Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VÀ CÁC CÔNG CỤ TIẾP THỊ HIỆN ĐẠI CHO DOANH NGHIỆP DU LỊCH, KHÁCH SẠN

TÓM TẮT
Bài nghiên cứu chia sẻ những kiến thức thực tiễn trong việc tiếp thị dịch vụ cho ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng bằng các công cụ của thương mại điện tử; Cách tận dụng những lợi điểm và khai thác những cơ hội của thương mại điện tử; Cách quảng cáo, tuyên truyền, thông tin qua các phương tiện khác nhau trên internet nhằm làm gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Các công cụ dùng để tiếp thị, truyền thông trực tuyến như blog, website, tiểu blog, diễn đàn, mạng xã hội và các công cụ khác được trao đổi cụ thể và chi tiết trong bài viết. Tìm hiểu các xu hướng tiếp thị mới thời kỳ bùng nổ thương mại điện tử là việc làm thường xuyên của các doanh nghiệp dịch vụ. Ba xu hướng mới có mối quan hệ mật thiết với nhau đang làm chuyển đổi hệ thống tiếp thị hiện đại trên thế giới đó chính là quyền của người tiêu dùng ngày càng được đề cao; sự tăng trưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng dựa trên sự tương tác mạng internet và sự gia tăng không ngừng về tính phức tạp của tiếp thị.
Keywords: công cụ tiếp thị, tiếp thị trực tuyến, thương mại điện tử, công cụ tiếp thị hiện đại, xu hướng tiếp thị mới.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Tại những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả thì blog, website, dịch vụ tiểu blog, diễn đàn, mạng xã hội, SEO, SEM…là những công cụ chính dẫn dắt khách hàng đến quy trình quyết định mua sản phẩm, dịch vụ. Doanh nghiệp du lịch, khách sạn có lưu lượng truy cập của khách hàng tiềm năng nhiều sẽ không mang ý nghĩa nếu công suất phòng không tăng, lợi nhuận cũng không tăng. Khi sức mạnh nội tại của doanh nghiệp được phát huy như ý thức làm việc cao, duy trì lợi nhuận tăng trưởng, giữ chân lâu dài lượng khách hàng gắn bó điều đó phản ánh người làm marketing đã nỗ lực thực hiện nhiều thay đổi trong một kế hoạch marketing điển hình, sử dụng công cụ tiếp thị trực tuyến hiệu quả, thiết kế nội dung tối ưu cho website chính là hệ quả tích cực của thương mại điện tử.
2. NỘI DUNG
Thương mại điện tử bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình, cả các sản phẩm giao nhận cũng như những thông tin số hóa thông qua mạng Internet. (WTO)
Thương mại điện tử liên quan đến các giao dịch thương mại trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các nhóm (cá nhân) mang tính điện tử chủ yếu thông qua các hệ thống có nền tảng dựa trên Internet. (APEC)
Thương mại điện tử chỉ xảy ra trong môi trường kinh doanh mạng internet và các phương tiện điện tử giữa các nhóm (cá nhân) với nhau thông qua các công cụ, kỹ thuật và công nghệ điện tử. Ngoài ra, theo nghiên cứu các học giả cho rằng thương mại điện tử và kinh doanh điện tử đều thuộc về nền kinh tế internet. (ĐH Texas)
Thương mại điện tử ngày nay liên quan đến tất cả mọi thứ từ đặt hàng nội dung kỹ thuật số cho đến tiêu dùng trực tuyến tức thời, để đặt hàng và dịch vụ thông thường đều tạo điều kiện thuận lợi cho các dạng khác của thương mại điện tử.
Ở cấp độ tổ chức, các công ty lớn và các tổ chức có sử dụng internet để trao đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh trong nước và quốc tế. Tính toàn vẹn của dữ liệu và tính an ninh là các vấn đề rất nóng gây bức xúc trong thương mại điện tử. Mô hình kinh doanh trên toàn cầu tiếp tục thay đổi đáng kể với sự ra đời của thương mại điện tử. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cũng đã đóng góp vào sự phát triển của thương mại điện tử. Thương mại điện tử đã trở thành một công cụ quan trọng cho thương mại quốc tế không chỉ bán sản phẩm mà còn quan hệ với khách hàng.
2.2. Ứng dụng thương mại điện tử vào kinh doanh du lịch, khách sạn
Việc lệ thuộc chủ yếu vào các kênh marketing truyền thống như quảng cáo hay quan hệ công chúng để đưa thông điệp đến người tiêu dùng đã trở nên lỗi thời. Thay vào đó, người làm marketing hiện đại tiếp cận khách hàng trực tiếp thông qua mạng internet. Các doanh nghiệp du lịch, khách sạn đều có thể tận dụng sức mạnh của internet để định vị thương hiệu của doanh nghiệp mình ở một tầm cao mới.
Doanh nghiệp du lịch, khách sạn chứng tỏ năng lực chuyên môn của mình dưới nhiều hình thức khác nhau: website, blog, diễn đàn, mạng xã hội, v.v. Những hình thức mới này cho phép doanh nghiệp du lịch, khách sạn cung cấp thông tin phù hợp vào đúng thời điểm mà người tiêu dùng tiếp thu dễ nhất. Doanh nghiệp cũng có thể trực tiếp truyền tải các nội dung mang nhiều thông tin phong phú và sâu sắc bằng lối trực tuyến hoặc tương tác và tham gia vào các đề tài thảo luận do người tiêu dùng khởi xướng trên các blog, diễn đàn.
Doanh nghiệp du lịch, khách sạn xây dựng niềm tin và lòng trung thành của khách hàng thông qua nội dung truyền đạt trên mạng internet. Người làm marketing ngày nay đóng vai trò như một nhà xuất bản thông tin để kiến tạo và truyền tải nội dung trực tiếp đến khách hàng. Mô hình xuất bản thông tin trên internet không cường điệu hóa các thông điệp mà nói về quá trình truyền tải thông điệp đúng nơi, đúng lúc góp phần đưa nhãn hiệu của doanh nghiệp du lịch, khách sạn vươn lên vị trí cao hơn. Khi hiểu được khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp có thể xây dựng một chiến lược phát triển theo lối riêng của họ.
Doanh nghiệp du lịch, khách sạn phải tập trung vào khách hàng và đáp ứng nhu cầu của họ. Để thực hiện thành công việc này, người làm marketing phải mang tư duy của một nhà xuất bản, phải thấy rằng họ đang là người cung cấp thông tin, xem thông tin như một tài sản giá trị vì trên internet, nội dung đóng vai trò tối quan trọng.
Nhà xuất bản bắt đầu bằng việc xây dựng chiến lược, sau đó tập trung vào cách thức và thiết kế nội dung. Họ phân tích và xác định đối tượng mục tiêu, xem xét những nội dung cần thiết để truyền tải đến đối tượng. Một chiến lược marketing hiệu quả là phải lôi kéo khách hàng hành động. Các doanh nghiệp du lịch, khách sạn hiểu được những quy tắc này là những doanh nghiệp có mục tiêu kinh doanh rõ ràng nhằm thu hút du khách khẳng định và tạo doanh thu từ sản phẩm, dịch vụ mình cung cấp.
2.3. Các công cụ tiếp thị trực tuyến cho doanh nghiệp du lịch, khách sạn
Tiếp thị trực tuyến đóng vai trò quan trọng không kém gì công việc tiếp thị và quảng bá thương hiệu truyền thống. Với 28.5 triệu người dùng internet năm 2010 thì internet đã chiếm 30% dân số, chiếm 99% những người có thu nhập và dân trí cao nhất ở Việt Nam. Tận dụng marketing trực tuyến trên internet là thực hiện hiệu quả các công cụ dưới đây:
2.2.1 Website 
Website của doanh nghiệp du lịch, khách sạn là trang thông tin trực tuyến nhằm cung cấp thông tin về doanh nghiệp cho cộng đồng. Hầu hết mọi doanh nghiệp có tương tác với công chúng đều sở hữu một website. Các doanh nghiệp lớn thường xây dựng website chính dành cho tất cả các nhãn hiệu và công ty con của mình. Website của doanh nghiệp du lịch, khách sạn phục vụ nhu cầu của nhiều nhóm lợi ích khác nhau: ứng viên xin việc, nhà đầu tư, báo chí, khách du lịch, xã hội và do vậy thường mang những chức năng chung sau:
-         Trang chủ.
-         Thanh định hướng, hay các phương tiện khác nhằm hỗ trợ người dùng truy cập đến mọi thành phần của trang web.
-         Biểu tượng, khẩu hiệu của doanh nghiệp.
-         Trang giới thiệu nhằm mục đích thông tin tổng quan về doanh nghiệp.
-         Các trang khác nhằm phục vụ cho một nhóm lợi ích nhất định.
-         Đặt dịch vụ.
-         Thông tin liên lạc.
-         Khác
Ngoài website chính, doanh nghiệp đôi khi cũng sử dụng những trang dành cho các chiến dịch marketing nhất định, tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn. Một trong những kỹ thuật marketing được sử dụng nhiều nhất để quảng bá một website là “Tối ưu hóa website cho cỗ máy tìm kiếm” (Search Engine Optimization). Đây là một tập hợp các phương pháp nhằm nâng cao thứ hạng của một website trong các trang kết quả của các công cụ tìm kiếm và có thể được coi là một lĩnh vực của tiếp thị qua công cụ tìm kiếm.
2.2.2. Blog
Xuất hiện từ giữa thập niên 90, blog là từ viết gọn của Weblog, một thuật ngữ thường dùng để nói về nhật ký cá nhân trực tuyến. Blog thuần túy mang hình thức của một trang nhật ký cá nhân, được viết và cập nhật thường xuyên, mọi người trên internet đều có thể đọc được. Các bài viết thường xuất hiện theo trình tự ngược thời gian, bài mới nhất xuất hiện ở đầu trang, các bài tiếp theo nằm ở phía dưới, người đọc có thể xem các bài viết cũ thông qua liên kết lưu trữ ở cuối hay hai bên trang. Blog có nội dung hết sức đa dạng vì phản ánh sự đa dạng trong tư duy của con người.
Khi Weblog ngày càng phổ biến, doanh nghiệp du lịch, khách sạn và các công ty truyền thông bắt đầu sử dụng blog một cách chuyên nghiệp nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh của mình. Blog của doanh nghiệp thường do đội ngũ nhân viên, người phát ngôn viết. Một số giám đốc điều hành, quản lý của các tập đoàn lớn cũng viết blog.
Doanh nghiệp thường dùng blog để công bố sản phẩm mới, giải thích và làm sáng tỏ các chính sách, xử lý những chỉ trích của công chúng đối với những vấn đề nhất định. Thông qua blog, người đọc cũng hiểu được phần nào văn hóa doanh nghiệp. Do mang bản chất của blog, nên dù chuyên nghiệp hơn blog cá nhân, blog doanh nghiệp vẫn mang tính chủ quan, nhưng là quan điểm chân thật và trực tiếp hơn các kênh giao tiếp truyền thống.
Blog còn mang lại cho doanh nghiệp giá trị bổ sung bằng cách làm tăng thêm uy tín của doanh nghiệp, điều mà trang web không mang lại được. Ngôn ngữ gần gũi và tính kịp thời của thông tin góp phần nâng cao sự minh bạch và uy tín của hình ảnh doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp du lịch, khách sạn nói riêng.
2.2.3. Diễn đàn
Diễn đàn là một trang thảo luận trực tuyến. Người tham gia diễn đàn có thể tạo dựng mối quan hệ với nhau và các nhóm lợi ích có thể dễ dàng hình thành quanh cuộc thảo luận về một đề tài nào đó. Xét về mặt công nghệ thì đây là một ứng dụng web nhằm quản lý những nội dung do người dùng tạo ra. Hầu hết các diễn đàn đều yêu cầu người dùng đăng ký và đăng nhập để gửi bài, đây là những thành viên của diễn đàn. Diễn đàn được quản lý bởi ban quản trị và người điều hành, chịu trách nhiệm về nội dung, quy định và kỹ thuật. Một diễn đàn thường có cấu trúc cơ bản như sau:
Nhóm người dùng: diễn đàn thường tổ chức thành viên thành các nhóm với quyền và chức vụ khác nhau.
Người gửi bài: đây chính là thành tố quan trọng nhất trong cộng đồng diễn đàn. Họ chính là những người tạo ra nội dung.
Thành viên điều hành: đây là những thành viên được trao quyền giám sát bài viết và thảo luận của các thành viên khác, đảm bào thực thi nội quy của diễn đàn.
Thành viên quản trị: là những thành viên quản lý các vấn đề kỹ thuật của diễn đàn. Họ có quyền tăng hoặc giảm quyền hành của thành viên, tạo ra các mục trên diễn đàn, sao lưu cơ sở dữ liệu.
2.2.4. Dịch vụ tiểu blog
Dịch vụ tiểu blog là một hình thức blog truyền thông đa phương tiện cho phép người dùng gửi những dòng chữ cập nhật ngắn hoặc các hình ảnh, âm thanh và xuất bản chúng lên internet cho mọi người hoặc một nhóm người giới hạn xem. Người dùng có thể gửi các thông điệp này thông qua tin nhắn di động, tin nhanh, thư điện tử, hay trực tiếp qua website. Sự khác biệt giữa dịch vụ tiểu blog với weblog nằm ở chỗ thông điệp ngắn gọn hơn rất nhiều và tập trung vào một chủ đề nhất định. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn sử dụng hai dịch vụ này chung cho mục đích kinh doanh. Nhiều dịch vụ tiểu blog cho phép doanh nghiệp tương tác trực tiếp với người tiêu dùng, chia sẻ tin tức về công ty, sản phẩm và dịch vụ.
2.2.5. Mạng xã hội
Mạng xã hội như Facebook, LinkedIn chính là những đại diện tiêu biểu nhất của công nghệ internet. Những trang này cho phép xây dựng mối quan hệ trên quy mô lớn, các cá nhân có thể kết nối với nhau dựa trên quan hệ bạn bè trên thực tế, sở thích, mục tiêu nghề nghiệp, hay thông qua một người quen khác. Khi người dùng tham gia một mạng xã hội, họ có thể tạo hồ sơ cho riêng mình. Hồ sơ bao gồm thông tin cá nhân như: quê quán, tiểu sử nghề nghiệp, sở thích... Sau đó người dùng có thể tải hình ảnh lên mạng hay chia sẻ những liên kết mà họ quan tâm. Thông tin này được hiển thị trên trang hồ sơ và người dùng có thể điều chỉnh mức độ riêng tư: thông tin có thể được xem bởi mọi người hay chỉ những người có kết nối với họ. Trang hồ sơ chính là điểm xuất phát để người dùng tiếp tục tìm hiểu về các mạng xã hội này. Họ có thể tìm kiếm những cá nhân khác, hay tìm những người có cùng sở thích. Theo cách đó, những mạng lưới toàn cầu của các cá nhân này với các mối quan hệ của họ được sản sinh.
Tương tự như blog và các trang đánh giá, mạng xã hội cho phép người dùng bình luận, gửi hình ảnh, đoạn phim, đường liên kết lên trang hồ sơ của người khác, tức là chia sẻ thông tin và sở thích với hàng chục, hàng trăm hay thậm chí là hàng ngàn người khác.
2.2.6. Dịch vụ chia sẻ nội dung
Trong khi mạng xã hội cho phép người dùng chia sẻ tất cả các thể loại nội dung khác nhau thì những dịch vụ chia sẻ nội dung như Flickr hay Youtube lại cho phép họ chia sẻ một thể loại nội dung chuyên biệt. Youtube của Google là dịch vụ cho phép người dùng chia sẻ các đoạn video về mọi chủ đề trong khi Flickr của Yahoo lại dành cho giới yêu thích nhiếp ảnh. Nội dung đóng vai trò trọng tâm, người dùng không cần tạo hồ sơ mới có thể tham gia và nếu họ muốn tạo thì những trang hồ sơ này cũng không cần mang nhiều thông tin cá nhân. Giống như các dịch vụ trực tuyến khác, Flickr và Youtube cho phép người dùng bình luận về nội dung của người khác gửi lên. Một lần nữa điều này lại thúc đẩy quá trình trao đổi ý tưởng và tư duy.
Theo Eureka, cho dù doanh nghiệp du lịch, khách sạn mới khai trương hay là dày dạn kinh nghiệm thì cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Một trong những thách thức quan trọng nhất đó chính là việc thiết kế website cho doanh nghiệp của mình. Một bản thiết kế website chuyên nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị truờng hiệu quả hơn, có thể giúp chuyển đổi khách truy cập website thành khách hàng khi họ tìm kiếm thông tin liên quan bằng công cụ tìm kiếm. Chính vì vậy, một vài điểm lưu ý sau cần được chú trọng:
2.4.1 Luôn tuơi, mới trong ý tưởng khi thiết kế website
Trang chủ của website một doanh nghiệp du lịch, khách sạn là phần quan trọng nhất trong một website. Đây là nơi đầu tiên mà khách hàng tiềm năng sẽ nhìn thấy khi truy cập vào website và đuợc liên kết tới những thư mục đuợc chọn sẵn. Một website cho doanh nghiệp du lịch, khách sạn thuờng dưới 10 trang cho nên trang chủ là một điểm nhấn vô cùng quan trọng, trang chủ phải được trình bày đơn giản nhưng toát lên sự sang trọng, tuơi tắn, lịch sự. Hầu hết khách hàng tiềm năng ghé thăm website một nhà hàng, khách sạn thường chỉ tìm giờ hoạt động, số điện thoại đặt phòng, chỉ dẫn địa điểm, và menu có giá cả rõ ràng. Nếu đơn vị có nhiều menu thì hãy liệt kê tất cả chúng với tên gợi nhớ ngắn gọn dễ hiểu và đảm bảo rằng các menu này dễ dàng truy cập từ trang chủ với ít thao tác nhất. Khách hàng thường không đủ kiên nhẫn để tìm kiếm thông tin trên website nếu đợi quá lâu. Họ có quá nhiều sự lựa chọn vì thế hãy để số điện thoại, giờ hoạt động có mặt trên tất cả các trang.
Đối với website của một nhà hàng, nếu có thực đơn cho trẻ em hãy sắp xếp nó trên menu dễ trông thấy, đa số cha mẹ thuờng chọn nhà hàng có thực đơn cho trẻ em đi cùng. Điều này sẽ giúp tăng tỉ lệ khách hàng cho nhà hàng. Nhiều khách hàng sẽ tìm đến trang chủ website sau khi đọc đánh giá về nhà hàng, nên giữ cho nội dung trang chủ ngắn gọn và tập trung, không nên cho quá nhiều văn bản trên trang chủ khi thiết kế website nhà hàng, khách sạn.
Màu sắc đóng vai trò quan trọng trong thiết kế website của nhà hàng hay khách sạn. Màu sắc tạo ra phản ứng cảm xúc cho nguời xem. Màu sắc khác nhau tạo ra các phản ứng tình cảm khác nhau. Màu đỏ và cam tăng nhịp tim và hơi thở, màu đen thể hiện sự sang trọng tinh tế chính vì thế nhiều website khách sạn, nhà hàng có màu chủ đạo là hai màu này. Đừng thiết kế website nhà hàng, khách sạn với quá nhiều màu sắc và hình ảnh đồ họa. Một hình ảnh có thể thay 1000 chữ nhưng nó cũng có thể gây nhầm lẫn và khuếch tán sự chú ý. Chọn một vài nhà hàng đẹp ưng ý để chụp ảnh hoặc chụp những món ăn đặc trưng để đưa lên trang chủ, đảm bảo những bức ảnh đó có chất luợng cao.
Không sử dụng flash vì nó làm cho website không tuơi và sắc nét, flash cũng không thân thiện với công cụ tìm kiếm. Không sử dụng nhạc nền trên website, khách hàng không thích điều đó. Hãy để dành nhạc ở trong nhà hàng. Tối ưu tốc độ tải của website bởi vì khách hàng rất thiếu kiên nhẫn, nếu website của nhà hàng, khách sạn chứa nhiều ảnh đồ họa lớn hãy đảm bảo cơ sở hạ tầng phần cứng, hotsting và băng thông đủ mạnh để hỗ trợ. Xem xét sự tương thích của website trên các thiết bị di động thông minh như điện thoại, máy tính bảng. Sự bùng nổ của các thiết bị di động có thể truy cập internet mọi lúc mọi nơi làm bất cứ chủ website nào cũng phải chú ý vấn đề này.
Nếu website nhà hàng, khách sạn có chuơng trình khuyến mại thuờng xuyên, hãy làm cho nó xuất hiện nổi bật trên trang chủ. Có thể, hôm nay khách hàng chưa tới nhưng họ sẽ đến vì biết trong tuơng lai có sự kiện đặc biệt diễn ra. Với chương trình khuyến mãi, có thể biến một nguời bình thuờng trở thành khách hàng thuờng xuyên.
Công cụ tìm kiếm thích các trang web có cấu trúc thân thiện linh hoạt. Điều này rất quan trọng vì nguời dùng chủ yếu đến với website qua công cụ tìm kiếm, tất nhiên nếu muốn có khách hàng thì phải ở những vị trí đầu tiên trong trang kết quả tìm kiếm. Không chỉ thiết kế cho công cụ tìm kiếm, nguời dùng cũng cần có một cấu trúc website đuợc tổ chức tốt, các menu rõ ràng dễ khám phá.
Ví dụ: khách hàng truy cập vào website có thể dễ dàng đặt phòng hoặc đặt hàng qua số điện thoại? Số điện thoại của khách sạn có dễ trông thấy trên website hay không?
Hãy sử dụng chữ in đậm, lớn để trình bày thông tin quan trọng hoặc nhấn mạnh những điều website muốn nguời đọc chú ý đến. Thêm màu cho các văn bản muốn nhấn mạnh. Hầu hết mọi nguời sẽ bỏ qua nội dung nếu tiêu đề nội dung họ không quan tâm, vì vậy đừng xem nhẹ việc đặt tựa (tiêu đề) cho nội dung.
Công cụ tìm kiếm biết đến website dựa trên nội dung chất lượng và các liên kết đến nó. Càng nhiều nội dung giá trị với khách hàng trên website thì càng thu hút đuợc sự chú ý của công cụ tìm kiếm. Con người cũng cần nội dung, họ muốn biết nhà hàng, khách sạn như thế nào, có các món ăn kiêng, ăn chay hay không? Hãy nghiên cứu đối thủ cạnh tranh thành công. Xem màu sắc, nội dung hình ảnh đồ họa cách bố trí trên website để rút kinh nghiệm áp dụng cho website của mình.
Các đơn vị du lịch, khách sạn cũng như các doanh nghiệp nhỏ khác cần phải quan tâm tới tiếp thị trực tuyến website của mình mà cụ thể là SEO và SEM. Cả 2 cái này sẽ là đòn bẩy tuyệt vời cho công việc kinh doanh. Rất nhiều khách hàng tiềm năng đến từ công cụ tìm kiếm.
Khách hàng đến với doanh nghiệp du lịch, khách sạn do sự khác biệt vì thế hãy tạo ra sự khác biệt bằng đam mê và nhiệt huyết sáng tạo. Chỉ có sự khác biệt mới làm điểm nhấn quan trọng thu hút khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh này.
Trên đây là những yếu tố cần chú ý khi thiết kế webstie cho doanh nghiệp du lịch, khách sạn. Nếu làm tốt các vấn đề trên, website sẽ trở thành công cụ kinh doanh trực tuyến hữu hiệu nhất.  
Lĩnh vực tiếp thị số đang thay đổi nhanh chóng cùng với sự phát triển của công nghệ. Các doanh nghiệp du lịch, khách sạn cần tìm hiểu thêm 14 công cụ tiếp thị đã được ứng dụng tiếp thị nhằm theo kịp sự thay đổi đó. [11]
2.5.1. Di động: Đặt phòng trên di động sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. Có dự đoán cho rằng đến năm 2017, 50% đặt phòng trực tiếp trực tuyến đến từ các thiết bị di động.
2.5.2. Video: Sử dụng video tăng lên với tốc độ nhanh. Năm 2013, 81% du khách mua sắm du lịch trực tuyến đã tham khảo video trước khi đặt dịch vụ.
2.5.3. Từ khóa tìm kiếm: Hiện có khoảng 80% dữ liệu tìm kiếm của Google được ghi nhận dưới từ khóa “Not provided”. Dự đoán trong tương lai không xa, Google sẽ mã hóa 100% từ khóa – dấu chấm hết cho dữ liệu từ khóa tìm kiếm tự nhiên.
2.5.4. Tái tiếp thị (ReMarketing): 96% người dùng rời website mà không mua sắm gì. Công nghệ tái tiếp thị sẽ giúp doanh nghiệp du lịch tiếp cận lại với họ.
2.5.5. OTA (Online Travel Agent) và đặt phòng trực tiếp: Trung bình một du khách thăm hơn 20 website trước khi họ đặt dịch vụ trực tuyến. Năm 2014, meta search, truyền thông xã hội và website thương hiệu mạnh sẽ có cơ hội cạnh tranh với OTA và có được các đặt phòng trực tiếp nhiều hơn.
2.5.6. Meta search: Các công cụ tìm kiếm du lịch chuyên biệt đang bùng nổ.
2.5.7. Tìm kiếm theo ngữ nghĩa (Semantic search): Công nghệ tìm kiếm mới này sẽ tiếp tục phát triển.
2.5.8. Kết quả hình ảnh Google Carousel: Hiện hình thức hiển thị kết quả theo hình ảnh Google Carousel đã được áp dụng cho tìm kiếm sự kiện và vị trí tại Châu Âu. Trong năm 2014 vừa qua, Google nhân rộng hình thức này với tất cả các kết quả khách sạn (hiện đã áp dụng tại Mỹ).
2.5.9. Đa màn hình: Cũng trong 2014 là năm của tiếp thị đa màn hình, các du khách sẽ di chuyển giữa các thiết bị trong quá trình đặt dịch vụ.
2.5.10. Tiếp thị truyền thông xã hội:
Lượng truy cập website thông qua truyền thông xã hội ngày càng tăng. Công cụ tìm kiếm sẽ dành ưu tiên nhiều hơn cho các website truyền thông xã hội trong kết quả tìm kiếm.
2.5.11. Google Plus: Google Plus sẽ là mạng xã hội dành cho SEO trong năm qua và các năm kế tiếp, nội dung trong Google Plus sẽ xuất hiện trong Google Carousel, tìm kiếm địa phương và kết quả Google Now.
2.5.12. Google Analytics: Các chuyên viên tiếp thị sẽ tiếp tục phải tìm hiểu sâu hơn công cụ này.
2.5.13. Tốc độ website: Tốc độ của website đã luôn có ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm và nó sẽ có vai trò lớn hơn nữa trong thời gian tới.
2.5.14. Vị trí: Công nghệ tiếp thị theo vị trí (Geo-Targeting) sẽ có bước phát triển lớn trong các năm tới. Ngành du lịch, khách sạn sẽ thấy cơ hội rất lớn với phương này.   
3. KẾT LUẬN
Việc lệ thuộc chủ yếu vào các kênh tiếp thị truyền thống như quảng cáo hay quan hệ công chúng để đưa thông điệp đến người tiêu dùng đã trở nên lỗi thời. Ngày nay, người làm marketing tiếp cận người tiêu dùng trực tiếp qua internet. Mọi doanh nghiệp đều có thể tận dụng sức mạnh của internet để tự định vị nhãn hiệu ở một tầm cao mới. Doanh nghiệp chứng tỏ năng lực chuyên môn của mình dưới nhiều hình thức khác nhau: trang Web, blog, diễn đàn, mạng xã hội, v.v. Những hình thức mới này cho phép họ cung cấp thông tin phù hợp vào đúng thời điểm mà khách hàng dễ tiếp thu nhất. 

Bài được đăng trong kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại điện tử - cơ hội và thách thức trong trong nền kinh tế hội nhập quốc tế” Đại học Đà Lạt ngày 20/06/2015 

4. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đặng Thanh Vũ (2014), Bán và tiếp thị sản phẩm khách sạn, ĐH Công nghệ Tp.HCM.
[2]. Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam (2005), “Luật giao dịch điện tử số”.  
[3]. Hệ thống văn bản Pháp luật, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử.  
[7]. “Glossary:E-commerce”. Euro Commission.
[8]. http://www.taka.com.vn/
[9]. http://inet.edu.vn/tin-tuc/44/marketing-online.html  
[10]. http://event.forbesvietnam.com/under30summit/program/
[11]. http://www.hospitalite.vn/2014/01/08/14-xu-huong-tiep-thi-truc-tuyen-nam-2014/    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét