Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

PHÁT TRIỂN LOẠI HÌNH DU LỊCH TRẢI NGHIỆM THÔNG QUA KHAI THÁC GIÁ TRỊ ẨN TÀNG CỦA VĂN HÓA LÀNG, BIỂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU


TÓM TẮT
Bài báo giới thiệu những giá trị ẩn tàng và tiềm năng phong phú của văn hóa làng, biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT). Thông qua việc khai thác các giá trị ẩn tàng của văn hóa làng, biển ở địa phương. Có thể khẳng định rằng, hiệu quả mang lại từ tiềm năng còn ẩn tàng của tỉnh BR-VT để phát triển du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm là to lớn. Phát triển và khai thác đúng hướng các giá trị văn hóa ẩn tàng tạo động lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương BR-VT một cách hợp lý, đồng bộ và bền vững.
ABSTRACT
The article introduces the hidden value and potential richness of the local culture of the village, sea Ba Ria Vung Tau province. Through the exploitation of the hidden value of the cultural village, local sea can confirm that the result gained from the potential of the BR-VT to develop sea tourism, cultural tourism, tourists experience was great. Develop and exploit the right direction would be the driving force for economic development, culture, local society BR-VT logically, synchronized and sustained.
Keywords: du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, văn hóa làng biển, khai thác giá trị lễ hội, du lịch lễ hội.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Lịch sử Việt Nam gắn liền với các thôn xóm và làng nghề. Thôn xóm và làng nghề chính là cầu nối cho sự phát triển kinh tế của đất nước qua các thời kỳ, cầu nối giữa nông nghiệp, thương nghiệp và công nghiệp, giữa nông thôn và thành thị, giữa truyền thống và hiện đại, là bước tiến quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Qua bao năm tháng, các thôn xóm và làng nghề đã góp phần đáng kể cho sự tồn vong, sự phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết được công ăn việc làm và nâng cao mức sống cho nông dân làng nghề. Quá trình phát triển thôn xóm và làng nghề ở Việt Nam trải qua không ít những thăng trầm. Có thôn xóm và làng tồn tại và phát triển khá mạnh, có thôn xóm và làng đã và đang bị mai một dần và các giá trị ẩn tang cũng có khả năng biến mất nếu không được quan tâm chăm sóc, bảo tồn hợp lý. Trong khó khăn đó, phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch biển, đặc biệt là du lịch trải nghiệm như là một cứu cánh giúp các thôn xóm nói chung và các làng nghề nói riêng có những biến chuyển khích lệ, trở thành một trong những lĩnh vực đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.    
Bà Rịa-Vũng Tàu là một tỉnh ven biển có chiều dài bờ biển khoảng 100 km nên thôn xóm ở BR-VT chịu ảnh hưởng rất lớn từ biển. BR-VT còn có những thế mạnh lớn về tự nhiên, kinh tế, xã hội, tài nguyên du lịch, bề dày giá trị nhân văn và là khu vực sinh thái đặc sắc đa dạng, trong sự giao thoa giữa các dòng người trong quá trình di chuyển, định cư và phát triển tỉnh BR-VT. Do nhiều lý do, tỉnh BR-VT vẫn còn chưa tận dụng hết khối tài nguyên to lớn, đặc sắc, đặc biệt là khai thác các giá trị ẩn tàng, các tài nguyên nhân văn mà điển hình là nét văn hóa các thôn xóm và làng nghề ven biển. Sự kết hợp điều kiện địa lý tự nhiên với các giá trị nhân văn để phát triển du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn bên cạnh các ngành dầu khí và logistic cho tỉnh BR-VT là một chuyện cần thiết phải quan tâm sâu sắc.   
2. GIỚI THIỆU GIÁ TRỊ ẨN TÀNG VÀ TIỀM NĂNG VĂN HÓA LÀNG, BIỂN TỈNH BR-VT
Từ rất lâu, địa phương BR-VT có đời sống văn hóa, phong tục tập quán, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng phong phú và đa dạng. Trong sự phong phú và đa dạng đó, BR-VT có những yếu tố văn hóa riêng đang còn tiềm ẩn mà các địa phương láng giềng có khi có khi không nhưng không tiêu biểu, rõ nét nhất đó là yếu tố văn hóa làng xã bản địa và yếu tố văn hóa làng biển.
2.1. Yếu tố ẩn tàng trong văn hóa bản địa
Văn hóa làng xã bản địa là phong thổ của địa phương, là những đặc điểm và ưu thế riêng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên có tác động trực tiếp đồng thời để lại dấu ấn trong đời sống văn hóa của cư dân. Văn hóa của cư dân BR-VT chứa đựng những dấu ấn phong thổ (Đinh Văn Hạnh, 2013) không phải chỉ vì sự gắn bó lâu dài của cư dân với vùng đất, mà còn vì ngay từ buổi đầu đến định cư và khai hoang mở đất, những đặc điểm địa lý riêng của vùng đất đã có những tác động nhất định đến cuộc sống của người di dân.  
Là vùng đất có những cửa biển kín gió thuận lợi về giao thông, BR-VT là nơi các di dân người Việt từ miền Trung vào sớm nhất và được khai phá sớm nhất ở Nam Bộ vào khoảng thế kỷ XVII. Từ đó cho đến giữa thế kỷ XIX, bộ mặt của vùng đất BR-VT đã có những biến đổi sâu sắc. Từ một nơi hoang vu, trước mặt là biển cả, ven biển chỉ có những bãi bồi và rừng ngập mặn, sau lưng là đồi núi, rừng rậm đã trở thành ruộng đồng, làng mạc trù phú. Tài nguyên của đất, của biển, của rừng được dày công khai thác để phục vụ cuộc sống ngày càng sung túc hơn cho con người.
Người dân Việt từ miền Trung vào là chủ thể làm nên những biến đổi to lớn ấy tại BR-VT. Họ rời miền Trung vì những lý do khác nhau, từ nhiều địa phương khác nhau, nhưng trên vùng đất mới đến họ đều chung một ý chí, một ước vọng là tạo dựng một cuộc sống no ấm, công bằng và tốt đẹp hơn. Hậu duệ của những người đi mở đất tiếp tục đoàn kết, đùm bọc nhau chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Chính tinh thần đoàn kết cộng đồng, cần cù, sáng tạo để vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách của buổi đầu mở đất, xây dựng cuộc sống mới đã hun đúc nên truyền thống tốt đẹp của nhân dân BR-VT sau này.
Do BR-VT là nơi đặt chân và khai phá sớm nhất ở Nam Bộ, vì vậy nơi đây đã trở thành cửa ngõ để tiếp nhận và là bàn đạp để các lớp dân đi sau đó tiến sâu vào đất liền và tiếp tục tiến về phương Nam. Lc ấy BR-VT là trạm dừng chân, là bước trung chuyển của các đoàn đi dân (Đinh Văn Hạnh, 2013). Chính vai trò gánh vác nhiệm vụ đó trong buổi đầu khai phá và xây dựng đã tạo cho con người BR-VT một tính cách cộng đồng, bao dung, mến khách, thương người. Truyền thống này được thể hiện rất rõ trong những thời điểm lịch sử quan trọng trong quá trình chuyển mình của BR-VT. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, BR-VT luôn là “cửa ngõ đón nhận, trung chuyển khách”. Quá trình trung chuyển dân cư cũng chính là quá trình trung chuyển các yếu tố văn hóa của các vùng miền để rồi không ít yếu tố văn hóa đã ngưng đọng, chuyển hóa và trở thành nét riêng trong sự tổng hòa văn hóa trên vùng đất BR-VT.
2.2. Yếu tố ẩn tàng trong văn hóa làng, biển
Trong quá trình lao động, khai phá vùng đất BR-VT, cư dân ở đây đã ra sức tận dụng tiềm năng, khai thác lợi thế phát triển nhiều ngành nghề, đặc biệt là đánh bắt, chế biến hải sản, làm muối…Đất đai nông nghiệp của BR-VT không nhiều và quá trình khai phá không nhanh như nhiều địa phương khác trong vùng hoặc ở miền Tây Nam Bộ.
Trong buổi đầu khai phá (thế kỷ XVII), phần lớn đất đai BR-VT bị núi rừng che phủ, vùng đồng bằng có nhiều cỏ dại mọc. Những di dân người Việt đầu tiên đến sinh sống trên vùng đất BR-VT đã khai thác tài nguyên thiên nhiên của rừng và biển vốn rất dồi dào để khai phá đất đai, xây dựng xóm làng. Phần lớn cư dân kết hợp nghề nông với khai thác lâm thổ sản, hoặc kết hợp nghề nông với việc đánh bắt thủy hải sản. Họ sinh sống chủ yếu ở ven biển phía Đông và phía Nam vùng đất BR-VT.  
Theo thời gian, cư dân đông đúc lên, ruộng đồng ngày càng phì nhiêu, ngành nghề phát triển và có sự phân công lao động theo nghề nghiệp. Có những nhóm dân cư sống chủ yếu bằng nghề nông, nghề đánh bắt thủy hải sản, nghề làm muối, nghề thủ công (đúc đồng, dệt vải, làm giấy, đan lát, làm bún, làm bánh), buôn bán… Trong đó, bộ phận dân cư sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản chiếm một tỷ lệ khá cao. Trong các thế kỷ XVIII, XIX, những làng cá ở BR-VT là những làng nổi tiếng trù phú và đông dân cư nhất trong tỉnh.
Hầu hết, những người làm nghề đánh bắt thủy hải sản đến BR-VT có nguồn gốc từ vùng “Ngũ Quảng” và chủ yếu là từ Nam Trung Bộ, vốn có truyền thống đi biển, những yếu tố văn hóa biển đặc trưng của người Chăm như tục thờ cúng cá Ông, tục thờ Bà…và khi vào định cư tại BR-VT thì đã có ít nhiều thay đổi, nét văn hóa không còn nguyên trạng với các tỉnh miền Trung nữa.
Về nghi thức, đối tượng thờ cúng, đặc điểm kiến trúc của các cơ sở tín ngưỡng dân gian ở BR-VT thể hiện sự hỗn dung tín ngưỡng hết sức rõ nét và trở thành một đặc điểm nổi bật rất đáng lưu ý. Đối tượng thờ cúng trong lễ hội của ngư dân BR-VT khá đa dạng. Sự đa dạng đó thể hiện ở số lượng đối tượng tín ngưỡng trong sinh hoạt lễ hội nói chung, ở số lượng đối tượng được phối tự trong mỗi đình, đền, miếu, lăng (dinh) Ông cá voi cụ thể và quan niệm phức hợp, nhiều quyền năng hội tụ trong một đối tượng thờ cúng trường hợp Bà Cô trong lễ hội Nghinh Cô Long Hải. Sự phối tự mang tính đặc trưng nghề nghiệp đánh bắt hải sản cá ông, Bà Cô (Nữ thần) là đối tượng thờ cúng quan trọng nhất nhưng luôn có sự phối tự kết hợp. Bên cạnh cá ông, Bà Cô (Nữ thần) là các thần khác (thần của những người làm nghề nông, thần của thương nhân, của những người làm nghề buôn bán), cả thần của nhiều dân tộc và nhiều vùng miền khác nhau...
Sự hỗn dung tín ngưỡng còn thể hiện rõ trong nghi thức cúng lễ. Có thể dễ dàng nhận thấy những chi tiết, nghi thức của cúng đình, cúng miếu ít nhiều được lặp lại trong nghi thức cúng ông cá voi, cúng bà (Ngũ Hành, Bà Cô-Long Hải). Cầu mưa, cầu an vốn là lễ nghi nông nghiệp cũng được tiến hành trong cúng lễ Nghinh Ông. Cũng dễ dàng nhận thấy sự pha trộn của nghi thức Nghinh Ông, Nghinh Bà trong các bước cúng đình. Đặc biệt, nghi thức Nghinh Cô (lễ đón cô vốn là một thiếu nữ bị chết đuối) được thực hiện tương tự nghi thức Nghinh Ông cá voi.
Các bước tiến hành và cách thức cúng lễ của ngư dân BR-VT cũng không hoàn toàn giống nghi thức trong các loại hình lễ hội tương tự ở miền Trung và Nam Bộ. Trong sinh hoạt lễ hội thì hội là phần vui chơi, giải trí. Hội của ngư dân BR-VT thể hiện sự kết hợp khá nhiều hoạt động vui chơi, giải trí của cư dân duyên hải Trung Bộ và Nam Bộ, như hát hò khoan, chèo cạn, trò múa bông mâm ngũ sắc, mâm vàng, mâm bạc và đua ghe (của vùng Bình-Trị-Thiên); đua ghe, đua thuyền thúng, hát bả trạo, tức chèo thuyền và hát bội (của vùng Nam Trung Bộ) và hát bội, xây chầu, đua ghe, đua thuyền thúng, múa lân, múa rồng, đấu vật (của vùng Nam Bộ). Hát bả trạo là một nội dung quan trọng và thu hút nhiều người thưởng thức trong hội lễ của ngư dân BR-VT trong khi đó các địa phương khác ở Nam Bộ không có loại hình này.
Có thể giải thích sự đa dạng trong phối tự, nghi thức thờ cúng, trong các trò diễn dân gian của cư dân ven biển BR-VT từ chính nguồn gốc của họ. Chính cộng đồng đa nguồn gốc đã góp phần làm phong phú và tạo diện mạo đặc trưng của các yếu tố văn hóa biển BR-VT (Đinh Văn Hạnh, 2013).  
3. PHÁT TRIỂN LOẠI HÌNH DU LỊCH TRẢI NGHIỆM THÔNG QUA VIỆC KHAI THÁC GIÁ TRỊ ẨN TÀNG CỦA VĂN HÓA LÀNG, BIỂN TỈNH BR-VT
Lồng trong không gian văn hóa du lịch ở Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung, BR-VT là địa phương có lợi thế tiềm năng rất lớn được biết đến khá sớm so với nhiều địa phương khác. Lợi thế tiềm năng du lịch tự nhiên với bãi biển, đảo, cảnh quan khí hậu, hệ động thực vật đã được khai thác có hiệu quả và đầy ấn tượng từ khi người Pháp cho xây dựng các cơ sở dịch vụ du lịch. Có thể coi BR-VT là nơi để phát triển các điểm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch trải nghiệm lý tưởng cho khách du lịch trong ngoài nước.
BR-VT còn là địa phương có tiềm năng du lịch nhân văn lớn mà chủ yếu là các giá trị văn hóa ẩn tàng. Các giá trị văn hóa ẩn tàng của BR-VT rất phong phú, đặc sắc, độc đáo trong cách nhìn đa chiều và đa diện, trong sự đối sánh với văn hóa Nam Bộ, được coi là những tiềm năng du lịch to lớn cần được khai thác có hiệu quả và lâu dài cho sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung và cho phát triển du lịch trải nghiệm nói riêng ở BR-VT.
Trong rất nhiều giá trị văn hóa của BR-VT, hệ thống di tích lịch sử văn hóa được biết đến nhiều và có sức lan tỏa nhiều nơi. Những di tích ấy có thể khai thác với các mức độ khác nhau cho hoạt động du lịch, làm cho du lịch BR-VT có sức hấp dẫn hơn, đa dạng hơn và cũng chứng tỏ sức sống từ chính các di tích ấy, góp phần vào sự phát triển đời sống kinh tế, xã hội hôm nay của BR-VT. Các di tích lịch sử, văn hóa đem đến cho khách du lịch những hiểu biết về lịch sử và văn hóa của vùng đất, đồng thời kéo dài được thời gian du lịch một cách hợp lý, thú vị, chưa kể đến những dịch vụ tại chỗ ở các di tích cũng mang lại nguồn thu nhập cho cơ sở và thu nhập cho dân cư địa phương.
Sự kết hợp chặt chẽ giữa nghỉ dưỡng biển và trải nghiệm các mảng lịch sử, văn hóa, tâm linh sẽ tạo ra những dòng khách lớn cả quốc tế lẫn nội địa. Việc khai thác các giá trị ẩn tàng của văn hóa bản địa, văn hóa làng biển nơi đây sẽ làm cho loại hình du lịch trải nghiệm tỉnh BR-VT có thể thành công lớn.
Các giá trị văn hóa tinh thần, văn hóa phi vật thể của BR-VT cũng khá phong phú, đa dạng, song các lễ hội truyền thống và hiện đại thường có sức hấp dẫn lớn hơn với khách du lịch. Các lễ hội này thường gắn việc tôn vinh các giá trị truyền thống của cộng đồng địa phương, là sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các thời điểm hung thịnh. BR-VT có tới hàng chục lễ hội có sức thu hút khách du lịch, trong đó có các lễ hội gắn với biển. Những lễ hội gắn với các hoạt động tâm linh-tôn giáo nơi đây cũng thường gắn với biển. Lễ hội Dinh Cô-Long Hải, lễ hội đình Thắng Tam, lễ hội Nghinh Ông… có lợi thế hấp dẫn khách và thường được tổ chức ở gần biển, có hoạt động xúc tiến du lịch thường xuyên. Ngoài ra, các lễ hội tại làng nghề truyền thống, các đình, đền thờ anh hùng như lễ hội Đức Thánh Trần, Giỗ tổ Hùng Vương, các ông tổ nghề, tổ nghiệp… cũng tạo các giá trị văn hóa to lớn, là những tiềm năng du lịch nhân văn cần được tổ chức khai thác để phát huy các giá trị ấy.
Lễ hội và du lịch trải nghiệm các lễ hội sẽ là hướng phát triển bền vững và có hiệu quả ở Việt Nam nói chung và ở BR-VT nói riêng. Một thực tế nữa ở BR-VT là hoạt động của làng nghề thủ công, nơi thể hiện các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị hiện đại qua bàn tay lao động của nghệ nhân và các sản phẩm thủ công. Sản phẩm làng nghề vừa có giá trị kinh tế vừa mang giá trị văn hóa, chúng như những thông điệp được đưa tới người sử dụng, người mua. 
Cùng với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, làng nghề thủ công, BR-VT còn có một hệ thống bảo tàng, nhà trưng bày, nhà lưu niệm vừa phong phú vừa đặc sắc nằm rải rác ở Vũng Tàu, Côn Đảo, các huyện, thị. Đây là những nơi quy tụ hiện vật có giá trị, chứng tích lịch sử nhân văn vô giá của BR-VT, nơi có thể thu hút khách tham quan, khách du lịch. Những bảo tàng, nhà lưu niệm này không hề thua kém giá trị so với các nơi khác trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nếu đội ngũ làm du lịch, hướng dẫn viên thiếu chiều sâu về các giá trị văn hóa, văn hóa ẩn tàng, thiếu hiểu biết về hệ thống bảo tàng thì khách du lịch khó có điều kiện trải nghiệm, tìm hiểu đầy đủ những điều thú vị. Sự liên kết trong hoạt động giữa các cơ sở điều hành tour, hướng dẫn viên du lịch với các bảo tàng chưa thật sự chặt chẽ, chưa xem nhau những đối tác quan trọng, cùng vì mục tiêu chung là giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa bản địa của địa phương, đem lại sự hấp dẫn cho khách du lịch. (Đinh Trung Kiên, 2013)
4. HIỆU QUẢ MANG LẠI TỪ VIỆC PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH TRẢI NGHIỆM THÔNG QUA KHAI THÁC GIÁ TRỊ ẨN TÀNG CỦA VĂN HÓA LÀNG, BIỂN TỈNH BR-VT
4.1 Lợi ích thiết thực về giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội
Các giá trị văn hóa ẩn tàng, văn hóa làng, biển của địa phương được đánh thức và khai mở để làm giàu cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, nghiên cứu thực trạng cho thấy du lịch trải nghiệm mang đậm nét văn hóa làng biển ở BR-VT vẫn còn là loại hình chưa được chú ý, chưa được đầu tư và chưa trở thành một trong hai loại hình du lịch quan trọng nhất đã xác định phát triển lâu dài là du lịch sinh thái biển và du lịch trải nghiệm các giá trị văn hóa ẩn tàng.
Từ thực trạng đó, để khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa làng biển của BR-VT, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của BR-VT cần có chiến lược thống nhất, khoa học với tầm nhìn và sứ mệnh được xác định rõ ràng, thực tế và cụ thể với giải pháp khả thi ở hiện tại và trong tương lai.
4.2. Nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị nhân văn
Còn khá nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, những giá trị góp phần tạo nên bản sắc của vùng đất vươn mình ra biển, hội tụ nhiều tiềm năng du lịch nhân văn to lớn bên cạnh tiềm năng du lịch tự nhiên lợi thế. Những lợi thế hiển nhiên đó tạo cho BR-VT có sự phát triển ổn định, lâu dài và bền vững. Song cũng từ lợi thế đó, các giá trị ẩn tàng của văn hóa làng, biển BR-VT dường như còn bị lãng quên. Đúng hơn, các giá trị văn hóa phong phú, đặc sắc ở BR-VT chưa được chú ý đúng mức, chưa được đầu tư khai thác có hiệu quả như tiềm năng vốn có.
4.3. Tăng cường mối quan hệ, giao lưu văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc
Thông qua việc thiết kế, sáng tạo các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái biển và sản phẩm khác góp phần tô đậm phong thái tình đất, tình người của người dân xứ biển và làm đậm nét biểu trưng cho BR-VT. Trí tuệ và nhiệt tình cùng với sự kết hợp chặt chẽ giữa Văn hóa, Thông tin và Du lịch ở BR-VT nhất định sẽ cho ra đời những sản phẩm văn hóa trải nghiệm làm vừa lòng khách du lịch. Bảo tàng phải là nơi giới thiệu một cách súc tích nhất lịch sử, văn hóa của địa phương và các sản phẩm độc đáo, đặc sắc, có hàm lượng văn hóa cao, thu hút khách du lịch trải nghiệm gần xa nhằm tăng cường giao lưu văn hóa và kết dính các mối quan hệ giữa cộng đồng các dân tộc trong và ngoài tỉnh BR-VT.
4.4. Tạo động lực học tập, nâng cao trình độ dân trí của địa phương
Phát triển đúng hướng sẽ tạo động lực học tập, nâng cao trình độ dân trí của địa phương, quan trọng là làm sao để người dân “ngộ” ra được vấn đề (Đặng Thanh Vũ, 2014). Trước mắt, cần đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên có năng lực, có hiểu biết sâu sắc về các giá trị văn hóa còn ẩn tàng của BR-VT, có khả năng đảm nhiệm tốt vai trò người giới thiệu, sứ giả du lịch thay mặt BR-VT đón tiếp và phục vụ khách tại các di tích, danh thắng, các bảo tàng, các lễ hội, các làng nghề thủ công. Con người là nguồn lực của mọi nguồn lực, do vậy chỉ có con người mới có thể làm sống lại các giá trị văn hóa còn ẩn tàng của BR-VT giúp chúng được khai thác hữu hiệu đồng thời mang lại cho du khách những chương trình du lịch trải nghiệm văn hóa đầy ấn tượng và hứng khởi. (TS. Đinh Trung Kiên, 2013)
4.5. Đa dạng hóa nguồn lực lao động có khả năng chuyên môn đáp ứng nhu cầu càng cao và đa dạng của công nghệ du lịch trong giai đoạn hội nhập.
Hiện nay tại các lễ hội, các làng nghề, các đền, chùa, đình miếu ở BR-VT có tình trạng hướng dẫn viên theo đoàn không có khả năng thuyết minh, thay vào đó là những người dân địa phương, những người trông giữ di tích không có nghiệp vụ, chuyên môn. Điều này đã làm giảm sức hấp dẫn của di tích, nản lòng khách du lịch trải nghiệm mà lẽ ra họ phải háo hức cùng với sự thuyết minh đầy hứng khởi của hướng dẫn viên.
Do vậy, cần đầu tư cơ bản cho việc thẩm định, chọn lọc các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể để đầu tư tiền của và công sức, trí tuệ cho việc tu bổ, tôn tạo nhằm bảo quản và phát huy các giá trị đó trong hoạt động du lịch. Ngoài các giá trị nổi bật và độc đáo đã được đầu tư, được khai thác như hệ thống trại tù Côn Đảo với các chuồng Cọp, Cầu Tàu, Nghĩa trang Hàng Dương, Thích Ca Phật Đài, Niết Bàn Tịnh Xá, núi tượng chúa Kitô…, cần tôn tạo lại các di tích lịch sử văn hóa khác. Trận địa pháo cổ Cầu Đá ở phía Bắc núi Lớn và phía Nam núi Nhỏ hướng về mũi Nghinh Phong là những di tích đặc biệt có giá trị không chỉ về mặt quân sự một thời (được coi là hiện đại nhất thế giới vào cuối thế kỷ XIX). Kiểu dáng, kích cỡ, vị trí của các khẩu pháo, các cụm pháo đó cần phải được coi là di sản của BR-VT, phải được tu bổ với hệ thống mái che, đường đi thuận lợi cho khách, có hướng dẫn tham quan một cách sinh động. Cho đến nay, những vũ khí này còn rất ít trong các bảo tàng chiến tranh của thế giới. Di tích này là một ví dụ cụ thể về sự cần thiết đầu tư, tôn tạo và đưa vào khai thác có hiệu quả. Thực tế là khá đông du khách trải nghiệm dù ở Vũng Tàu vài ba ngày nhưng không có may mắn được tai nghe mắt thấy, tay sờ vào các di vật lịch sử có từ hơn 100 năm trước, rất đặc sắc và độc đáo như thế. Bởi lẽ, sự hoang tàn dù là tương đối của các trận địa pháo này là sự thật. Đường đi cũng không dễ dàng và quan trọng hơn là sự thiếu hiểu biết của hướng dẫn viên du lịch để tổ chức cho khách trải nghiệm. Đây đó trên Núi Lớn cũng còn những khẩu pháo của người Pháp trước kia tạo dựng trận địa, nay hoen rỉ và cỏ hoang bao quanh. Cần phải tôn tạo cho đúng mức để vừa bảo quản lâu dài (sơn, sửa chữa để có thể quay…), lợp mái vừa để du khách tham quan. Đó chỉ là một ví dụ khẳng định sự cần thiết phải đầu tư trí tuệ, công sức, tiền của với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, với các giá trị văn hóa khác của BR-VT.
Cần xây dựng chương trình lễ hội văn hóa du lịch biển định kỳ hàng năm ở Vũng Tàu hoặc Long Hải. Có thể coi đây là một dạng Festival du lịch của BR-VT. Tổ chức lễ hội này nhằm giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống và cả hiện đại của các cộng đồng người địa phương, gắn liền với đời sống kinh tế-xã hội ven biển, đảo. Các tập quán thờ cá Ông, rước tế thần biển (Đức ông Nam Hải), các đồ tế lễ, các món ăn, trang phục, nghi lễ… được thể hiện trong lễ hội vừa để khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, vừa nhằm thỏa mãn tâm lý trải nghiệm của du khách. Tổ chức được các lễ hội định kỳ này, BR-VT sẽ quảng bá, khuếch trương các hoạt động văn hóa và du lịch một cách tốt nhất. Khách du lịch trải nghiệm sẽ có dịp tham gia vào loại hình du lịch văn hóa và rất nhiều giá trị văn hóa được khai thác đúng hướng, có hiệu quả và lâu dài.
Các bảo tàng, nhà lưu niệm, nhà trưng bày cùng với các làng nghề thủ công phải hợp lực để tạo ra những sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch. Hàng năm có thể bổ sung các thông tin về chợ, về lễ hội, về dịch vụ du lịch và các sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch khác cùng với bản đồ gấp để chỉ dẫn cho du khách trải nghiệm.
5. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRẢI NGHIỆM THÔNG QUA VIỆC KHAI THÁC GIÁ TRỊ ẨN TÀNG CỦA VĂN HÓA LÀNG, BIỂN TỈNH BR-VT
Du lịch trải nghiệm là một bước phát triển của ngành công nghiệp không khói và là xu hướng du lịch chính của thế giới ở hiện tại và trong vài thập niên tới. Do vậy, tỉnh BR-VT cần phải khẳng định và định vị các loại hình sản phẩm trọng tâm của địa phương. Du lịch sinh thái biển và du lịch trải nghiệm tìm hiểu giá trị văn hóa làng, biển là hai loại hình cần được đầu tư xây dựng nhằm phát triển thương hiệu du lịch địa phương. Để đạt hiệu quả, cần chú ý đầu tư các nội dung:
- Khai thác giá trị nhân văn còn ẩn tàng và biến chúng thành tri thức minh nhiên phục vụ cho phát triển nền kinh tế, xã hội địa phương.
- Phát triển có chiều sâu và thổi hồn và các sản phẩm từ làng nghề truyền thống ven biển.
- Thiết kế mới các sản phẩm du lịch văn hóa làng chài ven biển và các sản phẩm du lịch sinh thái ven bờ.
- Xây dựng các sản phẩm du lịch mới từ việc khai thác các giá trị văn hóa làng biển đặc sắc (tour ngắn ngày, dài ngày.../ đối tượng khách tiềm năng).
- Xác định khả năng hội nhập văn hóa cộng đồng cho du khách tham gia.
- Đầu tư cảnh quan, cơ sở lưu trú và khôi phục các giá trị văn hóa làng nghề ven biển.
- Xây dựng đội ngũ lao động chuyên biệt hóa trong hoạt động du lịch cộng đồng.
- Điều kiện đón tiếp và hội nhập văn hóa nhân văn cho du khách.
- Khả năng huấn luyện, mô hình và phương pháp hướng dẫn cho du khách hội nhập và tham gia sinh hoạt với cư dân địa phương, cùng làm ra các sản phẩm ngành nghề truyền thống đặc trưng vùng ven biển.
- Chính sách ưu đãi cho các nghệ nhân tham gia vào quá trình hoạt động du lịch cộng đồng, hướng dẫn cho du khách cùng thực hiện trong việc làm ra các sản phẩm truyền thống.
- Xây dựng các giải pháp giới thiệu và quảng bá hình ảnh du lịch văn hóa cộng đồng độc đáo cho du khách.
- Xây dựng kế hoạch và phương pháp lưu giữ các giá trị tri thức của cộng đồng.
Với tiềm năng của đất đai, rừng, núi, biển, đảo, dầu khí… nhìn ra biển Đông, đứng ngay cửa ngõ của TP.HCM và Nam Bộ, tỉnh BR–VT có vị thế chiến lược, xung yếu đối với đất nước; có đủ các thế mạnh về lịch sử, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế, văn hóa, nhiều di tích, danh thắng… Đó là những điều kiện tối ưu, lý tưởng đảm bảo cho sự phát triển thịnh vượng và bền vững về kinh tế, văn hóa, phát triển du lịch trong cuộc sống hiện đại của đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề nghiên cứu, tổ chức, khai thác những thế mạnh đó để biến tiềm năng thành hiện thực còn đòi hỏi phải có tri thức, vốn và năng lực tổ chức hoạt động, kinh doanh. (GS.TS. Phan Khanh, 2013)
6. KẾT LUẬN
 Là một trong 28 tỉnh, thành có biển, BR-VT có bờ biển hàng trăm km kéo dài từ thềm lục địa tiếp giáp với quần đảo Trường Sa đến các tỉnh thuộc trung tâm du lịch vùng Nam bộ và Nam Trung bộ. Nơi đây chứa đựng hai loại tài nguyên cực kỳ quan trọng là dầu mỏ và hải sản với những nguyên liệu, sản vật từ biển hình thành nên yếu tố làng nghề ven biển với những nghề thuyền thống đặc trưng vốn có.
Khai thác văn hóa làng biển của tỉnh BR-VT nhằm hướng tới mục đích khơi dậy tiềm năng và bảo tồn giá trị nhân văn trong hoạt động phát triển du lịch cộng đồng địa phương. Trong đó, khẳng định tiềm năng du lịch biển, du lịch trải nghiệm tạo động lực phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội.

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Bùi Văn Vượng (1997), Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc.
[2]. Dương Bá Phượng (2001), Bảo tồn và phát triển các làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa, NXB Khoa học xã hội.
[3]. Hoàng Văn Châu – Phan Thị Hồng Yến – Lê Thị Thu Hà (2007), Làng nghề du lịch Việt Nam, NXB Thống kê.
[4]. Tôn Nữ Quỳnh Trân (2002), Làng nghề thủ công truyền thống tại thành phố Hồ Chí Minh, NXB Trẻ.
[6]. Đinh Trung Kiên (2013), Khai thác các giá trị văn hóa phong phú, đặc sắc của BR-VT cho hoạt động du lịch, Bảo tàng Dân tộc học tỉnh BR-VT.
[7]. Đinh Văn Hạnh (2013), Một vài yếu tố văn hóa đặc trưng của vùng đất BR-VT có thể khai thác phục vụ du lịch và tổ chức lễ hội, Bảo tàng Dân tộc học tỉnh BR-VT.
[8]. Phan Khanh (2013), Bàn về một chương trình nghiên cứu khoa học góp phần phát triển du lịch văn hóa tỉnh BR-VT, Bảo tàng Dân tộc học tỉnh BR-VT.
[9]. Đặng Thanh Vũ (2014), Tổ chức lễ hội và quản trị sự kiện, trường ĐH Công nghệ Tp.HCM.
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét