Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

NỀN NÃ ÁO DÀI


Người Việt Nam biết rằng mặc đẹp là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc làm thăng hoa những giá trị của con người. Mặc đẹp sẽ thêm duyên cho bản thân người mặc, làm tăng vẻ thanh quý của cá nhân và đôi khi mặc đẹp chính là phương pháp che dấu những khiếm khuyết của cơ thể nữa. Nhưng để mặc được đẹp thì người mặc sẽ phải mặc những gì?

Ao dài xưa

Áo dài, biểu tượng “văn hóa mặc” của phụ nữ Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20 và cũng là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam hiện đại ngày nay. Áo dài xuất hiện tại Hà Nội vào những năm đầu thế kỷ 20. Nhiều người cho rằng chiếc áo dài là sự tiếp nối áo tứ thân “mớ ba mớ bảy” của các cô gái vùng châu thổ Sông Hồng,  người lại nói áo dài có nguồn gốc từ những chiếc xường xám của Thượng Hải, số khác tranh luận áo dài được cải biên trên nền tảng những kiểu áo truyền thống của phụ nữ các dân tộc ít người Bắc bộ. Người thời ấy cho rằng, áo dài là lễ phục. Do vậy khi ra ngoài đường, dự lễ hoặc trẩy hội thì người thành thị thường mặc áo dài.

Áo dài xứ Bắc

Khi trời nắng nóng, các cô mặc áo dài bằng lụa hay vải mỏng, vải có màu sáng và có hoa văn nhỏ. Mùa lạnh, họ mặc áo dài bằng nhung, len, dạ hoặc mặc lồng hai chiếc áo dài vào nhau cho ấm, có cô mặc thêm áo len ở bên trong hoặc bên ngoài. Phụ nữ lớn tuổi, các cụ già thì mặc áo dài bông nhưng hình thức chiếc áo được may như áo dài bình thường có hai lớp, lớp trong mỏng, lớp ngoài là nhung, satin hoặc gấm hoa. Cũng có khi họ mặc bình thường nhưng bên ngoài là một áo bông ngắn. Áo dài thời ấy có cổ tròn đứng, cao khoảng 1 cm, từ vai đến cổ áo nhỏ dần, dọc ống tay áo có xẻ một đoạn dài 3 cm, khi mặc có thể cài lại bằng nút bấm cho cổ tay áo khít vào tay. Gấu áo (vạt) cách mặt đất khoảng 10 – 20 cm.

Áo miền Trung

Các cô gái miền Trung mặc áo dài năm thân kín cổ. Người lớn tuổi thích mặc áo màu tối, các cô trẻ thì thích mặc áo màu sáng hay thường chọn màu trắng. Áo màu tím thường được phụ nữ Huế chọn dùng và quần là màu trắng ngà (kem trắng), tà áo dài khép kín. Trên cổ, các bà thường đeo kiềng vàng, cổ tay mang vòng hoặc xuyến vàng, chân đi hài thêu hoặc guốc gỗ. Theo một số nhà nghiên cứu thì áo dài của miền Trung có thể được tiếp nối và có sửa đổi từ chiếc áo dài của phụ nữ Chăm, áo của phụ nữ Chăm không có xẻ tà. Tuy nhiên, người ta vẫn cho rằng áo dài Huế có nguồn gốc riêng và phải chăng đó là sự kết hợp giữa trang phục của dân tộc Việt với trang phục của người Chăm từ thưở xa xưa?

Áo phương Nam
Phụ nữ phía Nam có vạt dài đến gối hoặc quá gối một ít, phủ lên quần lĩnh màu đen, ngày thường thì mặc áo bà ba trắng hoặc màu sắc tùy theo sở thích. Tóc chải ngược lên rồi búi gọn sau đầu, cài trâm hoặc lược để giữ búi tóc khỏi tuột. Hàng ngày tóc được chải và được xoa bằng dầu dừa để bảo vệ và để nuôi tóc được óng ả, mượt mà. Còn các cô thiếu nữ hay bỏ tóc thề (để tóc dài), cài lược hoặc kẹp phía trước, có cô bỏ tóc xõa ngang vai về phía sau hoặc cột tóc gọn sau gáy. Nhìn chung các cô gái phía Nam thường thích mang dây chuỗi, dây chuyền vàng quấn nhiều vòng trên cổ, chân đi guốc hoặc đi hài.

Năm 1934 Nhà may Cát Tường cho ra đời kiểu áo dài cách tân với tên gọi “Le Muya” (Le muya được dịch ra từ tên của một họa sĩ Việt Nam là Nguyễn Cát Tường đồng thời Le muya cũng là biệt hiệu của ông ta), áo dài Le muya xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội sau đó lan rộng ra cả nước. Ao Le muya vẫn giữ nguyên phần áo dài may không nối sống bên dưới nhưng có áo cổ khoét hình trái tim, viền đăng ten hoặc kiểu lá sen tròn, có khi là cổ bẻ có gắn nơ, áo có vai bồng, tay măng sét như tay áo sơ mi nam. Vạt áo cắt hình lượn sóng hoặc ghép vải khác màu, đính những đường viềm hoặc đăng ten diêm dúa. Nhiều chi tiết của áo đã vay mượn từ các loại váy áo của phụ nữ Châu Au thời đó. Ao Le muya được đánh giá là táo bạo, phụ nữ ít ai dám mặc chỉ trừ giới nghệ sĩ  hay dân sành điệu mà thôi. 

…Ao Dài nay.



Và như đã nói ở phần trên, mỗi khi có nhu cầu người phụ nữ Việt Nam hay vận chiếc áo dài, thường thì các bà, các cô mặc nó đi ra ngoài trong các dịp lễ lạt, dạy học, liên hoan, cưới hỏi, xem hát,… thời ấy người ta chuộng áo dài do tính trang trọng và quý phái của nó. Bẵng một thời gian rất dài, hiếm khi thấy áo dài xuất hiện trên phố cũng như tại các khu vực công cộng. Giờ lại khác, mỗi khi có việc thì mọi người lại rủ nhau ra chợ tìm vải đẹp, đến các hiệu may uy tín chọn nhà thiết kế để nhờ “design” một bộ cánh mới, lạ, hiện đại nhưng không kém phần trang trọng và hấp dẫn. Khi gia đình có đám cưới: cả nhà háo hức chọn áo dài. Việc chọn áo dài đôi khi tốn rất nhiều thời gian. Cô dâu chọn cho mình những bộ cánh áo dài hợp tính và đẹp nhất, màu sắc nổi bật nhất và cũng cầu kỳ, phức tạp nhất. Theo truyền thống màu được chọn là màu hồng xác pháo hoặc màu đỏ cờ thật tươi bởi màu đỏ tươi chính là màu của hỉ sự, vả lại ngày cưới là ngày trọng đại của cả đời mà! Ngày này, bà con hai họ có đến cả trăm, mọi người ai cũng đổ dồn cặp mắt vào cô dâu chú rể, không chọn lựa cầu kỳ sao được? Thi thoảng cả chú rể cũng chọn cho mình một bộ cánh, ấy là do gia đình vẫn còn theo phong tục xưa, cũng có khi do chú rể muốn tôn vinh truyền thống ông bà, tổ tiên. Nam ít cầu kỳ hơn so với nữ, áo dài nam đơn giản hơn áo dài nữ rất nhiều. Các chú rể thường dùng gấm có màu xanh, đỏ, vàng đồng… in biểu tượng song hỷ hay in hình rồng, áo may rộng rãi không ben, khăn vấn đầu cùng loại với vải áo, quần satin trắng lưng rút, đi guốc mộc là đủ. 


Đôi lúc, trong ngày rước dâu, chú rể chỉ cần đội khăn đóng, mặc áo dài thụng, vận quần tây, mang giày tây là trông oai ra phết! Riêng các bà nhạc hai họ cũng xum xoe không kém, họ chọn cho mình một chiếc áo “ngồi sui” sao cho xứng với vị trí của bậc phụ mẫu. Ao của các bà chất liệu thường là nhung, xô ghép nhung hoặc một loại nào khác tuỳ theo tính cách, nước da, tuổi tác mà các bà chọn màu sao cho phù hợp. Nhung màu rượu bordeux, màu xanh dương đậm, màu đen, màu ve chai,… vẽ hoa văn hay đính kim tuyến để thêm sự tinh tế của chiếc áo dài đồng thời tạo sự trang trọng nổi bật cho các bà. Ở Việt Nam, ngày cưới là ngày hội tụ nhiều chiếc áo dài với nhiều sắc thái độc đáo đặc biệt là ở chốn thôn quê.

Đến áo dài –  thời trang công sở

Xu hướng gần đây, thời trang công sở đang dần trở lại với trang phục truyền thống của dân tộc. Chiếc áo dài nền nã của Việt nam ngày càng được dùng nhiều hơn trong các công ty, xí nghiệp xen kẽ với các mẫu thời trang hiện đại khác. Nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp, các đơn vị kinh tế, các khu vực công cộng như: khách sạn, bưu điện, nhà sách … qui định hẳn đồng phục giới nữ của đơn vị mình là chiếc áo dài và bắt buộc nhân viên phải mặc đúng áo dài khi đến công sở.
Ao dài Việt nam không còn bó hẹp trong phạm vi của các doanh nghiệp trong nước,  các công ty quốc doanh, các trường học… mà ngay cả những đơn vị liên doanh hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: ngân hàng, khách sạn, khu du lịch,… cũng đã chọn áo dài là đồng phục cho nữ nhân viên của mình.


Chất liệu cho áo dài công sở ngày nay cực kỳ phong phú và đa dạng. Các loại voile mỏng, mềm mại với nhiều màu sắc tạo vẻ thướt tha tà áo. Lụa cao cấp tơ tằm thiên nhiên có độ bóng cao, bền, hoa văn lạ và đẹp làm tăng tính sang trọng của phụ nữ trong công sở đồng thời tạo cảm giác mát mẻ, dễ chịu khi mặc. Gấm thì dày, hơi cứng  đôi khi không phù hợp với thời tiết nắng nóng kéo dài…. Nhìn chung, thời trang áo dài đang từng bước khẳng định mình nơi công sở mà trước đây “thánh địa” ấy chỉ dành riêng cho đồ kiểu phương Tây: quần tây – sơ mi, váy – sơ mi, comple đồng phục, …

Ao dài tạo nên phong cách riêng cho đơn vị


Khoa du lịch Trường Đại học DL Văn Hiến chọn áo dài có màu xanh nhạt của biển làm đồng phục cho nữ sinh viên của khoa. Điều đó đã được đánh giá rất cao từ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, thể hiện sự lịch lãm, nền nã nhưng không thiếu vẻ chuyên nghiệp trong đào tạo.
Nhà sách Nguyễn văn Cừ chọn áo dài với bảy sắc áo, một bộ đồng phục gồm bảy chiếc tương ứng mỗi ngày một màu thể hiện một nét lạ trong phong cách của các nhân viên nhà sách.
Lướt qua các hội chợ chuyên đề mang tính quốc tế hay hội chợ lớn được tổ chức hàng năm tại Tp.HCM không biết do vô tình hay hữu ý mà hầu như tất cả nhân viên của các gian hàng tham dự hội chợ đều đồng phục áo dài trong các ngày khai mạc?

Ao dài Việt Nam đang ở đỉnh cao của thời kỳ hoàng kim và thật sự vượt qua được những định kiến của xã hội, những rào cản về văn hóa, những bất đồng về ngôn ngữ … để vươn lên như một tinh hoa đẹp nhất của dân tộc Việt nam. Ao dài trở thành một sản phẩm độc đáo đạt đến trình độ tuyệt mỹ trong đường nét và có sức hút kỳ lạ cho giới sáng tác. Xưa mà không cũ, áo dài chính là kết tinh trí tuệ vừa mang tính truyền thống vừa đáp ứng tính hiện đại vừa thể hiện tính mẫu mực mà cũng vừa sang trọng, quý phái.

Địa chỉ mà quý bà, quý cô có thể mua hoặc may áo dài đẹp:
1. Nhà thiết kế Thuận Việt 213, Đồng Khởi, Quận 1
2. Nhà may Vân Liên 155/303 Bùi Viện, Quận 1 (0908192741)

2 nhận xét:

  1. Vậy muốn may áo dài đẹp thì đến đâu nhỉ?
    Cho địa chỉ đi Vũ ơi!

    Trả lờiXóa
  2. Mượn để đăng vào đây nhé: http://www.vncgarden.com/i-think/Nen-na-ao-dai

    Hoặc http://www.vncgarden.com

    Trả lờiXóa