Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

CON NGƯỜI TÀI NĂNG – NGUỒN NHÂN LỰC CẦN ĐƯỢC CHUẨN BỊ CHO TPP


 TÓM TẮT
Trong các cách để tạo ra năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp khi bước vào TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương), con người tài năng chính là nguồn nhân lực cạnh tranh hữu hiệu nhất. Nó không chỉ mở ra cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp mà còn là cơ hội việc làm và học tập rất lớn cho người lao động nói chung và lực lượng đông đảo sinh viên Việt Nam nói riêng, lợi thế thông qua con người tài năng được xem là yếu tố quan trọng nhất.
ABSTRACT
When Vietnam joins in TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement), talent people are main power to compete with other countries in trade. Companies will grow rapidly their business if they have many talent people. Beside of, there are many students and young men to take the opportunity to improve their studying when Vietnam will be a member TPP.  
Từ khóa: TPP, con người tài năng, gia nhập TPP, hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương. Điều kiện tham gia TPP.
1. KHÁI LƯỢC TPP
 “Việt Nam được hưởng lợi nhiều trong số các nước đang đàm phán TPP, với tăng trưởng GDP và xuất khẩu có tiềm năng lớn hơn bất kỳ nước đối tác nào tham gia TPP. Nếu Việt Nam tận dụng được lợi thế đầy đủ, TPP sẽ cho phép khu vực tư nhân tiếp cận nhiều hơn các thị trường trọng điểm, kích thích cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài, giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cho chuỗi cung ứng quan trọng, mang lại lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam. TPP cũng sẽ hỗ trợ mục tiêu chiến lược của Việt Nam nhằm công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Việc Việt Nam tham gia TPP có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ vì nó sẽ thúc đẩy lòng tin của giới đầu tư và tạo thêm nhiều cơ hội làm ăn, kinh doanh tại đây”. Phát biểu của Ông Adam Sitkoff - CT Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội.
Bà Phạm Chi Lan, kinh tế gia nổi tiếng của Việt Nam đã nêu nhận xét về lợi ích khi gia nhập TPP: “Cơ hội để Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh, cụ thể là tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Môi trường kinh doanh này tạo ra phát triển kinh tế, xã hội và chính trị, đưa đất nước đến tự do”.
Tổng thống Mỹ Obama đã khẳng định với người đồng cấp Mexico Enrique Peía Nieto và Thủ tướng Canada Stephen Harper rằng, Mỹ cam kết thông qua TPP trong năm 2014. Thông tin được loan báo bởi một quan chức Nhà Trắng vào trung tuần tháng 2/2014. TPP cũng là chủ đề chính trong chuyến công du của ông Obama thăm bốn nước Châu Á vào tháng 4/2014.
TPP đang được bàn thảo rốt ráo trên phạm rộng rãi của thế giới bởi lẽ TPP vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội cho các nước. Tại Việt Nam, TPP mở ra nhiều cơ hội rất lớn cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Cánh cửa TPP mở ra là cơ hội cho những người trẻ vươn mình lớn dậy bước ra cạnh tranh và khẳng định trước cuộc chơi của thế giới.
1.1 TPP là gì?
TPP là chữ viết tắt của Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương), là một Hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn cao với phạm vi điều chỉnh rộng, bao gồm hầu hết các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường...
Hiệp định này được ký kết ngày 03.60.2005, có hiệu lực từ 28.05.2006 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei. Tháng 09.2008, Hoa Kỳ bày tỏ đàm phán để tham gia TPP. Tháng 11.2008, các nước khác là Australia, Peru, Việt Nam cũng thể hiện ý định gia nhập. Tháng 10.2010, Malaysia chính thức thông báo muốn đàm phán tham gia TPP.
Năm 2010, có hai vòng đàm phán TPP cấp cao đã được tiến hành với sự tham gia của 4 nước thành viên cũ và 4 nước mới. Ngoài ra còn có một cuộc đàm phán giữa kỳ vào tháng 08.2010 tại Peru và một đàm phán vừa tiến hành tại Brunei (từ ngày 04 – 08.10.2010). Ngày 13.11.2010, Việt Nam tuyên bố tham gia vào TPP với tư cách thành viên đầy đủ. TPP được xem là thỏa thuận chiếm 40% GDP toàn cầu và chiếm khoảng 30% mậu dịch quốc tế.
Việt Nam tin rằng TPP sẽ tạo điều kiện tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu tại các thị trường mới, cũng như duy trì các thị trường truyền thống.
Trong những năm qua, 50% đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là từ các nước thành viên TPP.
TPP dự kiến sẽ giúp nhiều ngành tại Việt Nam như may mặc, giày da, đồ gỗ…và khiến các sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh hơn các sản phẩm của các nước khác. 
1.2 TPP – Điều kiện tham gia  
Khi muốn gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), quốc gia nào có đủ điều kiện thì được kết nạp. Việt Nam phải mất 12 năm mới được vào, Trung Quốc đến 15 năm và Nga phải chờ đến 18 năm để hoàn tất các điều kiện căn bản cho một nền kinh tế thị trường tự do.
Ở TPP, việc tham gia thông qua các cuộc đàm phán giữa các bên, tức là các nước phải thương lượng với nhau.  
1.3 TPP - Các thành viên
TPP nếu được ký kết sẽ giúp đẩy mạnh sự phát triển của các nền kinh tế, xóa bỏ rào cản về thương mại và đầu tư, tăng xuất khẩu và tạo thêm các cơ hội việc làm. Hiện có 12 nước tham gia đàm phán TPP, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Đàm phán TPP hiện đã kết thúc phán phiên thứ 20 và đang phấn đấu hoàn thành trong năm 2014.
1.4 TPP - Việt Nam và những ngành được lợi
Khi bước chân vào TPP, sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và các thành viên có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thu nhận khoa học kỹ thuật tiến bộ, nhất như Hoa Kỳ, Úc, Singapore và New Zealand khi thật sự mở cửa cho các thành viên đó đầu tư vào Việt Nam.
Lợi ích mà Việt Nam sẽ có là được tiếp cận nhiều hơn với thị trường mà thuế quan rất thấp dành cho các thành viên của TPP. Có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn trong khi Việt Nam cần nhiều vốn và kỹ thuật cao. Cơ hội để các mặt hàng chủ yếu của Việt Nam vào thị trường rộng lớn với mức thuế quan rất thấp, đưa đến việc miễn thuế. Việt Nam nếu hội đủ tiêu chuẩn của một nền kinh tế thị trường tự do, thì tất cả đi đến miễn thuế. (Theo Luật sư Eric C. Emerson - Công ty luật Steptoe&Johnson).
1.4.1 Ngành dệt may- da giày
Bước vào TPP, Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu dệt may, giày dép vào các thị trường lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ (hiện đóng góp 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) với lợi thế cạnh tranh hơn các nước khác. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chủ lực của Việt Nam là dệt may đạt gần 18 tỷ USD năm 2013, duy trì tốc độ tăng trưởng 18%; trong đó khoảng 44% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Mỹ, 12% vào Nhật và 4% vào các nước TPP còn lại. Như vậy, khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam được xuất khẩu vào các nước trong khối TPP. Với mặt hàng da giày, Việt Nam xuất khẩu gần 8,4 tỷ USD năm 2013, trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm 28%. Nếu hiệp định TPP được ký kết, hàng dệt may và da giày của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0% thay vì 7% và 12% như hiện nay.
1.4.2 Ngành lúa gạo
Mặt hàng lúa gạo có cơ hội tăng trưởng lớn vì các đối thủ chính là Thái Lan, Ấn Độ chưa tham gia đàm phán TPP. Tham gia TPP với các thành viên chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, có thể giúp GDP tăng thêm khoảng 26,2 tỷ USD.
1.4.3 Ngành hàng đồ gỗ và nội thất
Là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch năm 2013 đạt 5,496 tỷ USD, chiếm khoảng 23% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Việc tham gia TPP và được hưởng ưu đãi thuế sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho mặt hàng xuất khẩu này.
1.4.4 Ngành hàng thủy sản, nông sản
Là nhóm hàng xuất khẩu Việt Nam có lợi thế so sánh cao. Kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng lớn thứ 4 (sau dệt may, đồ gỗ và da giày), trong đó thủy sản chiếm 5,5% và nông sản chiếm 2,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
1.5 TPP – Việt Nam và những ngành bất lợi  
1.5.1 Ngành công nghiệp ôtô
Các doanh nghiệp ngành này sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài khi Việt Nam mở cửa thị trường hoàn toàn cho Hoa Kỳ và Nhật Bản theo TPP. Hơn nữa, công nghiệp phụ trợ đối với ngành công nghiệp ô tô hiện nay ở Việt Nam rất kém, quy mô thị trường nhỏ là những điểm bất lợi trong thu hút đầu tư vào ngành này.
1.5.2 Các sản phẩm nông nghiệp và thủy hải sản
Các mặt hàng chăn nuôi như thịt gà, lợn, bò... vốn là ngành lợi thế của Hoa Kỳ hoặc mặt hàng đường là thế mạnh của Australia. Việc giảm thuế quan khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng, do giá cả cạnh tranh hơn, hệ quả tất yếu là thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn. Đối với hàng thủy sản, vốn thuế suất không còn là rào cản chính, song các biện pháp kiểm dịch SPS có thể lại trở nên ngặt nghèo hơn.
1.5.3 Ngành dược phẩm
Vấn đề sở hữu trí tuệ đối với ngành dược phẩm đòi hỏi yêu cầu rất cao, đó là nâng cao mức độ bảo hộ sáng chế và vấn đề dược phẩm, nâng cao mức độ bảo hộ dữ liệu thử nghiệm cho dược phẩm và nông hóa phẩm, sẽ là cản trở lớn đối với các doanh nghiệp dược phẩm trong nước khi cạnh tranh với các hãng dược phẩm nước ngoài trong quá trình mở rộng thị trường, cũng như khả năng tiếp cận giá thuốc rẻ của người tiêu dùng Việt. Đây luôn là vấn đề khó khăn đối với các nước đang phát triển trong đàm phán thương mại quốc tế.
1.5.4 Ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng
Tham gia TPP sẽ là thách thức rất lớn đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng của Việt Nam. Các đối tác đàm phán TPP đều là những nước có thị trường tài chính, ngân hàng rất phát triển (Hoa Kỳ, Australia, Singapore) hoặc đã mở cửa cho sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (New Zealand), hoặc lợi ích sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi việc mở cửa thị trường tài chính ngân hàng (Brunei). Do vậy, trong khuôn khổ đàm phán TPP, các nước phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ và Australia sẽ có nhiều thuận lợi khi đưa ra những yêu cầu cao về mở cửa thị trường, vô hình chung gây sức ép đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Những ngành trên đây đều là ngành có đông đại diện trong BXH Fast500 năm 2013 (500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam), với tốc độ tăng trưởng doanh thu kép - CAGR trung bình ngành trong giai đoạn từ 2009 - 2012 đạt mức cao, đều trên mức trung bình toàn bảng xếp hạng là 44,7% cho thấy tiềm năng phát triển của những ngành này trong tương lai cũng được đánh giá khá tốt. Vì vậy, tận dụng tốt cơ hội, tiên lượng và hạn chế những rủi ro đi kèm khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên TPP sẽ là bước đệm đưa nền kinh tế Việt Nam bắt kịp với nhịp tăng trưởng của toàn cầu.
2. TPP - Cơ hội chuyển mình của sinh viên Việt Nam
Hàng năm, lượng sinh viên tốt nghiệp của các trường đại học ở Việt Nam gia nhập vào thị trường lao động trong nước và quốc tế ngày càng nhiều. Theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục & Đào tạo, tính đến thời điểm tháng 6/2012, hàng năm có khoảng gần 319.000 sinh viên đại học, cao đẳng và hơn 15.000 học viên cao học, nghiên cứu sinh tốt nghiệp ra trường. Điều này làm tính cạnh tranh trên cả hai thị trường cũng gia tăng. Những sinh viên nào nhận thức đúng về sự cạnh tranh việc làm sau khi tốt nghiệp và có sự chuẩn bị trước cho mình khả năng cạnh tranh sẽ nỗ lực học tập, thực học, tự khẳng định được giá trị bản thân ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường và họ sẽ thành công.
Trong thực tế, khả năng cạnh tranh cao đã tạo ra cơ hội cho một số sinh viên trở thành những “công dân toàn cầu”, sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau, tìm được chỗ đứng của mình trên thị trường lao động quốc tế vốn dĩ rất khắt khe trong các tiêu chí tuyển dụng và làm việc. Tại thị trường lao động trong nước, khá nhiều sinh viên được tuyển dụng vào những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có môi trường và không gian làm việc tốt, cơ hội phát triển nghề nghiệp rộng mở mặc dù mức lương có thể chưa được cao như mong muốn.
Trong các cách để tạo ra năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp khi bước vào TPP, con người tài năng chính là nguồn nhân lực cạnh tranh hữu hiệu nhất. Nó mở ra cơ hội học tập rất lớn cho người lao động nói chung và lực lượng đông đảo sinh viên Việt Nam nói riêng, lợi thế thông qua con người tài năng được xem là yếu tố quan trọng nhất. Bởi lẽ, con người được xem là nguồn lực căn bản và có tính quyết định của mọi thời đại. Nguồn lực từ con người là yếu tố bền vững và khó thay đổi trong mọi tổ chức, doanh nghiệp. Năng lực thông qua con người tài năng ở các doanh nghiệp được hiểu như là khả năng của đội ngũ nhân viên trong doanh nghiệp. Nguồn nhân lực đóng góp cho sự thành công của doanh nghiệp trên các khía cạnh chất lượng cao, dịch vụ tuyệt hảo, khả năng đổi mới; kỹ năng trong công việc cụ thể; và năng suất của đội ngũ nhân viên. Đây là những yếu tố then chốt mang lại sự thành công của các tổ chức, doanh nghiệp trước thềm TPP.
2.2 Chiến lược con người tài năng - nguồn nhân lực cần được chuẩn bị cho TPP
Đừng để bị động trong cuộc chiến cạnh tranh sắp tới, cũng đừng để vuột mất cơ hội tiềm tàng khi tham gia sân chơi TPP. Năng lực cạnh tranh mạnh mẽ nhất thông qua yếu tố con người tài năng thường mang tính bền vững vì nó không thể xác lập trong một thời gian ngắn. Con người tài năng phải được xem là nguồn nhân lực cốt lõi của đất nước sẽ mang sự khác biệt và mang lại lợi thế cạnh tranh cho từng công ty. Mặt khác các hoạt động nguồn nhân lực cũng cần có sự kết hợp nhau để hợp lực tạo ra khả năng bảo đảm sự thành đạt mục tiêu của đất nước.
Trong bối cảnh đó, tìm kiếm, xây dựng những lợi thế cạnh tranh mới để thu hút vốn FDI và bình đẳng trước cuộc chơi là yêu cầu cấp bách hiện nay. Lợi thế cạnh tranh đó phải là con người tài năng - nguồn nhân lực chất lượng cao, đó cũng chính là hạ tầng cơ sở hiện đại, là hệ thống pháp luật đồng bộ.
Tuy nhiên, điều băn khoăn là không thể nhanh chóng tạo dựng được những lợi thế cạnh tranh mới này, nó đòi hỏi cả quá trình lâu dài, mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Nhưng nếu không thực hiện từ bây giờ, không nỗ lực quyết tâm để tạo thế đứng trong cuộc chơi thì chắc chắn Việt Nam sẽ bị mất điểm trong con mắt của những nhà đầu tư nước ngoài và những cơ hội vào TPP của Việt Nam sẽ vụt mất. Khi môi trường mang tính cạnh tranh, hấp dẫn thì con người tài năng – nguồn nhân lực chất lượng cao cần thiết hơn bao giờ hết.   
3. KẾT LUẬN
Lợi ích từ TPP được đề cập rất nhiều từ các báo cáo khắp trong ngoài nước. Nhưng cho dù lợi thế có thiết thực đến đâu đi nữa thì Việt Nam vẫn rất cần đội ngũ con người tài năng đủ tầm, đủ sức để thừa hành và đảm đang các trọng trách như mong đợi.
Các đại học Việt Nam có nhiều sức mạnh tiềm tàng vì chứa đựng bên trong lực lượng lao động trẻ, hùng mạnh và dồi dào. Nếu như các trường đều ý thức, cùng bắt tay hành động mạnh mẽ đối phó với các nguy cơ ngắn hạn và theo đuổi chương trình tập trung vào chất lượng và trí tuệ dài hạn, đào tạo tốt lao động trẻ Việt Nam trở thành những con người tài năng, chắc chắn rằng Việt Nam có thể bước vào TPP với làn sóng tăng trưởng và thịnh vượng lâu bền.
4. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đoàn Gia Dũng (2012), Bàn về sự tích hợp chiến lược nguồn nhân lực với chiến lược công ty (Integrating human resource strategy into the corporate strategy), Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
[2]. Hải Thu (2013), Tạo lợi thế cạnh tranh mới để thu hút FDI, báo Thanh Niên Chủ nhật.
[3]. PGS.TSKH. Bùi LoanThùy (2012), Nâng cao sức cạnh tranh cho sinh viên Việt Nam trên thị trường lao động trong nước và quốc tế, tạp chí PHÁT TRIỂN & HỘI NHẬP.
[4]. Huỳnh Nga (2009), Lợi thế khi chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, báo Người Lao Động.
[5]. GS. Lương Xuân Quỳ (2014), Việt Nam và Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tạp chí Phát triển và hội nhập.
[6]. Bảo Trân(2012), 10 bất ngờ của Việt Nam, Tạp chí Foregin Policy.
[7]. Hoàng Phi (2014), HSBC đề cao lợi ích của Việt Nam trong TPP, Thời báo Kinh tế Sài Gòn online. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét