựng thương hiệu du lịch một địa phương thành công cần có chiến lược phát triển thương hiệu du lịch địa phương hoàn thiện, chi tiết, thiết thực, hiệu quả. Ngoài những vấn đề trọng tâm chính, chiến lược đó phải có đủ năm thành phần trụ cột sau đây:
 

                        H.2 Sơ đồ mô hình 5 thành phần trụ cột được biểu thị bằng hoa năm cánh

6.1. Định hình khai thác tài nguyên du lịch phong phú, có tính đặc thù
Tài nguyên du lịch của một địa phương gồm tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn (nếu địa phương có sẵn tài nguyên tự nhiên thì tốt, không có thì tự tạo lập). PGS.TS. Trương Quốc Bình (Viện Nghiên cứu Văn hóa, Nghệ thuật Việt Nam) đã đề xuất giải pháp khai thác các yếu tố văn hóa, văn nghệ truyền thống cho phát triển du lịch, trên cơ sở khẳng định những vị trí vai trò quan yếu của các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các bảo tàng cùng sự đặc sắc, phong phú của các di sản văn hoá phi vật thể....
Ví dụ Xây dựng sản phẩm du lịch (nhân văn) nhằm tạo thương hiệu cho địa phương (kinh nghiệm từ thành phố Điện Biên Phủ).
Từ thực tế lịch sử Điện Biên, chính quyền thành phố ra ý tưởng Xây dựng hình tượng lịch sử ''Đêm chiến trường'' ở Điện Biên Phủ. Đây sẽ là sản phẩm du lịch đặc thù duy nhất có trên địa bàn một thành phố lịch sử như thành phố Điện Biên Phủ của Việt Nam. “Đêm chiến trường” sẽ diễn ra trên không gian thành phố Điện Biên Phủ, trong thời gian đêm mồng 6 chuyển sang ngày mồng 7 tháng 5 hàng năm. Trong đêm này, cần phục dựng, tái hiện lại hình ảnh một đêm như những đêm chiến trường khốc liệt đã từng diễn ra ở nơi đây vào những ngày đầu tháng 5 năm 1954. Đó là những thời khắc lịch sử không bao giờ lặp lại, sẽ là ấn tượng không thể nào quên với những ai đã trải qua, để lại ấn tượng sâu sắc với những người sinh thời hậu chiến, không trải qua các cuộc chiến tranh.
6.2. Khai thác và phát triển nền ẩm thực đặc trưng mang màu sắc độc đáo riêng biệt của địa phương (Các thức ăn, thức uống phục vụ cho khách du lịch).
Ẩm thực là yếu tố quan trọng góp phần định vị thương hiệu du lịch địa phương. Đối với bất cứ một quốc gia điểm đến nào, trong danh mục sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, cả vật thể và phi vật thể phục vụ khách du lịch, thì các món ăn và cả thức uống luôn được nhìn nhận là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để hấp dẫn du khách. Ẩm thực sẽ tạo thêm dấu ấn đối với du khách về điểm đến tại địa phương đó.Việt Nam là một quốc gia phong phú nền ẩm thực, đa dạng khẩu vị mang đặc trưng rất riêng so với ẩm thực thế giới. Âm thực từng địa phương ở Việt Nam cũng rất phong phú, đa dạng và mang màu sắc riêng biệt. Một chuyên gia ẩm thực nổi tiếng từng mong muốn “Việt Nam sẽ trở thành bếp ăn của thế giới” trong tương lai. Qua đó, từng địa phương ở Việt Nam nên hiểu và biết lựa chọn nền ẩm thực độc đáo cho mình khi xây dựng thương hiệu du lịch địa phương.
6.3. Quà tặng đặc trưng mang sắc thái địa phương độc đáo, có giá trị riêng biệt  
Theo nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, quà tặng du lịch là những sản phẩm lắng đọng hồn văn hóa dân tộc, địa phương, vùng miền. Về mặt giao tiếp, quà tặng còn là đại sứ thiện chí chuyển tải những thông điệp nhân văn, giúp bạn bè năm châu hiểu được một phần nào đó về lịch sử và chiều sâu văn hóa hàng ngàn năm của Việt Nam nói chung và từng địa phương nói riêng.
TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông cho rằng, từ xưa đến nay sản phẩm quà tặng thường xoay quanh ba lĩnh vực tiêu biểu gồm: Cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng; di sản do các thế hệ đi trước tạo dựng và lưu truyền đến đời sau; sản phẩm lao động do khối óc bàn tay con người sáng tạo nên.
Nhiều địa phương của Việt Nam chưa tìm ra được những sản phẩm đặc trưng để quảng bá cho hình ảnh địa phương của mình. Trong bối cảnh, nhiều tỉnh, thành trên cả nước vẫn loay hoay với việc tìm sản phẩm quà tặng thể hiện “hồn đất, hồn người”, thì Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương đầu tiên tổ chức hội thảo “Tìm kiếm ý tưởng thiết kế và sản xuất quà lưu niệm phục vụ du lịch”. Qua hội thảo, rất nhiều ý tưởng về bộ sản phẩm quà tặng của Bà Rịa-Vũng Tàu được định hình. Tuy vậy, việc đưa những ý tưởng ấy vào thực tế lại là băn khoăn của nhiều người. Hiện tại thì các sản phẩm lưu niệm bày bán trên địa bàn tỉnh còn nghèo nàn, chưa thể hiện được đặc trưng của Bà Rịa-Vũng Tàu.
Kinh nghiệm của Đồng Tháp với hình tượng “Bé Sen” trong mắt du khách
 Cuối tháng 6/2014, biểu tượng “Bé Sen” do Công ty Say Cheese thiết kế được UBND tỉnh chọn làm biểu tượng quảng bá hình ảnh của Đồng Tháp (linh vật Đồng Tháp). Trước đó, hình ảnh “Bé Sen” đã đi vào lòng nhiều du khách gần xa. Linh vật Đồng Tháp là hình ảnh “Bé Sen” khỏe khoắn, tươi mới và năng động được cách điệu từ hoa sen và sáng tạo dựa trên 3 màu sắc chủ đạo là xanh, hồng, vàng. Bé Sen là biểu tượng giàu sức biểu đạt, mang trong mình tất cả những gì tinh túy, đượm chất nhất của đất sen hồng. Đó là hình ảnh của tương lai, sự phát triển mạnh mẽ, sự thích ứng với những đổi thay.

               


                     H.3 Biểu tượng “Chú bé sen” – sản phẩm quà tặng đặc trưng của Đồng Tháp
                                                                    Ảnh: báo Đồng Tháp

Gần đây, những hình ảnh “Bé Sen”, sản phẩm “Bé Sen” được trưng bày tại một số điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh như Khu Di tích Xẻo Quít, Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu Đồng Sen Tháp Mười,... đã mang đến cho du khách cảm giác thoải mái và thấy yêu hơn vùng đất mà mình đặt chân đến. Các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh đang từng bước khắc phục những tồn tại, yếu kém để phục vụ du khách. Hình ảnh “Bé Sen” được đặt tại một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh hay các buổi hội thảo, hội nghị, đặc biệt tại một số điểm tham quan du lịch đã góp phần tạo nên nét tươi mới, thu hút sự chú ý, thích thú của du khách, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh Đồng Tháp đến du khách gần xa. [5]
6.4. Ý thức cộng đồng và sự sẵn sàng đón tiếp khách du lịch của địa phương
Đây thành phần quan trọng nhất, chúng ta chú ý 3 điểm chính yếu sau:
6.4.1. Sự tham gia của cộng đồng
Kinh nghiệm từ thành phố Regina (Canada), đặc trưng lớn nhất của sáng kiến xây dựng thương hiệu địa phương Regina là nó được hưởng ứng bởi cộng đồng. Người quản lý thương hiệu địa phương của Regina nhấn mạnh sự tham gia của cộng đồng là phần quan trọng nhất khi khám phá những tiềm năng và cơ sở của Regina, đây chính là điểm khiến Regina trở nên khác biệt và đó là một phần quan trọng tạo nên bản sắc thương hiệu địa phương của họ.
6.4.2. Truyền thông báo chí và việc kiểm soát truyền thông nội bộ
Truyền thông báo chí và việc kiểm soát truyền thông nội bộ là việc làm rất quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu địa phương. Kiểm soát truyền thông nội bộ là một quá trình đánh giá nỗ lực trao đổi thông tin hiện tại. Kiểm soát truyền thông đặt câu hỏi xem một tổ chức trao đổi thông tin như thế nào và việc trao đổi đó có hiệu quả hay không. Người quản lý thương hiệu hoặc truyền thông của thành phố thông thường cũng là người đánh giá hiệu quả truyền thông. Bên cạnh đó, một công ty bên ngoài cũng được thuê để có thể hỗ trợ ý tưởng cho việc xây dựng thương hiệu địa phương. Kết quả đánh giá sẽ cho phép xác định vị trí thương hiệu hiện tại của thành phố, xác định những thiếu sót để xây dựng nền tảng cho các nghiên cứu tiếp theo. Kết quả quá trình đánh giá này sẽ được trình bày với các bên liên quan. Ở Regina, cả hai bên, nhà quản lý thương hiệu và công ty truyền thông đều tham gia vào việc đánh giá truyền thông nội bộ. Nhà quản lý thương hiệu cộng tác với công ty để tập hợp những thông tin nổi bật trong khi công ty đưa ra ý kiến đánh giá và phân tích nội dung,
6.4.3. Nỗ lực tích cực của chính quyền địa phương
Cơ quan quản lý nhà nước trong việc nhận thức và ra chính sách quản lý du lịch.
6.5. Sự hưởng ứng và trách nhiệm của du khách khi tham gia du lịch
6.5.1. Sự hưởng ứng của du khách khi tham gia du lịch
Kinh nghiệm từ Singapore cho thấy, Ông Lý Quang Diệu đã thực hiện một loạt sáng kiến thân thiện với khách du lịch: Night Safari (sở thú đêm đầu tiên trên thế giới), Flyer (vòng quay khổng lồ), nhà hát Esplanade (trung tâm biểu diễn nghệ thuật), Marina Bay Sands (khu nghỉ dưỡng ở vịnh Marina). Với những sáng kiến đó, ông tiếp thị những địa điểm này của đất nước Singapore ra toàn thế giới. Năm 2014, lượt du khách quốc tế tới Singapore là 15,1 triệu người trong khi quốc đảo này chỉ có dân số khoảng 5,5 triệu người. Năm 2015, nước này đặt mục tiêu 17 triệu du khách và dự kiến thu về 30 tỷ đôla Singapore. Với những con số ấn tượng đó, hòn đảo nhỏ bé này đứng thứ 15 trên thế giới về doanh thu du lịch. Có thể nói các chiến lược du lịch mà ông Lý Quang Diệu đặt ra đã hiện thực hóa tầm nhìn của ông ngày nào. [6]
Một minh chứng khác, tại một sự kiện khi một nhà báo hỏi tại sao người ta lại muốn đến Singapore khi mà không có gì để thăm thú, không thắng cảnh, không văn hóa, không hoạt động, không khách sạn, không cơ sở hạ tầng. Ông Lý Quang Diệu không ngần ngại một giây mà trả lời luôn rằng: “Nhận thức. Người ta đến không phải vì ở đây có gì, mà vì những gì người ta nghĩ có ở đây. Tất cả đều nhờ tiếp thị”. Cụ thể hơn, ông Lý Quang Diệu nói với tờ Strait Times năm 1993: “Tại sao người ta đến Singapore? Chúng ta có những gì? Chúng ta chỉ có một cái tên, một vài thói quen, phong tục là lạ, vài ông đồng bà cốt, vài ngôi đền, mấy người Ấn có tài đi trên than đỏ… Đó không phải là thứ sẽ hút khách du lịch. Thay vào đó, chúng ta tạo ra sức hút. Chúng ta tạo ra mối quan tâm cho du khách. Chúng ta phát triển chiến lược tiếp thị và khiến chúng ta trở nên hữu ích với thế giới”.  
6.5.2. Trách nhiệm của du khách khi tham gia du lịch
Địa phương điểm đến phải giúp khách du lịch nâng cao ý thức bảo vệ môi trường du lịch, sử dụng sản phẩm du lịch địa phương, mua quà lưu niệm du lịch tại địa phương họ đến.
Nếu không có nỗ lực, hợp tác tốt từ bên trong thì không có du khách có trách nhiệm đến từ bên ngoài, do vậy lực lượng làm nên thành công của thương hiệu du lịch địa phương chính là du khách (Kinh nghiệm từ Singapore).
Làm sao để du khách đến địa phương chúng ta? Và làm sao khi khách đến là họ phải có trách nhiệm sử dụng các đặc sản và quà lưu niệm của địa phương (uống bia địa phương, ăn món ăn địa phương, mua quà lưu niệm địa phương)?
Tổ chức nghiên cứu nhu cầu của khách du lịch về chất lượng dịch vụ du lịch và sự hài lòng của khách du lịch với điểm đến và với dịch vụ du lịch được cung ứng, có thể nghiên cứu theo từng phân đoạn thị trường.
7. Kết luận
Việc nhận thức và xác định đúng mô hình khi xây dựng “Thương hiệu du lịch địa phương” là việc làm có ý nghĩa và thực hiện nó trong thời điểm này là phù hợp vì điều kiện và hạ tầng hiện có đủ đáp ứng trong việc triển khai thực hiện. Mọi người dân tại các địa phương toàn tâm toàn lực cùng các cơ quan quản lý địa phương khi bắt tay làm thương hiệu du lịch chắc chắn sẽ đẩy mạnh sự thành công ngành du lịch địa phương đó, nhiều địa phương cùng thực hiện như vậy sẽ thúc đẩy thương hiệu du lịch quốc gia thành công hơn. Có đủ nhận thức và trình độ để chuyển hóa tri thức còn ẩn tàng trong nhân loại là một việc làm thông thái, tích cực của các nhà kỹ trị địa phương. Doanh nghiệp lấy khoa học công nghệ, lấy sự đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển kinh tế lâu dài, ổn định đó chính là cách góp phần gầy dựng vốn bền vững nhất cho các địa phương tại Việt Nam.

Bài tham gia Hội thảo Quốc tế “Các loại hình du lịch hiện đại”
            Trường Cao đẳng Văn hóa, nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn ngày 10/2016 

8. Tài liệu tham khảo
[1]. Ths. Phạm Quang Hưng, Đổi mới nhận thức và phương thức xây dựng Thương hiệu điểm đến, 2014, http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/15536
[2].http://haiphong.gov.vn/Portal/Detail.aspx?Organization=vhtt&MenuID=3152&ContentID
[3]. Nguyễn Hương, Giải pháp nâng cao sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch Hà Nội,
[3]. (Theo tuoitre.com.vn).
[4]. (Quảng Ninh – hội tụ và lan tỏa)
[5]. (Hữu Nghĩa - Hình ảnh “Bé Sen” trong mắt du khách, Đồng Tháp)
[6]. Lý Quang Diệu - Biểu tượng của đất nước Singapore thịnh vượng
[7].http://lequocvinh.com/2015/01/xay-dung-thuong-hieu-dia-phuong-trong-tong-the-chien-luoc-canh-tranh-phat-trien-kinh-te/
[8]. http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/15536  
[10].http://www.baodongthap.com.vn/newsdetails/1D3FE187395/Hinh_anh_Be_Sen_trong_mat_du_khach.aspx

1 nhận xét:

  1. Bài viết của thầy rất hay, em xin phép được tham khảo ạ

    Trả lờiXóa