Thứ Ba, 10 tháng 9, 2024

NGHĨA ĐỒNG BÀO 

Hệ thống ATM gạo, ATM thực phẩm lắp đặt cứu trợ khắp nơi đã mang lại sự ấm áp cho hàng triệu dân nghèo mặc cho virus corona đang hủy diệt lộc xanh cả mùa xuân của đất nước.

Đó là gương sáng về lòng tương thân tương ái của đồng bào trong cùng một bọc “trăm trứng trăm con”. Đó là nghĩa tình sẻ chia trách nhiệm của doanh nghiệp, nhân dân các địa phương trên khắp ba miền đất nước và là bài học hữu ích cho các quốc gia trên bề mặt địa cầu. Tính đến thời điểm này, chưa nghe thấy nơi nào trên thế giới thực hiện chuyện nghĩa tình như ở Việt Nam.

Câu chuyện thầy giáo D.J 58 tuổi người Anh đứng ở ngã tư đường cầm bảng với dòng chữ “không có công việc, giúp tiền để mua thức ăn” đã nhận được sự giúp đỡ của vô số người Việt hảo tâm. Sự giúp đỡ nhiều đến nỗi ông phải thốt lên “Tôi bị choáng ngợp bởi lòng từ bi và sự hào phóng của người Việt”.  

Một dân tộc biết đùm bọc thương yêu, biết san sẻ cái ăn lúc hoạn nạn và nhất định không bỏ rơi ai giữa lúc bị cô lập bởi đại dịch là hành động của một dân tộc trượng nghĩa. Việc cả dân tộc hành tâm hướng thiện là quả ngọt từ bề dày một nền giáo dưỡng nhân bản lâu đời xuất phát từ một dân tộc có hàm dưỡng đạo đức cao trong suốt nhiều ngàn năm qua. Đâu đó trên dải đất hình chữ S vẫn còn hiện diện sự dữ, tuy nhiên vẫn không đáng kể so với lòng trắc ẩn mênh mông chỉ chờ gặp “bất bình” là “trỗi dậy” phủ sóng khắp nơi.

Người Việt số đông sống có tâm có tình và rất vô tư khi làm phúc, điều này làm cảm động trời đất. Vũ trụ quyền năng sẽ chở che cho dân tộc này và chắc chắn để dịch bệnh đi nhanh qua.

Tự hào thay hai chữ “đồng bào”!

 

 

 

                                                                     NHỚ LỜI MÁ DẠY

Tôi vốn người Mỹ Tho, khăn gói lên Sài Gòn lập nghiệp. Nhiều lần đã bị đuổi ra khỏi nhà trọ lúc nửa đêm bởi vì sự nghèo khó của bản thân. Sự nghèo khó cộng với mặc cảm tự ti đã làm tôi muốn chùn bước ở thời gian đầu. Nhưng, với bản chất chân thật vốn có của con người miền Tây, cùng lòng tự trọng khát khao học hỏi đã giúp tôi vượt qua tất cả.

Lên Sài Gòn chỉ mang theo vỏn vẹn hai lời dạy bên người, một lời của Má và một lời của Thầy. Má tôi dạy rằng: “Đừng tham lam của người nghen con, cũng đừng giả dối mà hại đến thân. Sống thì phải trung thực, chân thành còn làm thì phải hết trách nhiệm, có như vậy thì mới tồn tại lâu bền”. Thầy tôi thì bảo: “Em sống xa nhà thì phải biết làm công tác quần chúng tốt. Làm công tác quần chúng tốt là phải trung thực hết mình, chân thành với mọi người. Trung thực và chân thành là lối sống khôn ngoan và thông minh nhất đó”. Những ngày đầu không có tiền, tôi đạp xe mòn mỏi khắp Sài Gòn tìm việc. Từng cơn mưa hạ quất xối xả lên thân thể gầy nhom của tôi. Không có nổi cái áo mưa che thân, bùn đất văng lên làm chiếc áo trắng độc nhất đen thủi, đen thui. Nhiều người đi đường tỏ vẻ ái ngại và thương hại cho thân phận của tôi. Gió mưa vần vũ mà thân thể tôi thì gầy nhom lại còn ướt như chuột lội. 

Đường đã lên đèn rồi mà tôi chẳng biết phải về đâu? Cơn mưa chưa tạnh, tôi núp dưới mái hiên một nhà bên đường mà không biết cuộc đời này rồi sẽ ra sao? Đầu óc tôi miên man suy nghĩ với trăm mối tơ vò. Nhà nghèo, anh em đông, thất nghiệp, không đất canh tác. Gia đình suốt đời nghèo khổ, sống khốn khó bằng những công việc làm thuê vất vả. Đồng tiền kiếm được chẳng bao nhiêu nhưng kiếm được đồng nào thì lại để dành mua gạo hết đồng nấy. Cơm canh đạm bạc chỉ có rau luộc, nước mắm mặn mà thôi. Miếng thịt tươi đối với tôi là cả một bầu trời xa xỉ. Ba má cùng tám anh chị em của tôi sống những chuỗi ngày lây lất như vậy. Tôi nay bơ vơ, lạc lõng không việc làm, không đồng xu dính túi. Ngẫm nghĩ, cuộc đời thật bi đát.

Làm gì để thay đổi cuộc sống đây? Câu hỏi đó luôn lởn vởn trong đầu óc của tôi.

Có những lúc, tôi đứng nhìn dòng người, xe hối hả trên các con đường một chiều mà suy nghĩ: có phải “luật sống” của Sài Gòn là đó ư? Dòng người sao cứ hối hả, mải miết, ào ào và tuôn chảy mãi? Sao không đổ chiều ngược lại mà cứ lại xuôi dòng?

À! Đúng rồi, đấy là “luật sống” của Sài Gòn đó, mình phải làm sao hòa theo dòng chảy ấy thì mới tồn tại còn nếu không sẽ bị loại khỏi đường đua. Niềm vui chợt đến tôi như muốn reo lên! Tôi đã “ngộ” ra được một điều mà trước giờ không nghĩ ra. Tôi như mở cờ trong bụng, tôi hân hoan nhìn mọi người. Tôi thấy ai trên đường sao cũng thân thiết và đáng yêu hết mực. Kể từ hôm đó, tôi để ý học cách ăn, cách ở, cách sinh hoạt làm việc của người Sài Gòn. Sài Gòn thật sôi nổi, thật mạnh mẽ mà cũng thật bao dung. Sài Gòn sẵn sàng chở che cho những người có tâm, có trí và chí thú làm ăn nhưng cũng sẵn sàng đào thải những ai hèn nhát, chây lười, không hiểu luật của nó. Bước đầu, tôi tìm được việc nhưng chỉ là những công việc không tên tuổi. Công việc dù có tầm thường, thấp kém nhưng tôi vẫn làm với lòng say mê tột cùng. Ao ước của tôi là làm sao hội nhập được vào Sài Gòn!

Có cố gắng rồi sẽ được đền bù phải không các bạn? Thắm thoát đó mà tôi đã lăn lóc ở Sài Gòn gần ba mươi năm. Tính thật thà, trung thực, trách nhiệm mà Má và Thầy đã dạy cho tôi cùng với khát khao vươn lên đã giúp tôi đứng dậy. Ánh dương của thành tựu đã đến với tôi.

Tôi tự lực và hoàn tất chuyện học hành. Tôi lập gia đình và có hai con, trai gái đề huề. Tôi xây nhà cho ba má tôi ở Mỹ Tho. Tôi cất nhà cho mẹ vợ tôi ở Đồng Nai. Tôi mua nhà ở Sài Gòn cho vợ con tôi. Tôi vừa đi làm, vừa đi dạy đại học. Có lần, tôi được bổ nhiệm chức vụ phó tổng giám đốc một du khu lịch lớn ở Đồng Nai, tôi đã hai lần nghỉ việc nhưng vị chủ tịch hội đồng quản trị vẫn ưu ái chừa ghế cho tôi. Bà nói: “Em là người kinh doanh mà có tính trung thực đặc biệt, khắp Sài Gòn khó tìm được người như em”. 

Các bạn ạ, tôi kể ra những điều này không phải là tôi khoe. Tôi muốn khẳng định một điều rằng: sự trung thực, chân thành và trách nhiệm luôn có chỗ đứng. Tinh thần ấy đã kết tinh thành tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Tinh hoa ấy vẫn đang phát triển, đang thắm sắc trên các cánh đồng hạnh phúc. Tinh hoa ấy vẫn đang hiện hữu và cụ thể bằng ba chữ Harmony, Heart và House trong Ngôi nhà Hùng Hậu của chúng ta.

Những gì có được ngày hôm nay là do tôi luôn tâm niệm lời dạy của Má và những người đi trước. Má tôi 86 tuổi, người đàn bà lam lũ, tảo tần suốt cuộc đời vì chồng vì con. Thương Má, nghĩ về Má là tôi cố gắng hoàn thành vai trò của người con, người cha, người chồng trong gia đình; Cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, luôn đặt hết tâm trí vào công việc của mình và sẻ lòng yêu thương mọi người.

Theo lời Má dạy, tôi tin chắc rằng sự trung thực, lòng chân thành, tinh thần trách nhiệm dù bất kỳ nơi đâu cũng luôn luôn có vị trí xứng đáng.

             TP.HCM ngày 14.10.2019

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

                                   CẦN MỘT THƯƠNG HIỆU CHO PHỐ ĐI BỘ BÙI VIỆN

Là người dân sống ở phố đi bộ Bùi Viện nhiều năm, tôi rất đồng ý và ủng hộ chủ trương mở rộng phố đi bộ Bùi Viện ra suốt 7 ngày trong tuần chứ không chỉ có 3 ngày như dự kiến. Phố đi bộ Bùi Viện được mở rộng sẽ thêm một sản phẩm du lịch đặc thù, tạo thêm không gian vui chơi giải trí và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho người dân tại địa phương.
Tiền thân là phố Tây Bùi Viện, sau bao năm phát triển phố đi bộ Bùi Viện đã khắc sâu dấu ấn trong lòng người dân thành phố, du khách trong nước, du khách nước ngoài khi đặt chân đến Tp.HCM. So với trước đây, phố đi bộ Bùi Viện hiện có lối sống văn minh hơn, kinh tế được cải thiện, cơ hội làm ăn, việc làm cũng nhiều hơn. Dù có khá hơn nhưng nhược điểm vẫn tồn đọng không ít: tiếng ồn tận khuya, nạn chèo kéo, tranh giành khách, mua bán ma túy, cướp giật, mại dâm các kiểu…vẫn rải rác diễn ra. Cần có cuộc khảo sát khoa học để phân tích cặn kẽ những ưu khuyết, cơ hội, rủi ro, từ đó hoạch định một kế hoạch chi tiết nhằm định hướng và phát triển toàn diện, lâu dài cho phố đi bộ Bùi Viện.
Để phố đi bộ Bùi Viện trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc thù, một vài gợi ý xin được đề xuất xem xét thực hiện như sau:
1. Nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu và hệ thống nhận diện thương hiệu cho phố đi bộ Bùi Viện.
2. Quy hoạch, chỉnh trang các đoạn phố cho khoa học, hợp lý; Phân chia phố thành các đoạn có chức năng riêng như: lưu trú, vui chơi, ăn uống, giặt ủi, làm đẹp, đại lý du lịch, mua sắm, ngân hàng,…
3. Lắp đặt thêm các box thông tin du lịch ở đầu các ngõ vào nhằm tiếp thị, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của khu phố; Bố trí người trực để vừa đảm bảo an ninh vừa giúp đỡ, hỗ trợ du khách khi cần thiết;
4. Hỗ trợ các cửa hàng thiết kế trang trí mặt tiền, vẽ (gắn) logo riêng của phố đi bộ lên cửa hàng nhằm tạo sự thống nhất và chuyên nghiệp cho toàn khu phố;
5. Có chính sách ưu tiên về thuế (hỗ trợ ban đầu), tư vấn các hộ kinh doanh về loại hình, sản phẩm, dịch vụ sao cho phù hợp với đặc trưng và định hướng phát triển phố đi bộ Bùi Viện;
6. Cho phép các hộ chung cư mặt tiền đường Bùi Viện mở cửa hàng mua bán các sản phẩm lưu niệm, hàng thủ công, sản phẩm gia truyền tại nơi ở; Đa dạng dịch vụ, loại hình kinh doanh giúp người dân sống trên các chung cư có cơ hội cải thiện cuộc sống, làm tăng thu nhập và gia tăng nguồn thu cho cơ quan thuế;
7. Các tụ điểm, sân khấu ca nhạc: bổ sung loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian mang tính truyền thống giúp du khách trải nghiệm và thưởng thức “đặc sản” địa phương (hiện tại chỉ có các band nhạc trẻ với vài ca sĩ biểu diễn cuối tuần gây nhàm chán không ít).
8. Phát hành tập giới thiệu về phố đi bộ Bùi Viện, lồng ghép trong đó các chỉ dẫn mua sắm, tham quan, lối sống; Kêu gọi sự hợp tác của du khách trong nước, quốc tế nâng cao trách nhiệm để cùng gìn giữ, phát huy sự văn minh, tôn tạo vẻ đẹp phố đi bộ Bùi Viện;
9. Nâng cao ý thức, quyền lợi của cư dân sống tại đây. Làm gương cho du khách trong và ngoài nước khi đến lưu trú, tham quan, du lịch tại phố đi bộ Bùi Viện;
10. Bồi dưỡng kỹ năng bán hàng, kỹ năng phục vụ cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp khi phục vụ khách nước ngoài; Bồi dưỡng thường xuyên lực lượng dịch vụ công ích, bảo vệ biết giao tiếp du lịch và hỗ trợ du khách thường xuyên.
11. Cần tăng cường giải pháp an toàn an ninh (khung giờ từ 4-5g sáng hiện tượng cướp giật người nước ngoài khá nhiều), đảm bảo trật tự, tuân thủ pháp luật, có phương án PCCC cho phố đi bộ trong các ngày hoạt động và đặc biệt…
Mong được các cấp chính quyền đọc, lắng nghe và thực hiện để phố đi bộ Bùi Viện luôn là hình ảnh đẹp trong con mắt của du khách quốc tế; luôn là điểm đến, điểm vui chơi của người dân cả nước; luôn là sản phẩm du lịch độc đáo đầy tự hào của người dân trong khu phố và Thành phố Hồ Chí Minh.

#ÁodàiVânLiên  #Nềnnãtrongtừngmốichỉ  #Thươnghiệudulịchđịaphương


Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

                                             HIỂU KHÁCH HÀNG ĐỂ BÁN ĐƯỢC HÀNG
Là người bán hàng thì mong bán được hàng. Để trở thành người bán hàng hàng giỏi thì phải bán được thật nhiều hàng, doanh số đạt thật cao. Tuy nhiên, trở thành người bán hàng giỏi thì không phải dễ chút nào chúng ta phải học nhiều và thực hành nhiều. Trên thực tế, có người thực hiện được điều đó, có người không đôi khi phải bỏ cuộc giữa chừng. Xin chia sẻ với các bạn một số ít kinh nghiệm bán hàng mà tôi đã sưu tầm “Hiểu khách hàng để bán được hàng” mong góp nhặt thêm ít kinh nghiệm cho Nhà mình trong dịp xúc tiến bán hàng mùa tết.

Dưới đây là 15 đối tượng khách hàng cần hiểu tâm lý:

  1. Đối với những người chuyên nghiệp điều cần bán đi chính là sự chuyên nghiệp;
  2. Đối với những khách hàng lạ điều cần bán đi chính là sự lễ phép;
  3. Đối với những khách hàng quen thuộc điều cần bán đi chính là sự nhiệt tình;
  4. Đối với những khách hàng nóng tính điều cần bán đi chính là hiệu suất;
  5. Đối với những khách hàng ngạo mạn điều cần bán đi chính là lòng nhẫn nai;
  6. Đối với những người có tiền điều cần bán đi chính là sự tôn quý;
  7. Đối với những người nghèo khổ điều cần bán đi chính là lợi ích thiết thực;
  8. Đối với những người thời thượng điều cần bán đi chính là sự sang trọng;
  9. Đối với những người hào sảng điều cần bán đi chính là sự phóng khoáng;
  10. Đối với những người keo kiệt điều cần bán đi chính là lợi ích;
  11. Đối với những người sống hưởng thụ điều cần bán đi chính là sự phục vụ;
  12. Đối với những người hư vinh điều cần bán đi chính là vinh dự;
  13. Đối với những người hay bắt bẻ điều cần bán đi chính là sự tinh tế;
  14. Đối với những người do dự điều cần bán đi chính là sự đảm bảo;
  15. Đối với những người hiền lành điều cần bán đi chính là sự chân thành (St)

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

Thầy giáo tìm việc cho hàng ngàn sinh viên

09:10:47 18/10/2013
Sau buổi dạy Quản trị học tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, TS Đặng Thanh Vũ nhắn sinh viên trong lớp: “Bạn nào khó khăn, cần tìm việc làm thêm cứ nói với thầy. Giúp được thầy sẽ giúp...”.
Tối ấy điện thoại của ông Vũ rung lên. Một sinh viên nhắn tin: “Thưa thầy, nhà em khó khăn quá. Anh chị nuôi em đi học nhưng giờ không lo nổi nữa. Không tìm được việc làm chắc em nghỉ học quá...”.
Nước mắt của trò
"Khi mình giúp sinh viên có công ăn việc làm ổn định thì gia đình các em cũng ổn định và xã hội sẽ ổn định. Như vậy, mình góp một phần rất nhỏ bé vào sự ổn định của xã hội" - TS Đặng Thanh Vũ. 


    Tiến sĩ Đặng Thanh Vũ và sinh viên tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM chiều 17-10

“Nghe thế mình phải hành động ngay” - ông giáo kể lại với người viết. Hôm sau ông gọi điện cho một học trò cũ có quán cà phê gần trường: “Quán em mới mở, cần người phụ thì cho thầy gửi một bạn”. Xong xuôi, ông kêu bạn sinh viên mang hồ sơ đến căn dặn: “Thầy chỉ giúp em công việc bán thời gian lúc đầu. Sẽ cực nhọc nhưng em đừng nề hà. Mình phải bắt đầu từng bước. Em nhớ phải sống thật lòng, đừng gian dối. Đó chính là tài sản của mình”.
Công việc làm thêm ấy đã giúp cô sinh viên trang trải việc học. Đến hè, để tăng thêm thu nhập, bạn xin đi làm thêm gia sư. Mới đây gặp lại thầy Vũ, cô sinh viên khoe được phụ huynh học sinh thương như con trong nhà, giúp đỡ nhiều cho việc ăn học. “Cũng nhờ bài học về chăm chỉ, sống thật lòng, không gian dối thầy dạy em nên cô chủ nhà thương” - cô sinh viên nhắc. Ông bảo: “Em xin phép chủ nhà khi nào rảnh cho thầy đến thăm, cảm ơn vì đã giúp đỡ học trò của thầy”. Nghe thế, mắt cô sinh viên rơm rớm nước: “Nghe thầy nói em muốn khóc”. Ông thầy tiếp lời: “Cha mẹ em ở xa. Coi như thầy thay mặt cha mẹ em cảm ơn người ta...”.
Cô sinh viên tên Hoa Lư (quê Cà Mau) này là một trong hàng ngàn trường hợp được thầy Vũ tìm việc cho. Không nhớ hết, nhưng người thầy chuyên ngành du lịch ước tính từ năm 1999 đến nay, cứ mỗi năm ông tìm việc cho hơn 100 sinh viên. Riêng từ đầu năm đến nay, ông Vũ khoe đã tìm được việc cho 70 bạn. Có sinh viên ông đưa ra tận Côn Đảo, Phú Quốc để nhận việc xong ông lại quày quả quay về. “Tôi chỉ giúp các em công việc bước đầu như lễ tân, tiếp tân, phục vụ... trong các nhà hàng, khách sạn. Sau đó các em phải tự phấn đấu để vươn lên” - ông Vũ nói.
Và trong hàng ngàn học trò ông tìm việc giúp giờ có người đã làm giám đốc, phó giám đốc các khách sạn, nhà hàng, khu du lịch ở TP.HCM, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Hà Tĩnh... “Đây cũng là những nơi tôi gửi gắm học trò mình” - ông Vũ cười thật tươi kể thêm.
Thấy “tuyển nhân viên” là vào hỏi
Ông Vũ kể mình bắt đầu tìm việc cho sinh viên từ năm 1999 khi là giảng viên Trường ĐH Văn Hiến. “Niềm vui của học trò khi tìm được việc làm khiến tôi tiếp tục đồng hành cùng các em...” - ông Vũ chia sẻ.
Nguồn việc làm ông Vũ giới thiệu cho sinh viên chủ yếu từ những nhà hàng, khách sạn, khu du lịch mà ông quen biết. Họ nhờ ông giới thiệu sinh viên, cử nhân ngành du lịch mới ra trường về làm việc. Ngoài ra cũng có những “mối” là học trò được ông tìm việc trước đó đứng ra “bảo lãnh” cho đàn em khi được thầy Vũ giới thiệu. Có hôm đang đi trên đường thấy bảng “tuyển nhân viên” từ một khách sạn, ông Vũ quay xe lại vào hỏi thăm, ghi chú cẩn thận thông tin để giới thiệu cho trò.
Để giữ uy tín với nhà tuyển dụng, ông Vũ đặt ra nguyên tắc bao giờ cũng “sơ vấn” học trò trước khi giới thiệu. “Mình phải nắm trước điểm mạnh điểm yếu, sở trường, tính tình của từng em để giới thiệu công việc cho phù hợp với tiêu chuẩn. Mấy em nhờ xin việc tôi cũng phải gặp mặt, nói chuyện trước rồi mới tìm chỗ phù hợp chứ không chỉ đại được” - thầy Vũ kể.
Thế nhưng cũng có lần ông Vũ tìm việc cho trò thất bại. “Bạn này tốt nghiệp ngành du lịch. Sau nhiều lần sàng lọc, tôi giới thiệu cho em ba nơi nhưng không hiểu sao cả ba chỗ đều lắc đầu. Tôi nói em đừng nản, thầy sẽ đồng hành cùng em đến khi nào xin việc được mới thôi. Nhưng sau đó em có vẻ ngại vì nghĩ làm phiền tôi quá nên không liên lạc với tôi nữa. Tôi gọi điện hỏi thăm em cũng không được” - ông trầm ngâm.
Sau 14 năm tìm việc cho sinh viên, ông Vũ đúc kết sinh viên có mấy điểm cần cải thiện là ngoại ngữ, ít ngôn từ trong giao tiếp và kỹ năng giao tiếp chưa tốt nên dễ mất lòng người khác. Ông dẫn chứng: “Tôi nói với sinh viên rất nhiều, ngoại ngữ giỏi rất có lợi cho các em nhưng sinh viên hiện cũng rất yếu. Sinh viên cũng yếu về ngôn từ trong diễn đạt, giao tiếp. Chẳng hạn có bạn khi nói chuyện với thầy cô lại dùng từ ngụy biện thay vì biện minh... Tôi nói với sinh viên hoài, xảy ra xung đột, gây gổ cũng chỉ vì có hai từ nhiều người không chịu học. Đó là cảm ơn và xin lỗi”.
Hỏi ông được gì sau khi tìm việc cho hàng ngàn sinh viên, ông giáo cười sảng khoái: “Có được gì đâu”. Rồi như nhớ ra, ông nói thêm: “Có được, được chớ. Đó là học trò vẫn nhớ đến mình, bao nhiêu năm gặp lại học trò vẫn dạ thưa thầy, có đứa đến nhà thăm, có đứa bảo nhất định thầy phải dự đám cưới của em nữa...”.
Thầy trò cùng làm
Để tạo việc làm thêm cho sinh viên, ông Vũ “đầu tư” hơn 10 triệu đồng để cùng học trò làm dự án “Bánh mì đường phố” gần Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM. Những xe bánh mì này do sinh viên quản lý, phục vụ theo giờ để kiếm thêm tiền trang trải việc học. “Tháng đầu tổng kết lại lỗ hết 3 triệu đồng, rồi mấy quán kế bên bị mất khách lên tiếng hăm dọa nên tạm thời phải ngưng. Tôi nói các em đừng nản, sẽ có cách thôi. Sắp tới thầy trò sẽ thuê một mặt bằng phía sau trường cho các em làm. Hiện nhiều em vẫn đang xin làm nhưng chưa giải quyết hết” - ông Vũ nói thêm.
                                                                                                   HÀ BÌNH (Báo Tuổi Trẻ)

"Bánh mì đường phố" của sinh viên


07/11/2013 02:14 GMT+7

TT - Để chủ động trong việc làm thêm, một nhóm sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM đã khởi nghiệp với xe “Bánh mì đường phố” đặt ở cổng sau của trường ( gần đường D2, P.25, Q.Bình Thạnh).


Nhóm sinh viên mở bánh mì đường phố để chủ động trong công việc làm thêm của mình - 
Ảnh: H.Bình
Điều đặc biệt của xe bánh mì này là sinh viên tự quản lý, ai rảnh giờ nào làm giờ đó với thù lao 10.000 đồng/giờ. “Có ngày học sáng, có ngày học chiều nên sinh viên thường gặp khó khăn khi tìm một việc làm thêm phù hợp giờ giấc thất thường của mình để trang trải chi phí học tập” - bạn Nguyễn Phước Hậu (quê Long An, học ngành nhà hàng khách sạn) nói. Hậu đem băn khoăn này trao đổi với tiến sĩ Đặng Thanh Vũ - giảng viên của trường - và thầy trò cùng nhau bắt tay vào dự án kinh doanh.
“Có ý tưởng rồi, cả nhóm cùng mua giấy, màu... về thiết kế xe. Sau đó mua cà rốt, củ cải về làm đồ chua, tự pha chế nước mắm, pha chế nước uống tặng kèm theo mỗi ổ bánh mì để thu hút khách. Chỉ có heo quay là tụi mình phải mua, còn lại là tự làm hết” - Hậu vui vẻ nói thêm. Hiện “Bánh mì đường phố” có tám nhân viên đều là sinh viên. Có bạn làm hai giờ, có bạn làm năm giờ/ngày...tùy lịch học của hôm đó.
Tiến sĩ Đặng Thanh Vũ, “chủ đầu tư của dự án”, cho biết ông hỗ trợ nhóm sinh viên hơn 10 triệu đồng để các bạn biến ý tưởng thành hiện thực. “Tất cả đều do sinh viên quản lý - ông Vũ nói - ngoài mục đích để chủ động trong công việc làm thêm, tôi cũng mong muốn các bạn học được những kỹ năng về quản lý, bán hàng, phục vụ... hỗ trợ công việc sau này”.
“Bánh mì đường phố” được bán với giá 10.000 đồng/ổ kèm theo một phần nước uống, chủ yếu phục vụ sinh viên. “Nghe mấy bạn bảo mỗi ngày bán được 60-70 ổ, chưa biết lời lỗ thế nào nhưng cũng thấy vui vui. Tôi đang tính mở thêm nhiều xe bánh mì như thế để tạo thêm việc làm cho sinh viên. Hiện nhiều bạn đăng ký làm nhưng vẫn chưa đáp ứng hết được...” - ông Vũ dự tính.
                                                                                                                                       HÀ BÌNH

CHUYỂN GIÁ - DƯỚI GÓC NHÌN XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU

TÓM TẮT
Chuyển giá - Transfer pricing, ngày càng trở nên nóng bỏng tại Việt Nam. Có nhiều bài viết, bài nghiên cứu phản ánh, bình luận và được đưa tin ở nhiều tờ báo lớn trong nước. Cũng đã có nhiều hội nghị, hội thảo ở nhiều cấp độ và qui mô khác nhau bàn luận, mổ xẻ sâu sắc vấn đề này. Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ  xin đề cập đến một vài khía cạnh nhỏ liên quan đến chuyển giá cùng một vài nhận xét dưới góc nhìn của người tiêu dùng và việc xây dựng hình ảnh, uy tín của thương hiệu các doanh nghiệp FDI.
1. GIỚI THIỆU
Tổng cục Thuế đã có cuộc tổng rà soát kết quả kinh doanh những năm gần đây đối với 5.531 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm khoảng gần 60% số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cả nước đang hoạt động trên phạm vi cả nước. Trong 5.531 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được kiểm tra nêu trên, có tới 3.175 doanh nghiệp có số lỗ lũy kế đến thời điểm đánh giá, chiếm 57,4%. Đặc biệt, có 529 doanh nghiệp báo cáo lỗ nhưng vẫn tăng trưởng doanh thu, tập trung vào các ngành: dệt, may, da giày, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, chế biến và bảo quản nông sản, lâm sản, thủy sản...
Do nhiều doanh nghiệp báo cáo lỗ nên hiệu quả tài chính rất thấp. Lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2010 của các doanh nghiệp này chỉ đạt 10,26%, năm 2011 là 10,89%, tương đương lãi suất trái phiếu kho bạc. Cùng với việc thường xuyên kê khai thua lỗ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài này còn thường xuyên đề nghị hoàn thuế và không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, cũng hoạt động trong cùng điều kiện môi trường sản xuất kinh doanh như vậy, các doanh nghiệp độc lập khác trong nước vẫn kê khai có lãi và nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp. (Theo Thái Chuyên – www.longan.gov.vn)
2. NỖI DUNG
2.1. Đi tìm đại gia có nghi vấn chuyển giá  
1. Tiếp tục đầu tư mới dù lỗ triền miên nhiều năm liền. Tại sao không lời mà vẫn đổ tiền đầu tư? Điều này đã khiến Coca - Cola không tránh khỏi “bị nghi ngờ” chuyển giá từ các cơ quan thuế và từ chính phủ Việt Nam. Tuyên bố của vị lãnh đạo cấp cao Coca Cola vào năm 2012 là Coca sẽ đầu thêm 300 triệu USD nữa vào thị trường Việt Nam với mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu vào năm 2020, ông còn cho rằng Việt Nam là thị trường tăng trưởng quan trọng. Chính vì vậy, Coca Coca quảng cáo rầm rộ, khuyến mại khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam suốt gần 20 năm qua kể từ khi hiện diện kinh doanh tại Việt Nam. Chỉ trong năm 2010 tại thị trường Việt Nam, Coca đã báo lỗ 188 tỷ đồng, tương đương 8,98 triệu USD. Lũy kế con số thua lỗ mà Coca-Cola Việt Nam báo cáo lên tới 180 triệu USD trong vòng một thập niên qua.
Hiện tượng không bình thường đó là do né thuế hay vì lý do nào khác? Trả lời cho câu hỏi này vì đó chính là giải pháp giúp Coca-Cola tránh được việc đóng thuế cho cơ quan thuế Việt Nam. Thay vì đóng thuế cho Việt Nam thì Coca Cola sẽ thực hiện việc này tại một quốc gia khác mà họ cho là thiên đường thuế (tax havens).
2. Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố các thông tin từ báo cáo của Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho hay kể từ khi thành lập (năm 1995) đến năm 2012, Công ty Nestlé Việt Nam đang thua lỗ hơn 30,8 triệu USD, chiếm 20% vốn góp chủ sở hữu, mặc dù trong hai năm 2011, 2012 Nestlé kinh doanh có lãi. Neslé được ví như ông nhà giàu lỗ hoài mà vẫn giàu và phát triển. Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp có vốn FDI đã và đang đứng trước “nghi án” chuyển giá, câu chuyện lỗ 30,8 triệu USD của Nestlé trở nên rất đáng chú ý. Nestlé chính thức xây dựng nhà máy ở tỉnh Đồng Nai vào năm 1995. Trước đó năm 1992, tập đoàn này đã liên doanh với một công ty thương mại ở Long An để xây dựng LaVie, một công ty chuyên sản xuất nước uống tinh khiết. Các nhãn hàng mà Nestlé đang sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam bao gồm Nescafé, sữa Nestlé, Milo, Nestea… Được biết, Nestlé đang dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan ở Việt Nam và theo đánh giá của người tiêu dùng Việt Nam, thì ngôi vị của Nescafé trên thị trường cà phê hòa tan là “bất khả chiến bại”. Tháng 9 năm 2012, Nestlé công bố kế hoạch đầu tư thêm 230 triệu Franc Thụy Sỹ cho một nhà máy mới ở Đồng Nai. Ngày 9.7.2013 vừa qua, nhà máy Nescafé mới đặt tại KCN Amata (Đồng Nai) của Nestlé đã khánh thành, nâng tổng vốn đầu tư tập đoàn này tại Việt Nam lên trên 466 triệu USD (theo Báo Đầu tư).
3. Tổng cục Thuế nghi ngờ các giao dịch của Adidas Việt Nam với các bên liên quan gồm Adidas AG, Adidas Singapore, có thể là các giao dịch liên kết. Tổng cục Thuế vừa có văn bản gửi Cục thuế Tp.HCM, với nội dung đề cập đến hoạt động kinh doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn Adidas Việt Nam. Trong khi đó tại Việt Nam, Adidas vẫn đang trong quá trình mở rộng sản xuất kinh doanh. Điểm quan trọng gần đây là việc Adidas đã thuê 1.035 m2 diện tích văn phòng tại tầng 22 và 265m2 mặt bằng bán lẻ của tháp Financial Tower Bitexco tại TP HCM để làm cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm. Tại thời điểm đó, ông Ryan Hart, Giám đốc Adidas tại Việt Nam cho biết đây là cửa hàng thứ 50 và “có không gian lớn và độc đáo nhất của Adidas tại Việt Nam và tập hợp tất cả các thương hiệu của Adidas dưới một mái nhà gồm Sports Performance, Originals và Adidas Golf và Taylor Made”. Tập đoàn Adidas là một trong những doanh nghiệp toàn cầu trong ngành công nghiệp sản phẩm thể thao, cung cấp một loạt các sản phẩm với các thương hiệu cốt lõi: Adidas, Reebok, TaylorMade, Rockport và Reebok, CCM Hockey. Đặt trụ sở chính tại Herzogenaurach (Đức), tập đoàn này có hơn 46.000 nhân viên với doanh số bán hàng 12 tỷ Euro trong năm 2010.
Không riêng gì Coca Cola, Nestlé, Adidas nhiều doanh nghiệp FDI khác như; Pepsi, Metro, Unilever, BAT... cũng sẽ có hoàn cảnh tương tự nếu rơi vào nghi án chuyển giá. Dưới góc nhìn của việc xây dựng thương hiệu, điều gì sẽ xảy đến trong tương lai cho các doanh nghiệp có nghi án chuyển giá này?
2.2. Được tài chính nhưng giá trị thương hiệu sụt giảm
 “Có thực sự các doanh nghiệp FDI trốn thuế hay không, song với nghi án chuyển giá, trốn thuế và bị người tiêu dùng tẩy chay, Coca-Cola đang rơi vào một cuộc khủng hoảng về lòng tin và quan hệ công chúng tại Việt Nam” (báo Dân Trí).
Trong khi đó, Chiến dịch “Công bằng thuế” mà trọng tâm là chống chuyển giá được ActionAid international (ActionAid quốc tế - có đại diện tại Việt Nam) phát động trên phạm vi toàn cầu từ ngày 1.7.2013. Chiến dịch tập trung vào việc đấu tranh với các công ty đa quốc gia hoạt động tại các nước đang phát triển lách thuế và nhận được các ưu đãi về thuế không cần thiết, trong khi hàng triệu người nghèo không nhận được các dịch vụ chăm sóc cơ bản. Chiến dịch yêu cầu chính phủ các nước phải ngăn chặn “các thiên đường thuế”, chấm dứt các ưu đãi thuế có hại và yêu cầu các công ty đa quốc gia phải trả đủ thuế cho các nước sở tại. Tất cả những vấn đề đó chỉ là một phần nằm trong hoạt động kinh doanh tại một quốc gia. Theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ tại Hà Nội, với một quốc gia như Việt Nam, nơi an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành một mối quan tâm lớn cho người tiêu dùng, thì với sự an toàn và tính thống nhất của sản phẩm, Coca-Cola vẫn sẽ được đón nhận. Đây được coi như một lời hứa thương hiệu đối với Coca-Cola, vũ khí tốt nhất để doanh nghiệp này vượt qua được cuộc tẩy chay của người tiêu dùng Việt trong cơn giận dữ hiện tại. Cuộc khủng hoảng thương hiệu của Coca-Cola cũng chính là bài học cho tất cả những doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
2.3. Sẽ mất dần khách hàng
Cũng theo nhận định của ông Adam Sitkoff “Tại những quốc gia có khung pháp luật chặt chẽ, kín kẽ và minh bạch thì sẽ không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, Việt Nam không may là không nằm trong số đó”.
Ông Sitkoff cho rằng, Coca-Cola không phải là doanh nghiệp duy nhất tạo nên thảm họa trong quan hệ công chúng ở Việt Nam mà bên cạnh đó còn có một loạt những cái tên như Pepsi, Metro, Unilever, BAT và Adidas đều đã bị nêu tên trên mặt báo chí về điều tra chuyển giá. Gần đây, Unilever đã công bố “kế hoạch phát triển bền vững” tại Việt Nam, một phần trong chiến lược cùng tên được triển khai trên toàn cầu. Theo đó, công ty “cam kết cải thiện cuộc sống của 20 triệu người dân Việt Nam bằng cách cải thiện điều kiện vệ sinh và sức khỏe cho mọi người”. Trong nỗ lực thể hiện mình, nghi án trốn thuế vẫn là một tin không hay đối với doanh nghiệp này.
Người tiêu dùng Việt Nam sẽ nghĩ như thế nào về việc làm của các doanh nghiệp FDI có nghi án chuyển giá? Chắc chắn phần lớn trong số người biết về chuyện này sẽ tẩy chay hàng hóa của các doanh nghiệp này và đương nhiên, nó không dừng lại ở đó nếu có thêm sự tác động của các cơ quan truyền thông, các hãng thông tấn báo chí cùng cơ quan thuế và chính phủ. Có thể nói, nó sẽ tạo thành cơn lốc tẩy chay hàng ngoại bên cạnh sự cổ súy dùng hàng Việt ngày càng mạnh và lan rộng ra khắp đất nước. Cho dù các báo cáo về việc các doanh nghiệp FDI trốn thuế thật giả chưa phân thì họ vẫn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong xây dựng thương hiệu quốc tế, đó là điều không thể không thật.
2.4. Mất uy tín với quốc gia địa phương
Trong khi vẫn chưa có kết quả thanh tra chính thức và các cơ quan quản lý còn khá thận trọng với vấn đề chuyển giá, nhưng đã có một số doanh nghiệp FDI bị chỉ trích là “lách luật” và “trốn thuế”. Điều này vô hình trung tạo ra tâm lý thiếu thiện cảm của người dân Việt Nam đối với các doanh nghiệp FDI trong việc tiêu dùng sản phẩm của họ. Mặt khác, nó còn gây lo ngại và bất an trong cộng đồng doanh nghiệp FDI khác đang hoạt động tại Việt Nam, hoặc đang nghiên cứu tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, đã có đề án về chống chuyển giá nhưng phải có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan chức năng. Việc điều tra chuyển giá sẽ chỉ áp dụng với một số doanh nghiệp, không áp dụng đồng loạt tránh ảnh hưởng xấu tới hình ảnh môi trường đầu tư ở Việt Nam. 
Chính phủ cần tăng cường gây sức ép trên phạm vi toàn cầu đến các tổ chức quốc tế để ngăn chặn “thiên đường thuế” đồng thời, yêu cầu các công ty phải công khai các tài khoản tiền tại mọi quốc gia mà công ty đó đang hoạt động. Chính phủ cũng cần cung cấp tiền viện trợ để các nước đang phát triển tăng cường năng lực cho các cơ quan thuế và cán bộ thuế của họ đảm bảo có đủ trình độ thanh tra, kiểm tra, đấu tranh chống các hành vi chuyển giá. 
2.5. Làm gì để kiểm soát chuyển giá?  
Thực tế chứng minh, muốn chống thất thu thuế đạt hiệu quả cao cần có sự phối hợp, tham gia tích cực của các ngành, các cấp. Do vậy, cần thực hiện tốt các quy chế phối hợp giữa các ngành công an, hải quan, kế hoạch - đầu tư, kho bạc, thuế và các ngành có liên quan để tổ chức giám sát chặt chẽ.
“Họ tìm cách chuyển giá tức là quay lưng lại với đất nước Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam. Như vậy, mọi người có nên dùng sản phẩm của họ không? Doanh nghiệp như vậy có phải là đáng trân trọng?” (Theo báo GDVN).
“Đơn vị nào tìm cách không nộp thuế hay trốn tránh thuế, tôi nghĩ là họ dại. Bởi những người yêu nước, họ sẽ không làm vậy”. (Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco).
Chính vì lẽ đó, để kiểm soát việc chuyển giá của một số công ty đa quốc gia thì giới truyền thông cần phải tuyên truyền rộng rãi việc họ làm thế là không hay, không tôn trọng người Việt Nam, không tôn trọng pháp luật Việt Nam. Tăng cường vai trò truyền thông của báo chí – tích cực tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, góp phần chống chuyển giá. Mọi người tiêu dùng Việt Nam, hãy xem đây được xem là phương án gián tiếp chủ lực.
Phát huy tinh thần dân tộc của người tiêu dùng VN trong việc góp phần tham gia kiểm soát chuyển giá.  
Người dân tại nước Anh, khi phát hiện hãng cà phê Starbucks nổi tiếng dính nghi án né thuế, người dân đã kêu gọi tẩy chay, các cơ quan chức năng cùng giới truyền thông Anh quốc đã phát huy sứ mệnh của mình làm cho người dân biết: Starbucks không đáng yêu.
Còn với cộng đồng Việt Nam, chúng ta phải làm gì để nắm bắt cơ hội và tạo ra những sự thay đổi cho người dân ở ta. Đồng thời, trang bị thông tin, tích cực hành động và tham gia chiến dịch để xóa bỏ những kẽ hở trong chính sách thuế.
Dương Trung Quốc - Nhà sử học trong buổi hội thảo “Cạnh tranh lành mạnh để bảo vệ thương hiệu và doanh nghiệp Việt” diễn ra vào sáng ngày 14.5.2013, đã không giấu nổi sự bức xúc cũng bày tỏ: “Tôi đọc câu trả lời của nhà quản lý Coca Cola như nói với trẻ con, không thể chấp nhận được. Họ nói rằng: thị trường Việt Nam là nơi có tiềm năng, triển vọng to lớn nên lỗ mấy, họ cũng đeo bám lấy thị trường này. Tôi thấy rất khó hiểu”. Sự “lỗ lã” của Coca Cola có thể coi là ô nhiễm môi trường đầu tư không?  
3. KẾT LUẬN
Có được thương hiệu đẳng cấp và uy tín trên toàn thế giới, hẳn các doanh nghiệp FDI đã tốn rất nhiều thời gian, tiền của, công sức của nhiều thế hệ công nhân với hàng trăm năm lao động. Thương hiệu của họ cũng đã tạo dựng được niềm tin tưởng lớn và ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng người tiêu dùng khắp các miền thế giới. Chẳng lẽ, chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà họ lách luật, né thuế thực hiện việc chuyển giá và bị dư luận búa rìu và người tiêu dùng tẩy chay? Người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng quay lưng lại với các sản phẩm tiêu dùng “xấu” đó; hàng triệu người sẽ mất niềm tin và chê bai họ vì một hình ảnh không đẹp đó. Còn đối với các cơ quan truyền thông báo chí Việt Nam, sẽ không mấy thiện cảm về họ và lâu dài nếu không thay đổi, họ sẽ mất dần chỗ đứng và sự hâm mộ của người Việt Nam ngay vị trí mà hàng chục năm qua họ đã dày công vun xới.
 Hơn ai hết, các doanh nghiệp FDI cần có cái nhìn khác về vấn đề chuyển giá tại thị trường Việt Nam. Tích cực hơn trong việc xây dựng hình ảnh tươi đẹp mà cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam đã dành cho họ nhiều năm qua. Chẳng lẽ, chỉ có một vài đại gia mà "làm xấu mặt" 14.500 doanh nghiệp FDI ở Việt Nam? Mong rằng các doanh nghiệp FDI sẽ có kế sách lâu dài, đừng để “tham thì thâm” để rồi sẽ hối tiếc trong muộn màng về sau. 
Bài đăng trong Nội san Khoa QTKD – trường Đại học Công Nghệ Tp.HCM (hutech)

4. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá: Thực trạng và giải pháp, Nguyễn Quang Tiến (Bài đăng Tạp chí Tài chính số 3/2012).
2. Chống chuyển giá ở Việt Nam: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và các điều kiện thực hiện, TS. Lê Xuân Trường – Học viện Tài chính.
3. Chống chuyển giá: Những bài học từ Trung Quốc, Ths. Hà Hương Lan - Trường BDCB Bộ Tài chính
4. Chống chuyển giá: Kỳ vọng từ phương thức APA, Hồng Nhung.
5. Nghi chuyển giá, Coca-Cola bị tẩy chay? Bích Diệp, Báo Dân Trí.
6. Chống chuyển giá trên toàn cầu - Khuyến nghị của ActionAid International, Theo TCT online.
7. Chống chuyển giá: Khi Tổng cục Thuế công bố danh tính các "ông lớn"... theo VnEconomy
8. Nghi án Coca-Cola trốn thuế: Truyền thông phải "vạch mặt kẻ gian lận"! Hân Ni, báo Giáo dục VN.
9. "Làm xấu mặt" 14.500 doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, Bích Diệp, báo Dân trí.
10. http://www.longan.gov.vn/chinhquyen/soct/Pages/Lo-dien-hang-tram-doanh-nghiep-co-von-dau-tu-nuoc-ngoai-chuyen-gia.aspx