Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

DU LỊCH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG - NÔNG DÂN CŨNG PHẢI THAM GIA LÀM DU LỊCH

1. VÀI NÉT TỔNG QUAN VỀ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Ðồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất trù phú, là vựa lúa phì nhiêu, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực và cây ăn quả nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. ĐBSCL là vùng đất quan trọng của cả nước trong việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, du lịch, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Có địa hình là một bán đảo với 3 mặt Đông, Nam và Tây Nam giáp biển, phía Tây giáp Campuchia, phía Bắc giáp vùng kinh tế Đông Nam Bộ. ĐBSCL có địa hình tương đối bằng phẳng, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc thuận lợi cho giao thông thủy bộ. Diện tích tự nhiên toàn vùng xấp xỉ 40.000 km2; trong đó khoảng 65% diện tích đất được dùng để sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.
ĐBSCL có 13 đơn vị hành chính bao gồm: thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh gồm Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang. Với khoảng 18 triệu người dân sinh sống, chiếm hơn 20% dân số cả nước, cư dân vùng ĐBSCL có độ tuổi dưới 40 chiếm tới hơn 80%, trong đó nữ chiếm hơn 52%. Thành phần dân cư chủ yếu của vùng ĐBSCL là dân tộc Việt, người Kinh chiếm 86% còn lại là dân tộc khác chiếm tỉ lệ 14% dân số toàn vùng như Hoa, Khmer, Chăm… Trong đó, người Khmer có số lượng đông nhất (10,5%) phân bổ chủ yếu ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. (Nguồn: Nxb Thống Kê 2009).
ĐBSCL có bờ biển dài trên 700 km chiếm khoảng 360.000 km2 vùng kinh tế đặc quyền, giáp biển Đông và vịnh Thái Lan, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. ĐBSCL nằm giữa một khu vực kinh tế năng động và phát triển, liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vùng phát triển năng động nhất Việt Nam. ĐBSCL nằm trong khu vực có đường giao thông hàng hải và hàng không cực kỳ quan trọng cho giao lưu quốc tế. Với vị trí địa lý, tài nguyên nhân văn và tài nguyên tự nhiên phong phú, ĐBSCL rất có tiềm năng trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, nông nghiệp, du lịch. Chiến lược tốt, đồng bộ thì có thể biến ĐBSCL trở thành một địa chỉ lớn cho du lịch của Đông Nam Á và thế giới.
2.  THỰC TRẠNG NHÂN LỰC LÀM DU LỊCH VÙNG ĐBSCL
Đầu ra nhân lực cho ĐBSCL liên quan đến giáo dục mà nền tảng là giáo dục cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề này cho thấy thực trạng về kết quả giáo dục đào tạo hiện nay rất đáng buồn: 45% người dân nông thôn chưa hoàn tất cấp học nào, tỉ lệ bỏ học của cấp học THPT lên đến 14 - 15%. ĐBSCL đã tụt hậu ít nhất năm năm so với mặt bằng chung cả nước và ít nhất 10 năm so với đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ. Chất lượng giáo dục phổ thông ở ÐBSCL còn bất cập, quy mô và hiệu quả chưa đồng đều, nhiều địa phương vẫn còn chạy theo thành tích. Công tác đào tạo giáo viên thiếu khoa học, chưa thật sự lựa chọn được người giỏi, tâm huyết cho ngành. Từ cơ sở đó, hai vấn đề cấp bách cần giải quyết để vực dậy giáo dục - đào tạo ÐBSCL là tập trung nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và thay đổi quy trình đào tạo giáo viên. (theo GS.TS. Võ Tòng Xuân).
Một cách khách quan nhìn nhận rằng, việc đào tạo nhân lực cho ngành du lịch 13 tỉnh, thành ĐBSCL rất hạn chế. Phần lớn lao động có tay nghề của ngành du lịch ĐBSCL là tự tìm đến thành phố Hồ Chí Minh học tập (Tp.HCM trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, giao thương, văn hóa, giáo dục, du lịch của cả nước. Tp.HCM có mức sống và trình độ dân trí khá, có kinh nghiệm và chuyên môn cao trong việc đào tạo nhân lực cho ngành cũng như kinh nghiệm phát triển du lịch). Sau khi học xong, người học trở về quê hương làm việc. Dù được đào tạo khá bài bản ở các khoa, trường du lịch tại Tp.HCM nhưng khi trở về địa phương thì điều kiện lao động thiếu thốn, môi trường làm việc nhiều hạn chế nên những người này chưa thật sự phát huy tiềm năng sẵn có. Việc huy động sức của lực lượng này không đáng kể, nên họ không đóng góp nhiều cho sự phát triển chung của ngành và du lịch ĐBSCL vẫn chưa bức phá được. Tại các tỉnh thành khác thuộc ĐBSCL như thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang cũng đào tạo các bậc học đáp ứng nhân lực du lịch. Tuy nhiên, số lượng đào tạo không nhiều bên cạnh chất lượng đầu ra cũng chưa cao. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy chưa đạt chuẩn, ít người có trình độ cao nhưng nếu có thì lại thiếu kỹ năng nghiệp vụ vì chưa từng kinh qua thực tiễn công việc.
Nói đến việc đào tạo nghề cho nhân lực ngành du lịch thì quả còn nhiều điều đáng suy nghĩ. ĐBSCL này lúc nào cũng đong đầy hạt lúa, lương thực dồi dào, cá tôm chất đống nhưng hình ảnh ngược lại là nhiều nhà người dân vùng nông thôn vẫn còn mái lá liêu xiêu, vách phên trống hoác, con trẻ mặt mũi lúc nào cũng tèm nhem. Bức tranh tương phản đó phản ánh thực trạng không tốt đẹp lắm cho ngành giáo dục đào tạo vùng ĐBSCL nói chung và nhân lực ngành du lịch nói riêng. Ðể có đội ngũ nhân lực tốt, giúp du lịch ĐBSCL phát huy và phát triển bền vững thì giáo dục ÐBSCL phải cất cánh trước, tiến bước cùng các vùng khác trong cả nước. Chính phủ Việt Nam, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cùng các ngành, các cấp của 13 tỉnh thành phải vào cuộc để có những giải pháp quyết liệt đối với người dân ĐBSCL. Đưa đồng bào vượt khỏi đói nghèo, giải quyết căn cơ việc học hành của người dân đồng thời cũng là giải quyết nhân lực lao động cho ngành du lịch trong chiến lược phát triển toàn diện ĐDSCL. Theo dự báo, vào năm 2020 nhân lực du lịch cần đáp ứng cho 13 địa phương vùng ĐBSCL là 207.900 người, trong đó có 75.400 lao động trực tiếp, gần 2/3 còn lại là lao động gián tiếp. (Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch - Tổng cục Du lịch VN).
Yếu tố con người quyết định đối với mọi lĩnh vực, trong du lịch thì càng đặc biệt hơn bởi lẽ con người là sản phẩm chủ lực nhất của ngành. Con người đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra sản phẩm có chất lượng cao cho ngành du lịch. Do vậy, đào tạo nhân lực du lịch ĐBSCL cần phải ưu tiên hàng đầu, đặc biệt đối với các hộ nông dân. Có thế, thì du lịch ĐBSCL mới vững bước và phát triển bền vững trong tương lai.
3. CÁC GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT
Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày một diễn ra nhanh, thì việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch phải đạt tiêu chuẩn chung của quốc gia, được thừa nhận trong khu vực và trên thế giới. ĐBSCL cần tập trung đầu tư, tăng cường năng lực các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch từ trung tâm đào tạo nghề đến đại học. Huy động và tập trung mọi năng lực dạy nghề từ tư thục đến công lập, từ ngắn hạn đến tập trung dài hạn. Chú trọng mọi kỹ năng của tất cả đối tượng khi tham gia đào tạo nghiệp vụ du lịch. Tăng cường đội ngũ cán bộ làm du lịch từ trực tiếp đến gián tiếp, từ quản lý các doanh nghiệp du lịch đến các cán bộ quản lý của các sở, ban ngành. Cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với người làm công tác du lịch trẻ, với đội ngũ lao động trực tiếp nhưng ở vùng sâu, vùng xa. Ban hành chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đào tạo và tái đào tạo thường xuyên, được phép mở trường đào tạo nghiệp vụ du lịch lữ hành và khách sạn nhà hàng. Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng bộ tiêu chuẩn nghiệp vụ của Tổng cục Du lịch Việt Nam (VTOS) đã ban hành. Có chính sách miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp du lịch, khách sạn có tham gia đào tạo và tái đào tạo nhân lực tốt cho ngành du lịch ĐBSCL. Để đáp ứng nhu cầu đó, 13 tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL cần tập trung và đẩy mạnh tăng tốc vào các vấn đề sau:
3.1. Đối với lao động cần trình độ cao thì nhân lực cho ngành cần chú trọng đến mảng du lịch- lữ hành, khách sạn – nhà hàng có tay nghề, đủ vốn ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu phục vụ khách cao cấp.
Thời gian qua, ĐBSCL chỉ chú trọng đào tạo nhân lực cho ngành du lịch thông qua ngành Việt Nam học mà Việt Nam học thì khác xa ngành Du lịch học và càng khác xa với ngành Quản trị Du lịch, khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Các ngành Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng & Dịch vụ ăn uống hầu như bỏ trống. Nếu có, cũng chỉ là đào tạo các bậc học thấp, sơ sài chưa đủ tầm để người học phát huy sở trường và đóng góp của họ. ĐBSCL cần chú trọng đồng đều hơn nữa giữa các ngành thuộc lĩnh vực du lịch khi qui hoạch đào tạo.
Về chất lượng, lao động du lịch cho ĐBSCL phải được trang bị đúng và đủ kiến thức, kỹ năng, quy trình kỹ thuật nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, tinh thần, thái độ phục vụ; có năng lực ngoại ngữ, đảm bảo yêu cầu của từng nghiệp vụ cụ thể.
Về cơ cấu lao động du lịch của mỗi địa phương trong vùng phải đảm bảo hợp lý giữa trình độ đào tạo cũng như giữa các chuyên ngành của mỗi lĩnh vực. Cân bằng giữa học lý thuyết và thời gian thực hành, Giữa số lượng và chất lượng các ngành nghề. (Trong đào tạo nghề này, ĐBSCL nên tham khảo mô hình đào tạo tương đối chuẩn của Trường Du lịch Khách sạn Saigontourist Tp.HCM)
3.2. Một trường Đại học chuyên ngành du lịch thiên về ứng dụng có qui mô cấp vùng cho ĐBSCL.
Cần thiết phải xây dựng một trường đại học chuyên ngành du lịch, đào tạo đa hệ mang tính ứng dụng nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu học tập của người dân ĐBSCL. Việc mở trường đại học chuyên ngành du lịch ở ĐBSCL được xem như là sự đầu tư có chiều sâu, với chương trình đào tạo xây dựng đa dạng, phong phú đáp ứng đầy đủ các thành phần và các bậc học, đảm bảo ai muốn học cũng đều có thể tham gia học tập. Đây là hướng đầu tư hiệu quả góp phần phát triển kinh tế xã hội cho toàn vùng ĐBSCL đồng thời mở ra cơ hội học tập và học tập suốt đời, cho lao động trực tiếp lẫn gián tiếp của ngành du lịch.
Cùng quan điểm trên, có 44,6% ý kiến cho rằng cần thiết phải có một trường đại học chuyên ngành du lịch cho ĐBSCL (Kết quả nghiên cứu đề tài “Sản phẩm du lịch nào cho đồng bằng sông Cửu Long?”).
Hiện nay, công tác đào tạo mới nguồn nhân lực du lịch cho ĐBSCL mới chỉ có các cơ sở đào tạo du lịch ở một vài khoa nhưng không phải là khoa du lịch (ĐH An Giang, ĐH Tiền Giang). Một số trường có thành lập khoa Du lịch (ĐH Cần Thơ, ĐH Cửu Long). Một số khóa đào tạo ngắn hạn về du lịch nhưng chỉ tập trung đào tạo kỹ năng phục vụ, ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức các loại hình dịch vụ phù hợp với các đặc điểm sản xuất của cư dân ở các địa phương.  
Nhìn chung, chưa thể nói lên điều gì đáng kể về việc hoạch định nhân lực cho ngành du lịch ĐBSCL. Phát triển nguồn nhân lực du lịch ĐBSCL cần huy động mọi nguồn lực, ưu tiên tạo ra sự phát triển vượt bậc cả về chất và lượng trong thời gian tới. Trên cơ sở đó,  Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cùng chính quyền của 13 địa phương trong vùng có trách nhiệm quản lý, đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo.
3.3 Ngành Du lịch ĐBSCL cần tìm ra tiếng nói chung trong sự liên kết doanh nghiệp, liên kết địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước để du lịch ĐBSCL trở thành một địa chỉ du lịch trên bản đồ du lịch Đông Nam Á và thế giới.  
Những nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của ngành du lịch ĐBSCL từ lâu đã được các đơn vị quản lý nhà nước Việt Nam, các doanh nghiệp khai thác du lịch nhận thấy. Đã có nhiều hội thảo, hội nghị về du lịch qui mô khu vực được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp đồng bộ và hiệu quả để khai thác tiềm năng du lịch của ĐBSCL một cách xứng tầm. Trong đó, vấn đề liên kết để khắc phục những yếu kém, đưa ngành du lịch ngày càng phát triển, luôn được đặt ra nhưng đến nay vẫn mãi loay hoay và thật sự chưa có cú hích nào cụ thể. Trong bối cảnh của ĐBSCL hiện nay, thường xuyên quan tâm phối hợp liên kết dưới dạng các hoạt động như sau:
- Lập qui hoạch định hướng phát triển du lịch dài hạn và ngắn hạn cho cả vùng.
- Liên kết để xây dựng và qui hoạch phát triển du lịch cho từng địa phương trực thuộc ĐBSCL.
- Liên kết xây dựng sản phẩm đặc trưng cho từng địa phương ĐBSCL.
- Liên kết hợp tác xúc tiến quảng bá tiếp thị và định vị sản phẩm du lịch ĐBSCL.
- Liên kết hợp tác đào tạo nhân lực cho ĐBSCL
- Liên kết hợp tác xây dựng các sự kiện mang tầm khu vực, quốc gia và quốc tế.
- Hợp tác – liên kết để cùng phát triển. 
4. KIẾN NGHỊ
4.1. Đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long  
Quy hoạch du lịch tổng thể toàn vùng đã có, tuy nhiên việc chọn lọc và đưa ra các mô hình tốt đối với các loại hình du lịch phù hợp của địa phương và của vùng phải được thường xuyên quan tâm và đầu tư bài bản. Chú trọng khai thác hợp lý, bền vững có hiệu quả, bảo vệ và phát huy các giá trị tài nguyên môi trường du lịch một cách tích cực. Kiểm kê và đánh giá tích cực các tài nguyên du lịch để có kế hoạch khai thác sử dụng trước mắt và lâu dài.
Từng địa phương ĐBSCL cần có những hướng phân vùng chức năng, quản lý tốt các điểm du lịch, các danh lam thắng cảnh, di tích của địa phương mình. Ưu tiên phát triển du lịch, quy hoạch các đô thị có chức năng du lịch, khôi phục và phát triển các phố nghề, làng nghề truyền thống để tạo điểm du lịch thu hút khách và tiêu thụ sản phẩm địa phương.
Xây dựng và thực hiện tốt quy chế bảo vệ môi trường du lịch ở những khu vực nhạy cảm như ở các vườn quốc gia, sân chim, vùng biển, hải đảo và các đô thị lớn. Hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư thực hiện sát những tư tưởng phát triển chung của toàn vùng. Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trên lãnh thổ vùng, cần có sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong việc khai thác tiềm năng tài nguyên để phát triển du lịch.
Có chiến lược phát triển du lịch và định hướng kinh doanh hiện đại, phù hợp với từng thời kỳ. Cán bộ làm tiếp thị, truyền thông cần được tập huấn, bồi dưỡng và nâng cao trình độ thường xuyên để có đủ tầm “thổi hồn” vào sản phẩm du lịch của từng địa phương mình.
4.2. Đối với cộng đồng dân cư ĐBSCL
Người dân ĐBSCL có tính cách hiền hòa, nhân hậu, cởi mở, thân thiện đặc biệt là hay cười đó là các yếu tố cơ bản của người làm công tác du lịch. Nhiều quốc gia xung quanh Việt Nam như Singapore, Philippin, Thailan, Malaysia đã có những kế hoạch phát triển du lịch cho đất nước của họ bằng chiến lược thông qua những nụ cười. Trong quá khứ và ngay cả hiện tại, trên các kênh truyền thông nước ngoài các chương trình quảng bá tương tự vẫn còn nguyên giá trị.
ĐBSCL của Việt Nam cũng thế, muốn phát triển du lịch và làm thức tỉnh vùng đất giàu tiềm năng này thì cần có những chiến lược cụ thể về con người. Bên cạnh những đức tính và truyền thống cần cù sẵn có của người nông dân, thì việc xây dựng được nhận thức cho người dân toàn vùng với một tinh thần cộng đồng, tinh thần phục vụ du khách là việc không thể không làm. Trên cơ sở đó, cần triển khai hai việc đối với bà con nông dân ĐBSCL như sau:
4.2.1 Nâng cao nhận thức và tinh thần phục vụ du lịch
Nâng cao nhận thức về tinh thần phục vụ du khách cho cộng đồng dân cư là việc làm không phải chỉ trong một sớm một chiều là thành công. Cần quán triệt người dân ĐBSCL hiểu và biết được rằng du lịch sẽ là nguồn thu chính cho mọi gia đình trong tương lai. Có thể so sánh, cứ một người khách quốc tế mua tour Việt Nam từ bốn đến năm ngày, chi tiêu bình quân theo cách chi của dân du lịch, thì ngoại tệ thu về tương đương xuất khẩu một tấn gạo ra nước ngoài. Làm tốt việc nâng cao nhận thức và tinh thần phục vụ du lịch cho người dân ĐBSCL còn giúp họ hiểu và biết quan tâm tới môi trường khi khai thác du lịch. Biết đầu tư và phát triển du lịch một cách bền vững, biết xây dựng nếp sống xanh, sống sạch, sống đẹp trong cộng đồng. Ý thức du lịch được nâng cao sẽ góp phần cải thiện cuộc sống cộng đồng đáng kể hơn.
4.2.2 Nông dân cùng làm du lịch, nhà nhà làm du lịch
Phát động chiến dịch “Nông dân cùng làm du lịch, nhà nhà làm du lịch” với các khẩu hiệu “ĐBSCL - Mọi người dân cùng học cùng làm du lịch” hay “Hãy nở nụ cười vì sự phát triển của du lịch ĐBSCL” một cách sâu rộng trên phạm vi toàn vùng và trên đất nước Việt Nam. Điều này sẽ từng bước giúp nâng cao nhận thức của người dân qua các hoạt động du lịch tại các địa phương. Góp phần nâng cao những giá trị mà du lịch mang lại cho cộng đồng.
Tại các địa phương, chính quyền sở tại sẽ có các trung tâm đào tạo cộng đồng làm công tác giáo dục và hỗ trợ kiến thức kinh doanh dịch vụ du lịch cho người dân khi có nhu cầu. Một khi, cộng đồng hiểu được hết các giá trị của hoạt động du lịch thì tin chắc du lịch sẽ khởi sắc và cất cánh.
Người dân Việt Nam có truyền thống “yêu nước thương nòi”, thường tự hào về đất nước ‘Bốn nghìn năm văn hiến” và truyền thống chống ngoại xâm với tinh thần bất khuất của mình. Lịch sử đã để lại, dân tộc Việt Nam nhiều phen đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập và quyền tự chủ đất nước. Người Việt cho rằng, tấc đất cha ông là tấc vàng. Do vậy, bằng mọi cách phải gìn giữ những gì mà cha ông để lại. Và để giá trị đó mãi bền vững thì “Một tấc không đi, một li không rời”, cách tốt nhất để gìn giữ là gắn chặt đời mình với đất, làm cho giá trị của đất mãi tăng lên theo thời gian.
 5. KẾT LUẬN
Thúc đẩy cho du lịch ĐBSCL phát triển thì không thể tách rời đời sống người dân của ĐBSCL ra khỏi các vùng miền khác của Việt Nam: khu vực Đông Nam bộ, các tỉnh Trung bộ, khu vực Tây Nguyên và châu thổ Bắc bộ, trong đó trọng điểm chính là Tp.HCM. Thông qua hoạt động du lịch, sẽ tăng cường giao lưu của người dân các vùng miền, tăng cường hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau khi du lịch, góp phần nâng cao dân trí và văn minh cộng đồng. Việc san sẻ và cân bằng văn hóa giữa các vùng miền với nhau, còn góp phần không nhỏ trong việc nâng cao mức sống người dân thông qua việc tái phân chia thu nhập.
Động lực chính để kích thích sự tăng trưởng du lịch ĐBSCL là làm sao khơi dậy tinh thần du lịch của người dân Tp.HCM hướng về ĐBSCL. Chỉ cần sự hưởng ứng, hợp tác, giúp đỡ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền Tp.HCM là có thể đánh thức một tiềm năng to lớn ĐBSCL còn “say ngủ”. Mỗi ngày, tại khu phố tây Phạm Ngũ Lão có khoảng 4.000 khách du lịch tỏa đi các nơi, số về ĐBSCL chiếm khoảng 50% (Nguồn: Du lịch Sinh Balô). Nhiều công ty du lịch nội địa khác ở Tp.HCM, miền Trung và cả miền Bắc có nhiều chuyến du lịch thẳng tiến về ĐBSCL mỗi ngày. Sự hợp tác để cùng phát triển là không thể thiếu đối cho sự phát triển bền vững của du lịch ĐBSCL hôm nay và mai sau.

6. TÀI LIỆU THAM KHẢO
TIẾNG VIỆT:
  1. Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch (2009), Kỷ yếu hội thảo Phát triển du lịch bền vững vùng ĐBSCL.
  2. SGU (2009), Hội thảo khoa học toàn quốc “Đào tạo nguồn nhân lực ngành văn hóa - du lịch trong xu thế hội nhập và phát triển”
  3. VNAT (2007), Nâng cao Nhận thức về du lịch.
  4. VNAT (2007), Giải pháp tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam, Hội nghị chuyên đề tổ chức tại Tp.HCM.
  5. Dự án phát triển Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam (VATC), tài liệu Hội thảo “Nâng cao nhận thức về du lịch”, Tp.HCM, 2007.
  6. Hồng Vân, Đường vào nghề du lịch, Nxb Trẻ 2006
 TIẾNG ANH:
  1. Carole Nicolaides (2001), Customer Satisfaction Equals Business Success
  2. Anvin Chan (2004), Customer Targeted Marketing.
  3. Cummings and Worley (1997), "Organization Development and Change", Sixth Edition, South-Western Publishing, p.2.
  4. Adele Ladkin and Julie Spiller (2000), The meetings, Incentives, Conferences and Exhibitions Industry, Travel & Tourism Intelligence 48 Bedford Square London WC18 3DP UK.
  5. Amrit Tiwana (2007), The Knowledge Management Toolkit,
CÁC WEBSITE:
  1. www.mdec.vn
  2. www.gso.gov.vn
  3. www.bentre.gov.vn
  4. www.tiengiang.gov.vn
  5. www.angiang.gov.vn
  6. www.kiengiang.gov.vn
  7. www.camau.gov.vn
  8. www.vinhlong.gov.vn
  9. www.dongthap.gov.vn
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét