Là người dân sống ở phố đi bộ Bùi Viện nhiều năm, tôi rất
đồng ý và ủng hộ chủ trương mở rộng phố đi bộ Bùi Viện ra suốt 7 ngày trong
tuần chứ không chỉ có 3 ngày như dự kiến. Phố đi bộ Bùi Viện được mở rộng sẽ
thêm một sản phẩm du lịch đặc thù, tạo thêm không gian vui chơi giải trí và mở
ra nhiều cơ hội phát triển cho người dân tại địa phương.
Tiền thân là phố Tây Bùi Viện, sau bao năm phát triển phố đi bộ Bùi Viện đã
khắc sâu dấu ấn trong lòng người dân thành phố, du khách trong nước, du khách
nước ngoài khi đặt chân đến Tp.HCM. So với trước đây, phố đi bộ Bùi Viện hiện
có lối sống văn minh hơn, kinh tế được cải thiện, cơ hội làm ăn, việc làm cũng
nhiều hơn. Dù có khá hơn nhưng nhược điểm vẫn tồn đọng không ít: tiếng ồn tận
khuya, nạn chèo kéo, tranh giành khách, mua bán ma túy, cướp giật, mại dâm các
kiểu…vẫn rải rác diễn ra. Cần có cuộc khảo sát khoa học để phân tích cặn kẽ
những ưu khuyết, cơ hội, rủi ro, từ đó hoạch định một kế hoạch chi tiết nhằm
định hướng và phát triển toàn diện, lâu dài cho phố đi bộ Bùi Viện.
Để phố đi bộ Bùi Viện trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc thù, một
vài gợi ý xin được đề xuất xem xét thực hiện như sau:
1. Nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu và hệ thống nhận diện thương hiệu cho phố
đi bộ Bùi Viện.
2. Quy hoạch, chỉnh trang các đoạn phố cho khoa học, hợp lý; Phân chia phố
thành các đoạn có chức năng riêng như: lưu trú, vui chơi, ăn uống, giặt ủi, làm
đẹp, đại lý du lịch, mua sắm, ngân hàng,…
3. Lắp đặt thêm các box thông tin du lịch ở đầu các ngõ vào nhằm tiếp thị, quảng
bá sản phẩm, dịch vụ của khu phố; Bố trí người trực để vừa đảm bảo an ninh vừa
giúp đỡ, hỗ trợ du khách khi cần thiết;
4. Hỗ trợ các cửa hàng thiết kế trang trí mặt tiền, vẽ (gắn) logo riêng của phố
đi bộ lên cửa hàng nhằm tạo sự thống nhất và chuyên nghiệp cho toàn khu phố;
5. Có chính sách ưu tiên về thuế (hỗ trợ ban đầu), tư vấn các hộ kinh doanh về
loại hình, sản phẩm, dịch vụ sao cho phù hợp với đặc trưng và định hướng phát
triển phố đi bộ Bùi Viện;
6. Cho phép các hộ chung cư mặt tiền đường Bùi Viện mở cửa hàng mua bán các sản
phẩm lưu niệm, hàng thủ công, sản phẩm gia truyền tại nơi ở; Đa dạng dịch vụ,
loại hình kinh doanh giúp người dân sống trên các chung cư có cơ hội cải thiện
cuộc sống, làm tăng thu nhập và gia tăng nguồn thu cho cơ quan thuế;
7. Các tụ điểm, sân khấu ca nhạc: bổ sung loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian
mang tính truyền thống giúp du khách trải nghiệm và thưởng thức “đặc sản” địa
phương (hiện tại chỉ có các band nhạc trẻ với vài ca sĩ biểu diễn cuối tuần gây
nhàm chán không ít).
8. Phát hành tập giới thiệu về phố đi bộ Bùi Viện, lồng ghép trong đó các chỉ
dẫn mua sắm, tham quan, lối sống; Kêu gọi sự hợp tác của du khách trong nước,
quốc tế nâng cao trách nhiệm để cùng gìn giữ, phát huy sự văn minh, tôn tạo vẻ
đẹp phố đi bộ Bùi Viện;
9. Nâng cao ý thức, quyền lợi của cư dân sống tại đây. Làm gương cho du khách
trong và ngoài nước khi đến lưu trú, tham quan, du lịch tại phố đi bộ Bùi Viện;
10. Bồi dưỡng kỹ năng bán hàng, kỹ năng phục vụ cho các hộ kinh doanh, doanh
nghiệp khi phục vụ khách nước ngoài; Bồi dưỡng thường xuyên lực lượng dịch vụ
công ích, bảo vệ biết giao tiếp du lịch và hỗ trợ du khách thường xuyên.
11. Cần tăng cường giải pháp an toàn an ninh (khung giờ từ 4-5g sáng hiện tượng
cướp giật người nước ngoài khá nhiều), đảm bảo trật tự, tuân thủ pháp luật, có
phương án PCCC cho phố đi bộ trong các ngày hoạt động và đặc biệt…
Mong được các cấp chính quyền đọc, lắng nghe và thực hiện để phố đi bộ Bùi Viện
luôn là hình ảnh đẹp trong con mắt của du khách quốc tế; luôn là điểm đến, điểm
vui chơi của người dân cả nước; luôn là sản phẩm du lịch độc đáo đầy tự hào của
người dân trong khu phố và Thành phố Hồ Chí Minh.
#ÁodàiVânLiên #Nềnnãtrongtừngmốichỉ #Thươnghiệudulịchđịaphương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét