Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

HỘI AN – vùng cổ tích riêng cho người du lịch

Phố cổ Hội an, di sản thế giới

Tháng 12 năm 1999, Tổ chức Văn hóa, khoa học, giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận khu phố cổ ở Thị Xã Hội An là di sản văn hóa của thế giới và Hội An trở thành một trong bốn di sản thế giới tại Việt Nnam.
Di sản thế giới Phố cổ Hội An có 1360 di tích, danh thắng được phân thành 11 loại hình gồm: nhà cổ, mộ cổ, miếu thờ, giếng nước … riêng khu vực đô thị Hội An có hơn 1100 di tích trên tổng số đó. Ngoài giá trị văn hóa đồ sộ to lớn, Hội An còn lưu giữ một di sản phi vật thể phong phú vàcực kỳ đa dạng, biểu hiện qua các lễ hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian cùng với các làng nghề truyền thống khác.

Nhà cổ trong … phố cổ

Phố cổ Hội An nổi tiếng nhờ những … nhà cổ.

Cho đến nay, ở Hội An là nơi có nhiều nhà còn lợp ngói âm dương, một loại ngói mang phong cách rất đặc trưng, có hình dáng cong cong, chắc chắn và chịu lực tốt. Nhà cổ càng thêm … cổ do bao năm tháng nhuốm bụi thời gian, mái ngói trên nhà bị những mảng rêu phong xanh rì bám chặt, giá trị càng được gia tăng lên nhờ những mảng rêu phong ấy và chúng cũng chính là chứng nhân lịch sử qua bao cuộc thăng trầm của thế sự. Giá trị về chất xưa cổ của Hội An càng dày lên nhờ những lớp bụi thời gian ấy.

Các ngôi nhà cổ ở Hội An thường có dạng nhà ống rất hẹp và người ta còn có thể gọi dưới một cái tên khác là nhà ruột ngựa. Gọi là nhà ruột ngựa bởi vì nhà có bề ngang rất hẹp, bình thường chỉ khoảng từ 3m đến 4m trong khi đó chiều dài lại rất dài từ 30m đến 40m. Do nhà quá dài nên đoạn giữa của chiều dài căn nhà người Hội An thường “khoét” một giếng trời để thông khí và lấy ánh sáng và do có nhiều ánh sáng lại thoáng khí nên người ta trồng nhiều loại hoa kiểng ở những nơi này, giúp không gian sống ở nơi đây thêm nhiều ý nghĩa, gần gũi với thiên nhiên, với cái tĩnh tại của vô vi.

Nhà là nơi che chở, nhà là mái ấm của con người, nhà là tình thương nuôi dưỡng con người khôn lớn và trưởng thành. Người Hội An quan niệm rằng, nhà cũng giống như con người, mang hơi thở của con người, hiểu biết và cảm nhận mọi vật một cách chân tình, nhà cũng có cái khí, cái thần riêng của nó nên trước cửa của mỗi nhà người Hội An thường gắn một vật có hình khối tròn tượng trưng cho “con mắt cửa”. “Con mắt cửa” này thường có hình thái của Lưỡng nghi hoặc Bát quái đồ hình trong Dịch học.

Đêm rằm phố cổ – Đêm hồn phố

Có lưu lại phố cổ vào những đêm rằm du khách mới thấy hết, mới cảm nhận được hết cái tinh tế của Hội An. Là nơi hội tụ, hòa quyện nhiều nền văn hóa: Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa, các nước Phương tây,… các dấu tích ở Hội An đã góp phần dần hình thành nên “một hồn phố”. Cái hồn phố này đã chất chứa qua bao thế kỷ giờ mới được khám phá và được khai thác. Phố cổ vào những đêm rằm như sáng hơn, lung linh hơn, trăng như tròn hơn soi bóng xuống dòng sông Thu Bồn thơ mộng. Chất cổ như được nhân lên nhiều lần bởi hàng trăm đèn lồng đủ màu sắc đang lung linh trong gió trước hiên nhà. Đến Hội An để được đắm mình trong bầu không khí ấm cúng đó, được nghe những làn điệu du dương của các khúc dân ca, được dạo bước trên góc phố xưa trong cảnh thanh bình sẽ đưa du khách về một vùng cổ tích rất riêng và chỉ riêng Hội an mới có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét