Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

VỐN DOANH NGHIỆP - DƯỚI GÓC NHÌN QUẢN TRỊ TRI THỨC



TÓM TẮT
Bên cạnh nguồn tài chính để phát triển sản xuất kinh doanh thì tri thức con người là nguồn vốn cực quý của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp khó khăn trong việc tìm vốn để vận hành, đặc biệt là vốn tri thức. Vốn tri thức không ở nơi xa, mà nằm ngay trong bản thân mỗi doanh nghiệp. Biết khai thác, lưu giữ, trân trọng đội ngũ người lao động thì xem như doanh nghiệp đã biết cách “gọi vốn” và có ngay một nguồn vốn lớn, quý giá làm giàu cho doanh nghiệp, góp sự phồn vinh và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nghiên cứu qui trình quản lý, khai thác vốn một cách hiệu quả từ việc quản trị nguồn tri thức bên trong mỗi doanh nghiệp.
 Keywords: vốn và cấu trúc vốn; vốn của doanh nghiệp; tri thức là tài sản; tri thức là nguồn lực.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Vốn và tái cấu trúc vốn có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của doanh nghiệp. Một cấu trúc vốn hợp lý, thận trọng, với tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng vốn từ 40-60% sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Phần lớn khó khăn về vốn của doanh nghiệp không phải do khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, mà xuất phát từ sai lầm về cấu trúc vốn. Các doanh nghiệp Việt Nam thường có ba điểm yếu nên khó tiếp cận sự hỗ trợ tái cấu trúc vốn từ các bên liên quan.
Thứ nhất là công nghệ, thiết bị của các công ty Việt Nam quá lạc hậu nên sản phẩm không thể cạnh tranh về chất lượng, giá cả;
Thứ hai, các doanh nghiệp thiếu sự hợp tác, liên kết với nhau;
Thứ ba, nguồn nhân lực thiếu và yếu về số lượng lẫn chất lượng.
Hoạt động rời rạc, thiếu kết nối, thiếu hoạch định nên các doanh nghiệp khó tạo ra lực để phát triển. Những doanh nghiệp có tỷ lệ nợ cao sẽ không mạo hiểm khi nắm bắt cơ hội đầu tư, tạo ra sản phẩm mới do phải ưu tiên vấn đề giảm chi phí. Cắt giảm lương, chậm thanh toán nợ nhà cung cấp, giảm phí chăm sóc khách hàng dẫn đến hậu quả là doanh nghiệp giảm dần khách hàng, mất nhân viên giỏi và nhà cung cấp tốt. Điều này, làm sút kém năng lực cạnh tranh, kéo theo doanh thu giảm và làm cạn kiệt các nguồn vốn của doanh nghiệp. Đội ngũ nhân viên với tay nghề chuyên môn giỏi, trình độ tri thức cao luôn cập nhật mới cũng là nguồn vốn cực kỳ quan trọng bên cạnh nguồn vốn tài chính. Khai thác, phát huy hiệu quả nguồn chất xám sẵn có trong doanh nghiệp là việc rất cần làm và cần thực hiện lâu dài. Hơn tất cả, đây là nguồn vốn quan trọng nhất đối với một doanh nghiệp khi doanh nghiệp bước vào giai đoạn ổn định và phát triển. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ xin đề cập đến điểm yếu thứ ba của doanh nghiệp tức đề cập đến khía cạnh về vốn tri thức con người. Làm thế nào để doanh nghiệp quản lý nguồn vốn tri thức ổn định và khai thác hiệu quả, lâu bền?
2. NỘI DUNG
2.1 Tìm hiểu một số khái niệm liên quan đến vốn tri thức 
2.1.1 Khái niệm tri thức 
Tri thức chính là tài sản to lớn nhất của xã hội. Tri thức là vốn cực kỳ quan trọng của doanh nghiệp. Một cách nói khác chính xác hơn, tri thức của mỗi nhân sự mới thực sự là tài sản quan trọng nhất của các tổ chức, doanh nghiệp. Tri thức là sự hiểu biết, là kiến thức, kỹ thuật cá nhân, tay nghề, kinh nghiệm của nhân sự trong công việc, trong lao động sáng tạo, trong quan hệ giao tiếp, trong thương lượng, hợp tác làm ăn với các đối tác trong nước và quốc tế. Tri thức là kho tàng của sự hiểu biết và các kỹ năng được tạo ra từ trí tuệ của con người. Tri thức con người hiện tồn tại ở 2 dạng:
- Tri thức ẩn tàng (tacit): nguồn tri thức này nằm trong suy nghĩ, kỹ năng của nhân viên lành nghề, trong sự tài hoa của đôi tay, khối óc các nghệ nhân, chuyên gia, trí thức. Tri thức ẩn tàng chiếm khoảng 90 – 95% tri thức của nhân loại.
- Tri thức minh nhiên (explicit): Là nguồn tri thức hiển thị dưới dạng sách, báo, vở, đĩa mềm, mạng internet…Tri thức minh nhiên chỉ chiếm khoảng 5% tri thức của nhân loại. “Chúng ta đang đi vào xã hội tri thức trong đó nguồn lực kinh tế cơ bản không phải là tiền mà là và sẽ là tri thức và tri thức đã và đang trở thành một nguồn lực kinh tế chủ yếu và là một nguồn lực thống trị và có thể là duy nhất của lợi thế cạnh tranh”. Doanh nghiệp và xã hội đang lãng phí nguồn vốn tri thức rất nhiều bởi vì tri thức minh nhiên hiện chỉ chiếm khoảng 5% trong vốn tri thức của xã hội. Xã hội cần phải biến tri thức ẩn tàng trở thành tri thức minh nhiên nhằm tìm vốn phục vụ lợi ích con người và tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và xã hội. Vốn tri thức khác vốn tài chính bởi vì nguồn vốn này luôn chuyển động và có tư duy. Vốn tri thức quan trọng hơn vì biết biểu hiện cảm xúc và có trách nhiệm với nhà quản trị của doanh nghiệp.
2.1.2 Kinh tế tri thức
Ngân hàng Thế giới (WB, 2000) đánh giá "Đối với các nền kinh tế tiên phong trong nền kinh tế thế giới, cán cân giữa hai yếu tố tri thức và các nguồn lực đang nghiêng về tri thức. Tri thức thực sự đã trở thành yếu tố quan trọng nhất quyết định mức sống - hơn cả yếu tố đất đai, hơn cả yếu tố tư liệu sản xuất, hơn cả yếu tố lao động. Các nền kinh tế phát triển nhất về công nghệ ngày nay thực sự đã dựa vào tri thức". Nền kinh tế tri thức có những đặc trưng cơ bản như:
1. Tri thức đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là vốn của doanh nghiệp.
2. Trong nền kinh tế tri thức, cơ cấu sản xuất dựa ngày càng nhiều vào việc ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao.
3. Cơ cấu lao động trong kinh tế tri thức có những biến đổi như lao động tri thức chiếm tỷ trọng cao (70-90%), nguồn nhân lực nhanh chóng được tri thức hóa, sự sáng tạo, đổi mới, học tập trở thành nhu cầu thường xuyên đối với mọi người. Ở đỉnh cao, xã hội của nền kinh tế tri thức sẽ trở thành xã hội học tập;
4. Trong nền kinh tế tri thức, quyền sở hữu đối với tri thức trở nên quan trọng;
5. Mọi hoạt động của kinh tế tri thức đều liên quan đến vấn đề toàn cầu hóa. Một nền kinh tế tri thức có 4 trụ cột:
- Môi trường kinh tế và thể chế xã hội.
- Giáo dục và đào tạo.
- Mạng lưới các trung tâm nghiên cứu, đại học, tổ chức chuyên gia cố vấn, doanh nghiệp tư nhân, các nhóm cộng đồng.
- Hạ tầng cơ sở thông tin, từ radio đến Internet, đặc biệt là hệ thống viễn thông.
2.1.3 Quản trị tri thức
McAdam và McGreedy (1999) đã coi tri thức là tài sản và tri thức được tạo ra trong tổ chức thông qua những quan hệ xã hội. Quản trị tri thức là hoạt động mà hoạt động này quan tâm tới chiến lược và chiến thuật để quản lý những tài sản mà trọng tâm là con người. Quản trị tri thức là quá trình hệ thống của việc nhận dạng, thu nhận và chuyển tải những thông tin và tri thức mà con người có thể sử dụng để sáng tạo, cạnh tranh và hoàn thiện [4]. Các định nghĩa về quản trị tri thức thể hiện nổi bật các đặc tính sau: - Quản trị tri thức là một lĩnh vực có liên quan chặt chẽ với lý luận và thực tiễn và là một lĩnh vực mang tính đa ngành đa lĩnh vực. - Quản trị tri thức không phải là công nghệ thông tin mà công nghệ thông tin chỉ là yếu tố hỗ trợ, nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản trị tri thức. - Quản trị tri thức lấy yếu tố con người làm trọng tâm.
2.2 Hoạt động của doanh nghiệp trong việc quản trị nguồn vốn tri thức 
2.2.1 Nhiệm vụ 
Tri thức là tài nguyên vô cùng giá trị nhưng hiện tại đang rất tản mát, vương vãi, manh mún khắp mọi nơi. Đưa tri thức vào quản lý chặt chẽ không để thất thoát và để làm giàu cho xã hội nói chung và cho các doanh nghiệp nói riêng là một việc làm quan trọng và cần thiết trong giai đoạn nhận thức mới. Nâng cao khả năng nhận thức và kỹ năng quản trị tri thức cho nhân viên và người quản lý. Bên cạnh đó, phải giáo dục có ý thức để mọi người biết gìn giữ và bảo quản tri thức nhằm làm giàu cho bản thân, gia đình, doanh nghiệp và xã hội. Khai thác triệt để các tri thức ẩn tàng trong doanh nghiệp và biến nó trở thành tri thức minh nhiên để làm giàu vốn khoa học công nghệ. Phát triển sâu rộng “Tri thức chính là vốn” trong doanh nghiệp nhằm giáo dục cho mọi người nhận thức về vốn tri thức để quản trị vốn tri thức một cách có hiệu quả. Tổ chức, doanh nghiệp thực hiện vấn đề này thông qua giáo dục, đào tạo, truyền thông, nói chuyện chuyên đề… thường xuyên hơn trong doanh nghiệp. Làm cho mọi người trong doanh nghiệp biết ứng dụng tri thức để quản trị tri thức và biến kinh nghiệm, kỹ năng trở thành sản phẩm, dịch vụ để phục vụ, làm giàu cho con người, doanh nghiệp và xã hội.
2.2.2 Điều kiện thực hiện
Doanh nghiệp cần thực hiện phương châm “Khi người lao động rời khỏi tổ chức thì tri thức, bí quyết, kinh nghiệm của họ sẽ mãi ở lại với tổ chức, doanh nghiệp” và “Mỗi con người là một pho sách”. Chỉ cần ít năm làm việc thì mọi cá nhân - người lao động trưởng thành đều có thể hiểu và có thể ghi lại “vốn tri thức” của mình để lại cho doanh nghiệp nhằm thực hiện lưu giữ và biến những tri thức ẩn tàng trở thành tri thức minh nhiên. Bằng cách ghi lại các tri thức phát minh, sáng tác, các công thức, kinh nghiệm, sản phẩm nghệ thuật, công thức chế biến, phương pháp giảng dạy, các kỹ năng mềm, kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, các phần mềm tin học, xử lý văn bản, thiết kế…dưới dạng sách, vở, hình ảnh và công thức, slides bài huấn luyện, giáo trình, bài giảng online, làm blog, phim, băng, đĩa…của toàn bộ người lao động và những người có liên quan trong doanh nghiệp.
2.2.3 Phương pháp
Doanh nghiệp cần hiện thực và quy trình hóa việc quản trị tri thức và cần được văn bản hóa để thực hiện một cách chuyên nghiệp bài bản. Tránh những hiểu lầm không đáng có đồng thời dễ dàng cho việc phát hiện điều chỉnh những sai sót trong quá trình thực hiện. Cụ thể hóa việc xây dựng hệ thống tài liệu thống nhất để nắm bắt tri thức, tổ chức hoàn thiện hệ thống tài liệu và kho cơ sở dữ liệu tri thức chung trong doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo, chuyển giao tri thức. Chú trọng đến nhân tố con người. Con người có thể tạo ra tri thức mới và chỉ có con người mới có khả năng vận dụng tri thức đó để tiếp tục tạo ra những tri thức mới hơn. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc gìn giữ, duy trì và lưu giữ tri thức. Ứng dụng và phát triển một cách kịp thời và ổn định. Công nghệ thông tin là công cụ cực kỳ hiệu quả trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, tri thức của tổ chức. Cho phép nhân viên truy cập phục vụ việc ra quyết định kịp thời cũng như xây dựng mạng lưới quản trị tri thức theo chiều rộng và chiều sâu. Họp xét, bình chọn, mở rộng, nâng cấp và triển khai định kỳ (công bố trên các tạp chí khoa học và ứng dụng trong kinh doanh những tri thức đã hệ thống và tri thức mới. Cập nhật thông tin mới và học hỏi kinh nghiệm từ những việc đã làm và kinh nghiệm của doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp nhận thức tốt nhất về nguồn tri thức, biến tri thức thành sức mạnh và trở thành ngành kinh tế chủ lực là cách làm giàu bằng vốn bằng tri thức. Như là một quan hệ nhân quả, ý thức làm giàu bằng tri thức ngày càng nâng cao và nhân rộng trong cộng đồng thì quản lý doanh nghiệp càng tốt hơn, khoa học hơn, văn minh hơn và giàu có hơn.
3. KẾT LUẬN 
Việc nhận thức đúng vấn đề “tri thức chính là vốn” là việc làm có ý nghĩa và thực hiện nó trong thời điểm này là phù hợp vì điều kiện và hạ tầng hiện có đủ đáp ứng trong việc triển khai thực hiện. Mọi người lao động có đủ nhận thức và trình độ để chuyển hóa tri thức thành vốn và đó cũng là cách làm cho con người trong doanh nghiệp trở nên thông thái, tích cực hơn. Doanh nghiệp lấy khoa học công nghệ, lấy sự đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển lâu dài, ổn định đó chính là cách gầy dựng vốn vững vàng và bền vững nhất. 

Bài tham gia Hội thảo “Vốn và cấu trúc vốn của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập”. Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM - ngày 06/03/2015.

4. TÀI LIỆU THAM KHẢO 
[1]. Vụ tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), Tổng quan về thị trường tài chính Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Tài chính số 7 - 2014
[2]. Trần Tuấn Anh, Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường tài chính, Tạp chí Tài chính số 7 – 2014
[3]. Trần Hữu Lam, Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Quản trị (CEMD) - Đại học Kinh tế TPHCM.
[4]. http//www.saigondautu.com.vn/Doanh nghiệp vay vốn tái cấu trúc: Nói thông, làm vướng, Đỗ Linh.
[5]. http//www.sucmanhtrithuc.vn/kienthuc/kinhdoanh/155- Quản trị tri thức – Tầm nhìn lớn của lãnh đạo
[6].http://www.amazon.com/Managing-Great-Change-Drucker Library/dp/1422140792
[7]. Awad, E. and Hassan, G. (2004) Knowledge Management
[8]. Lambe, P. (2001) Knowledge-Based CRM: A Map
[9]. Nonaka, I. and Takeuchi, H. (1995) The Knowedge-Creating Company


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét